Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính giám sát phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những chỉ đạo trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính – ngân sách năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, do Bộ Tài chính tổ chức sáng 6/1/2022.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi chưa có vắc xin và thuốc đặc trị, kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 có hạn, hệ thống y tế cơ sở bộc lộ hạn chế, buộc phải dùng biện pháp hành chính để chống dịch. Giãn cách xã hội khiến toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội bị đứt gãy, tê liệt, nhưng sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết nên buộc phải làm. Sau khi đã có vắc xin, thuốc đặc trị và có kinh nghiệm chống dịch, Việt Nam đã chuyển nhanh sang trạng thái thích ứng an toàn với Nghị quyết 128 của Chính phủ. Nhờ đó, kinh tế quý 4/2021 đã phục hồi nhanh, so với quý 3 âm 6%...

Thu ngân sách năm 2021 dù vượt dự toán hơn 16%, nhưng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nguồn thu vẫn thiếu bền vững, có thể dự toán chưa sát thực tế. Nguồn thu tăng cao tới từ chứng khoán (tăng 300% so với năm 2020), bất động sản (tăng 150%), dầu thô (tăng 40%), tiền đất (chiếm 10-15% tổng thu ngân sách)... Trong khi đó, sản xuất kinh doanh còn khó khăn, năm qua số doanh nghiệp dừng hoạt động tăng 18%, nợ thuế tăng, chi ngân sách tăng 28%, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước chậm...

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường giám sát, quản lý hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và chứng khoán, những lĩnh vực tăng nóng và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt, chỉ có 50% doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo. Bộ Tài chính cần kiểm tra để điều chỉnh, không ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, không để vi phạm nhỏ dẫn tới sai phạm lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý Bộ Tài chính về phân bổ thu – chi ngân sách, có cơ chế để khuyến khích thu. “Có tỉnh nói chỉ thu bằng số được giao là dừng, vì nếu thu cao quá sang năm Bộ Tài chính sẽ giao thêm. Điều đó không khuyến khích và chưa tạo được động lực để địa phương tăng thu, có thể thu được 10 đồng nhưng chỉ thu 5 đồng. Cần nghiên cứu chính sách phân bổ ngân sách cho công bằng giữa các địa phương, không phải quen được phân bổ nhiều, quan hệ không tốt được phân bổ ít”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh tăng thu phải giảm chi, đặc biệt các khoản chi không cần thiết vì lúc này phải “thắt lưng buộc bụng”. Thủ tướng cho biết, Bộ Chính trị đã cho chủ trương và Quốc hội đang thảo luận về việc tăng bội chi và tăng nợ công, dù vậy vẫn phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng tín dụng là tốt, nhưng phải chảy đúng dòng, tạo ra tăng trưởng thật cho nền kinh tế. Tương tự, giảm thuế, phí cũng cần đúng chỗ để tạo động lực cho người kinh doanh, trên cơ sở khoa học, thực tiễn, không cảm tính.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính giám sát phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các địa phương dự Hội nghị tổng kết ngành Tài chính và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Ngoài ra, nhiệm vụ của Bộ Tài chính còn phải ổn định giá cả, hàng hóa đặc biệt dịp Tết sắp tới; kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử, chuyển đổi số để chống thất thu, đặc biệt với những lĩnh vực như dịch vụ ăn uống, các dịch vụ du lịch...

Tiếp thu các chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị toàn ngành tài chính tăng cường chống thất thu, gian lận thương mại, thúc đẩy kinh doanh phát triển; kiểm soát tốt hoạt động kinh doanh bất động sản và thương mại điện tử.

Theo ông Phớc, năm 2021, tổng thu ngân sách ước đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán cả năm và tăng 3,7% so với năm 2020. Chi ngân sách năm qua ước trên 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 11,4% so với dự toán, trong đó chi phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn khoảng 74 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách dưới 4% GDP. Đến cuối năm 2021, dư nợ công khoảng 43,7% GDP.

MỚI - NÓNG