Thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Philippines

Chuyến thăm làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Philippines nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Philippines.

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Philippines Benigno S. Aquino III và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schawab, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2014 (WEF Đông Á 2014) và thăm làm việc tại Philippines từ ngày 21-22/5.

Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Philippines nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Thời gian qua, quan hệ hợp tác Việt Nam-Philippines tiếp tục có những bước phát triển tốt đẹp.

Tháng 11/2002, hai nước ký Khuôn khổ Hợp tác song phương trong 25 năm đầu thế kỷ 21 và thời kỳ tiếp theo. Tháng 10/2011, hai nước ký Chương trình Hành động giai đoạn 2011-2016, định hướng cho quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực cụ thể, nhất trí đưa quan hệ lên tầm chiến lược.

Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, kim ngạch thương mại song phương tăng đều hằng năm, từ năm 2008-2011 đạt mức trên 2 tỉ USD, năm 2012 đạt xấp xỉ 2,9 tỉ USD, năm 2013 đạt 2,6 tỉ USD.

Từ 2008, mỗi năm Việt Nam xuất siêu hơn 1 tỷ USD sang Philippines, lớn nhất trong khối ASEAN, trong đó, gạo là mặt hàng chủ lực. Hằng năm Việt Nam xuất sang Philippines khoảng 1,5 triệu tấn gạo, chiếm 50-60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2008, Chính phủ hai nước ký Bản Thỏa thuận về việc mua bán gạo (gia hạn 2010 và 2013).

Ngoài gạo, Việt Nam xuất khẩu sang Philippines linh kiện điện tử và hàng nông sản; nhập khẩu của Philippines chủ yếu là phân bón, máy móc thiết bị phụ tùng, khoáng chất, khí hóa lỏng, xăng dầu, dược phẩm, vật liệu xây dựng...

Quan hệ hợp tác giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam-Philippines cũng đạt được nhiều kết quả. Hai bên đã ký Bản Thỏa thuận về hợp tác học thuật (10/2010); Kế hoạch hợp tác du lịch giai đoạn 2012-2015 (10/2011). Số lượng du học sinh Việt Nam sang Philippines ngày càng tăng (học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, bằng học bổng hoặc tự túc); khách du lịch Philippines tới Việt Nam có chiều hướng tăng, từ 27.000 lượt (năm 2008) lên hơn 100.501 lượt (năm 2013). Lượng khách du lịch từ Việt Nam sang Philippines cũng tăng gấp gần 3 lần, từ 6.000 lượt năm 2009 lên 17.000 lượt năm 2010.

Về quan hệ an ninh, quốc phòng, hai bên tích cực triển khai các thỏa thuận đã ký kết: Thỏa thuận về hợp tác quốc phòng (10/2010); Bản Thỏa thuận về thiết lập đường dây nóng giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân Philippines (hai bên đang thảo luận phụ lục để tiến tới thiết lập đường dây liên lạc); Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng phòng vệ bờ biển Philippines.

Bên cạnh đó, hợp tác biển và đại dương; hợp tác nông-ngư nghiệp; thủy sản... cũng là những lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa 2 nước.

Hợp tác biển và đại dương là một trong những trụ cột chính trong quan hệ hai nước. Một số mảng hợp tác chính, gồm: Khảo sát nghiên cứu khoa học chung về biển và đại dương (JOMRSE-SCS) - Kết thúc giai đoạn I năm 2008. Từ năm 2008 đã họp được 3 cuộc họp chuẩn bị cho giai đoạn II (trong năm 2008) với sự tham gia của Trung Quốc; Thoả thuận thăm dò địa chấn chung Việt Nam-Philippines-Trung Quốc (JMSU) từ 2005, kết thúc tháng 6/2009. Philippines chưa có chủ trương gia hạn tiếp. Hai bên đã ký Bản Thỏa thuận về hợp tác xử lý sự cố tràn dầu và Bản Thỏa thuận về hợp tác tìm kiếm cứu nạn (10/2010).

Trong hợp tác nông-ngư nghiệp, Việt Nam bắt đầu hợp tác hợp tác với Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) ở Philippines từ 1963 với việc cử cán bộ đến IRRI thực tập, nghiên cứu (từ 1964-2009, IRRI đã đào tạo cho Việt Nam 254 nhà khoa học, trong đó có 55 thạc sỹ, 29 tiến sỹ). Việt Nam và IRRI đã hợp tác trao đổi nhiều giống lúa. Hiện có khoảng 70% diện tích trồng lúa của Việt Nam được gieo cấy bằng giống lúa của IRRI hoặc giống lúa có nguồn gốc từ IRRI.

Về thủy sản, hai bên đã ký Bản Thỏa thuận về hợp tác thủy sản (6/2010) để triển khai các hợp tác cụ thể trong lĩnh vực thuỷ sản và thành lập Ủy ban Hợp tác nghề cá (họp lần 1 tháng 7/2011 tại Manila; lần 2 tháng 8/2012 tại TPHCM), trong đó nhất trí thiết lập đường dây nóng xử lý vấn đề đánh bắt cá trái phép và hỗ trợ ngư dân.

Một số hiệp định, thỏa thuận, bản ghi nhớ giữa Việt Nam-Philippines đã được ký kết:

Hiệp định Thương mại (1/1978); Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (2/1992); Hiệp định thành lập Ủy ban Hỗn hợp về thương mại và kinh tế Việt Nam-Philippines (2/1992); Thoả thuận lập Ủy ban Hợp tác song phương (3/1994); Bản Ghi nhớ về các nguyên tắc hồi hương người Việt Nam không phải tỵ nạn ở Philippines (2/1995); Tuyên bố chung về nguyên tắc 9 điểm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông (11/1995); 

Bản Ghi nhớ về nghiên cứu chung về biển (4/1996); Bản Ghi nhớ về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao (01/1997); Bản Ghi nhớ về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu công vụ và cấp thị thực nhanh cho người mang hộ chiếu phổ thông (12/1998); Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ về phòng và chống các tội phạm hình sự (12/1998); 

Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác song phương trong 25 năm đầu thế kỷ 21 và thời kỳ tiếp theo (11/2002); Bản Thoả thuận thăm dò địa chấn chung Việt Nam-Philippines-Trung Quốc tại Biển Đông (3/2005); Bản Thỏa thuận về Hợp tác xúc tiến Thương mại (8/2007); Chương trình Hành động giai đoạn 2007-2010 (8/2007); Bản Thỏa thuận về hợp tác thủy sản (6/2010); 

Bản Thoả thuận về hợp tác tìm kiếm cứu nạn (10/2010); Bản Thoả thuận về hợp tác xử lý sự cố tràn dầu (10/2010); Bản Thỏa thuận về hợp tác quốc phòng (10/2010); Bản Thỏa thuận về hợp tác học thuật (10/2010); Bản Thỏa thuận về hợp tác thương mại gạo (12/2010) gia hạn 2013; Chương trình Hành động giai đoạn 2011-2016 (10/2011); 

Bản Ghi nhớ về tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân Philippines (10/2011); Bản Thỏa thuận về thiết lập đường dây nóng giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng phòng vệ bờ biển Philippines (10/2011);...

Theo Theo Báo điện tử Chính phủ
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.