Thừa nhận kẽ hở trong quy trình ra đề thi tốt nghiệp THPT: Bộ GD&ĐT làm gì để thay đổi?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau vụ lùm xùm đề thi môn Sinh, Bộ GD&ĐT thừa nhận có kẽ hở trong quy trình làm đề thi để cho một số cá nhân lợi dụng. Năm 2022, Bộ đã đưa ra một số giải pháp để bịt các lỗ hổng này.

Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, quy trình ra đề riêng đối với đề thi trắc nghiệm được quy định như sau: thư ký sử dụng phần mềm rút ngẫu nhiên các câu trắc nghiệm từ ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa được xây dựng theo quy định của Bộ GD&ĐT, chuyển cho các tổ trưởng ra đề thi (có sự chứng kiến của Chủ tịch hội đồng ra đề thi và các tổ trưởng ra đề thi) làm nguồn tham khảo để soạn thảo đề thi; sau đó cán bộ ra đề thi tinh chỉnh từng câu một.

Thừa nhận kẽ hở trong quy trình ra đề thi tốt nghiệp THPT: Bộ GD&ĐT làm gì để thay đổi? ảnh 1

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: Nghiêm Huê

Từ tháng 11/2021, một nhóm giáo viên, giảng viên, chuyên gia môn Sinh đã có văn bản gửi lãnh đạo các cấp và cơ quan có thẩm quyền, phản ánh những lo lắng, bức xúc về nghi vấn lộ đề thi môn Sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, trong đó khẳng định “phần mềm không rút câu hỏi một cách ngẫu nhiên như Quy chế thi của Bộ GD&ĐT quy định, mà chọn đề đã ra sẵn - chính điều này là một trong những nguyên nhân làm lộ đề thi”.

Cũng theo nội dung văn bản trên, các chuyên gia cho rằng kẽ hở còn ở chỗ thiết kế việc ra đề thi hoàn toàn phụ thuộc vào một số người cố định, được điều tham gia làm đề thi nhiều năm liên tục và cũng là người đi biên soạn, biên tập các câu hỏi trắc nghiệm để tạo ra nguồn đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trước vụ việc này, nhiều chuyên gia đề nghị Bộ GD&ĐT cần rà soát quy trình làm đề thi ở tất cả các môn thi để xem có sơ suất, sai sót ở khâu nào còn kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện, bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi có quy mô lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu học sinh...

Phải bảo đảm an ninh, an toàn tất cả các khâu

Đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, đã rà soát, điều chỉnh các khâu có liên quan, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, hướng tới mục tiêu các kỳ thi được triển khai chặt chẽ, hiệu quả, an toàn.

Kế hoạch xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đã được Bộ GD&ĐT ban hành. Theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, năm nay, thực hiện nguyên tắc độc lập và phân định rõ trách nhiệm giữa các khâu trong xây dựng, quản lý ngân hàng câu hỏi thi: biên soạn, biên tập, thẩm định, định cỡ, lựa chọn và nhập dữ liệu câu hỏi.

Bộ thực hiện rà soát ma trận đề thi của tất cả 15 môn thi, bảo đảm nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Ngân hàng câu hỏi thi được rà soát, hoàn thiện, lựa chọn câu hỏi đã có trong ngân hàng câu hỏi thi theo ma trận đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và viết bổ sung câu hỏi mới. Các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật ở tất cả các khâu, nhất là lựa chọn và nhập dữ liệu vào ngân hàng câu hỏi thi được thực hiện nghiêm.

Bộ GD&ĐT hoàn thiện hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm khách quan, bảo mật để thực hiện các khâu soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; trong đó phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia Hội đồng ra đề thi. Đồng thời, hoàn thiện, nâng cấp phần mềm hỗ trợ quản lý, tổ chức thi và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức thi. Cục Quản lý chất lượng đã phối hợp Cục Công nghệ thông tin tổ chức kiểm tra thử phần mềm hỗ trợ ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Theo chuyên gia, quy định như trên đã khẳng định Bộ GD&ĐT nhìn nhận ra vấn đề. Tuy nhiên, bản chất của việc này vẫn là câu chuyện ngân hàng câu hỏi có đủ lớn không; số người tham gia có nhiều để chia mỗi người 1-2 câu không. Hơn nữa, làm câu hỏi gần với ngày vào Hội đồng đề sẽ rất nguy hiểm. Còn khâu làm đề, phải đảm bảo nguyên tắc rút ngẫu nhiên các câu hỏi đề xuất, chuẩn chỉnh từng câu.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.