Thúc đẩy sáng kiến để gia tăng phúc lợi và quyền cho trẻ em và phụ nữ

TPO - Nhiều ý kiến thảo luận cho rằng các doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần tuân thủ các chính sách cũng như quan tâm thúc đẩy các sáng kiến hướng đến gia tăng quyền phúc lợi cho phụ nữ và trẻ em… xoay quanh “Diễn đàn chia sẻ các thực hành tốt về thúc đẩy quyền trẻ em trong kinh doanh”.

Diễn đàn chia sẻ các thực hành tốt về thúc đẩy quyền trẻ em trong kinh doanh diễn ra chiều nay (16/4) tại TPHCM, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UNICEF phối hợp tổ chức.

Sự kiện là một phần trong dự án hợp tác giữa UNICEF Việt Nam và VCCI về thúc đẩy quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh trong các doanh nghiệp tại VN nhằm tăng cường kiến thức, năng lực và cam kết của các doanh nghiệp có tác động cao đến trẻ em để tôn trọng và hỗ trợ quyền trẻ em.

Thúc đẩy sáng kiến để gia tăng phúc lợi và quyền cho trẻ em và phụ nữ ảnh 1 Đại diện tổ chức UNICEF Việt Nam phát biểu tại diễn đàn
Chia sẻ tại diễn đàn, ông  Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết hiện nay kinh doanh tác động đến cuộc sống của trẻ em bằng nhiều cách. Trẻ em là thành viên gia đình của nhân viên, đội ngũ công nhân viên trẻ, người tiêu dùng, thành viên của cộng đồng và môi trường mà doanh nghiệp đang hoạt động. Đặc biệt hơn nữa, trong tương lai trẻ em sẽ là nhân viên và những nhà lãnh đạo của doanh nghiệp. “Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần thiết thể hiện sự quan tâm của mình đối với trẻ em và quyền của trẻ em thông qua các chính sách và hành động thực tiễn, thiết thực cho trẻ em”, ông Thành nói. 
Thúc đẩy sáng kiến để gia tăng phúc lợi và quyền cho trẻ em và phụ nữ ảnh 2

Các chuyên gia, nhà doanh nghiệp cùng thảo luận các giải pháp thực hành tốt nhằm thúc đẩy quyền trẻ em trong kinh doanh

Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp, nhà máy thuộc ngành dệt may, giày dép đã chia sẻ nhiều thực hành tốt, có tiềm năng mở rộng trong các ngành sản xuất.

Chẳng hạn, nhà máy công ty may Phương Nam tại TPHCM không chỉ giải quyết vấn đề bảo vệ lao động trẻ (15-18 tuổi) mà còn sắp xếp công việc phù hợp và phát triển kỹ năng cho công nhân từ 18-25 tuổi. Công ty hy vọng duy trì lực lượng lao động trẻ bằng cách đầu tư vào bảo vệ, phát triển kỹ năng và phúc lợi cho lao động trẻ. Trong khi đó, công ty PouYuen Việt Nam tại TPHCM đã nâng cao nhận thức về vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc và có kế hoạch ban hành chính sách cũng như hỗ trợ cho các lao động nữ đang nuôi con bú sử dụng phòng vắt và trữ sữa trong giờ làm việc.

Thúc đẩy sáng kiến để gia tăng phúc lợi và quyền cho trẻ em và phụ nữ ảnh 3 Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn

Một thực hành tốt khác là việc lắp đặt 8 máy nước lọc nước tại nhà máy công ty may Minh Anh ở tỉnh Hưng Yên để phục vụ nước nóng và lạnh trong khu vực sản xuất, thay vì chỉ tại một điểm trong căn-tin nhà máy. Nhà máy cũng khuyến khích người lao động nhập cư mang nước sạch về nhà sử dụng, vì phòng trọ của họ chỉ có nước giếng khoan không đảm bảo an toàn sức khỏe.

Bà Ines Kaempfer, Tổng Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Quyền trẻ em và Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nói rằng quá trình người phụ nữ mang thai và nuôi con có nhu cầu dinh dưỡng khá cao, thậm chí khi làm việc họ chờ từng phút để nghỉ ngơi. Do đó, doanh nghiệp cần linh hoạt cho họ thời gian nghỉ thai sản hoặc tạo điều kiện để người mẹ quay về cho con bú giữa giờ. Mặt khác, đứa trẻ không chỉ cần được quan tâm chăm sóc khi còn bé tí mà còn cả khi nó lớn lên và đi học.

Là chủ một doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các phúc lợi cho người lao động, ông Trung Dũng cho hay nhiều công ty khó có thể cung cấp hoặc đảm bảo các dịch vụ chăm sóc y tế, bảo hiểm cho người lao động. Hoặc có thì lại đắt đỏ và thông thường người lao động phải chi trả phần lớn phần chi phí này. Doanh nghiệp ông cung cấp các phúc lợi cho người lao động hoặc kết nối giúp người lao động để họ tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc mình được tốt hơn.

“Như vậy cần có các giải pháp mở rộng các sáng kiến này ra, tiến tới mở rộng lợi ích cho người lao động. Phải vượt lên trên những yêu cầu về phúc lợi cho người lao động với sự tham gia của tổ chức công đoàn và các hiệp hội, các nhãn hàng, các tổ chức phi chính phủ (NGO) nhằm thúc đẩy các sáng kiến như: phòng vắt sữa, hệ thống rửa tay, nuôi con bằng sữa mẹ… và nhân rộng chúng đến hàng ngàn nhà máy”, ông Trung Dũng gợi ý.

Bà Nazia Ijaz, Chuyên gia Hợp tác Doanh nghiệp, UNICEF Việt Nam cho rằng điều cực kỳ quan trọng là các doanh nghiệp ở bất kỳ lĩnh vực hay quy mô nào cũng cần hiểu rằng họ có tác động đến trẻ em và thanh thiếu niên thông qua các chính sách và thực hành tại nơi làm việc. “Ngoài việc tránh hoặc giảm các tác động tiêu cực, chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp đáp ứng trên cả các yêu cầu về tuân thủ và chính sách pháp luật để thực hiện trách nhiệm xã hội của mình”, bà Nazia chia sẻ.