Thúc đẩy sớm xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên vào Nhật Bản năm 2020

Bắc Giang đã lên các kịch bản tiêu thụ vải tươi trong năm 2020
Bắc Giang đã lên các kịch bản tiêu thụ vải tươi trong năm 2020
TPO - Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT ngày 14/5 đã họp trực tuyến với các đối tác của Nhật Bản nhằm hoàn thiện các thủ tục cho xuất khẩu quả vải tươi Việt Nam đầu tiên sang thị trường này.

Ngày 14/5, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, cuối năm ngoái, Nhật Bản đã chính thức đồng ý để Việt Nam xuất khẩu quả vải vào thị trường này.

Bộ NN&PTNT, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đang phối hợp chặt chẽ với phía Nhật, chuẩn bị mọi điều kiện cho việc xuất khẩu vải thiều.

Theo ông Doanh, Bắc Giang rất chủ động, xây dựng các vùng trồng vải, áp dụng quy trình canh tác đảm bảo tiêu chuẩn để xuất khẩu vào Nhật. Cục BVTV cũng cử cán bộ, cùng với địa phương giám sát quá trình chăm sóc.

“Hi vọng với sự vào cuộc thiện chí của Nhật Bản việc xuất vải thiều vào thị trường này sẽ thành công, dù trong bối cảnh dịch COVDI-19 rất khó khăn”, ông Doanh nói.

Cũng theo ông Doanh, Bộ đang tìm các giải pháp, trong khi các chuyên gia Nhật Bản chưa sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá do dịch COVID-19, phía Nhật có thể ủy quyền cho Việt Nam, cùng với sự giám sát của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

“Nếu mọi việc suôn sẻ, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bắc Giang, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam sẽ làm lễ xuất khẩu vải thiều sang Nhật trong thời gian tới”, ông Doanh nói.

Theo Sở NN&PTNT Bắc Giang, năm 2020 toàn tỉnh có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000 ha, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Trong đó vải sớm 6.000 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải thiều chính vụ trên 22.100 ha, sản lượng 115.000 tấn.

Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh có 15.000 ha, chiếm 53% tổng diện tích toàn tỉnh, sản lượng ước đạt 110.000 tấn, chiếm gần 70% tổng sản lượng.

Vải chứng nhận GlobalGAP với 80 ha, sản lượng  ước đạt 500 tấn phục vụ các thị trường cao cấp. Trong đó, có 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản thuộc các xã: Hồng Giang, Nam Dương, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp của huyện Lục Ngạn và xã Phúc Hòa của huyện Tân Yên.

Vải sớm thu hoạch từ ngày 20/5 đến ngày 5/6, vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6.

Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19, Bắc Giang đã chủ động xây dựng các kịch bản cụ thể đối với tiêu thụ vải thiều.

Theo đó, với kịch bản thuận lợi nhất, vải được xuất khẩu bình thường qua các thị trường truyền thống và thị trường mới. Kịch bản thứ hai là khó khăn nhưng vẫn có thể xuất khẩu được. Kịch bản thứ ba là khó khăn nhất là không xuất khẩu được.

Theo ông Thái, tỉnh sẵn sàng khởi động cả 3 cái kịch bản, trong mọi tình huống chủ động tốt nhất để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất, tiêu thụ được sản phẩm.

Ông Thái cũng lưu ý về thị trường trong nước với gần 100 triệu dân là rất tiềm năng. Nếu khai thác tốt thị trường thì sản lượng vải của Bắc Giang hoàn toàn không phải lo lắng về đầu ra.

Liên quan đến thị trường Trung Quốc, ông La Văn Nam, Chủ tịch huyện Lục Ngạn cho biết, huyện đã xây dựng kế hoạch sớm, liên lạc với 190 thương nhân Trung Quốc. Họ đã đồng ý sang Việt Nam cùng với thương nhân Việt Nam thu mua vải.

Theo ông Nam, hiện danh sách các thương nhân Trung Quốc đã gửi về tỉnh, báo cáo Bộ Công an để làm các thủ tục nhập cảnh cho họ.

“Chúng tôi sẽ thực hiện tốt phương án phòng dịch COVID-19, đã chuẩn bị đủ phòng, nhân lực để cách ly 190 thương nhân Trung Quốc 14 ngày theo đúng thời gian quy định trước khi mua vải”, ông Nam nói.

Vụ vải thiều năm 2019 của Bắc Giang thắng lợi với tổng sản lượng tiêu thụ toàn tỉnh đạt trên 147.000 tấn, tổng giá trị đạt được mức kỷ lục trên 6.300 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng hơn 500 tỷ đồng so với năm 2018.

Bên cạnh thị trường chính là Trung Quốc, đến nay, vải thiều đã được xuất khẩu sang các thị trường lớn: Trung Đông, EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Úc…

Vải thiều xuất khẩu vào Nhật Bản phải đáp ứng điều kiện gì?

Theo Cục BVTV, phía Nhật Bản yêu cầu quả vải thiều phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo Bệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục BVTV và Bộ Nông lâm Ngư nghiệp của Nhật Bản (MAFF) công nhận, với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian hai giờ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.

Các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục BVTV cấp.

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.