Ngoài ra chi phí thường xuyên xử lý CTYT cần hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Nguồn ngân sách nhà nước khó có khả năng đáp ứng được nhu cầu đầu tư rất lớn này vì vậy việc huy động nguồn vốn tư nhân tham gia đầu tư là hết sức cần thiết trong lĩnh vực xử lý CTYT.
Việc quản lý và xử lý chất thải y tế (CTYT) hiệu quả sẽ đóng góp vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe của cộng đồng và sự phát triển bền vững của quốc gia.
Thực tế cho thấy sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực xử lý CTYT không chỉ đem lại nguồn vốn mà còn là kinh nghiệm, kỹ năng trong quản lý, điều hành và đổi mới công nghệ của khu vực tư nhân trong việc nâng cao hiệu quả của các dự án quản lý CTYT. Mô hình đối tác công tư (PPP) và thuê ngoài dịch vụ xử lý CTYT đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới và đã được triển khai thí điểm tại một số bệnh viện công lập tại Việt Nam trong thời gian qua với hiệu quả thành công ban đầu tại các dự án xử lý CTYT tại Bệnh viện Răng hàm mặt TW, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhân dân 115,… Theo đó, nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng và vận hành các hệ thống xử lý nước thải y tế hoặc thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn y tế và nhận thanh toán từ các bệnh viện và nguồn ngân sách nhà nước để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận.
Theo khảo sát của Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế (Vihema), mô hình thuê dịch vụ ngoài xử lý chất thải rắn y tế tại các bệnh viện công lập đã cho thấy hiệu quả tài chính rõ rệt. Cụ thể giá thành xử lý chất thải rắn do các bệnh viện công lập tự xử lý giao động từ 27.006 đồng - 29.334 đồng/kg cao hơn rất nhiều so với việc các bệnh viện công lập thuê ngoài dịch vụ với giá giao động từ 14.805 đồng- 22.000 đồng/kg.
Đối với lĩnh vực xử lý nước thải y tế, suất đầu tư/m3 của các dự án xử lý nước thải y tế bằng công nghệ phổ biến hiện nay (công nghệ AAO) thông qua mô hình PPP/xã hội hóa hoặc do tư nhân đầu tư chỉ bằng một nửa so với đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Khuyến nghị Đề xuất để thúc đẩy mô hình PPP và thuê ngoài dịch vụ xử lý CTYT tại Việt Nam:
Lập kế hoạch ngân sách cho các dự án PPP và thuê ngoài dịch vụ xử lý CTYT: Các bệnh viện với mức độ tự chủ tài chính khác nhau đều cần phải xây dựng kế hoạch ngân sách cho các hoạt động xử lý CTYT của đơn vị mình. Để tạo nguồn ngân sách chủ động cho việc thuê ngoài các dịch vụ xử lý CTYT thì các bệnh viện, cơ sở y tế cần được tính đúng tính đủ chi phí xử lý CTYT bao gồm chi phí đầu tư hệ thống xử lý CTYT, chi phí vận hành hoặc chi phí phải trả nhà đầu tư/ bên cung cấp dịch vụ xử lý CTYT vào viện phí và giá dịch vụ y tế.
Tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho nhà đầu tư. Để tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi thu hút các nhà đầu tư tham gia các dự án PPP trong lĩnh vực xử lý CTYT đòi hỏi xây dựng khung thể chế pháp lý rõ ràng và chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư tham gia dự án PPP trong lĩnh vực xử lý CTYT;
Cân bằng lợi ích của các bên trong dự án PPP: Việc lựa chọn nhà đầu tư và công việc giám sát thực hiện hợp đồng dự án PPP CTYT cần phải được tổ chức theo hướng công khai, minh bạch, cạnh tranh để bảo đảm lợi ích cho các bên bao gồm: Nhà đầu tư (thu hồi vốn và lợi nhuận hợp lý), Bệnh viện (chi phí thấp nhất và tuân thủ bảo vệ môi trường), cộng đồng (môi trường và sức khỏe); Nhà nước (tiết kiệm ngân sách và sử dụng nguồn ngân sách một cách hiệu quả nhất).
Nâng cao năng lực của khu vực công: Khu vực Nhà nước và các bệnh viện cần có các cán bộ với năng lực phù hợp trong việc tham gia quy trình của dự án PPP xử lý CTYT để thúc đẩy và thực hiện dự án.
Trần Duy Hưng - Chuyên gia PPP & Tài chính dự án - Monitor Consulting