Theo đó, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT báo cáo tổng thể về nhân lực ngành hàng không.
Trước đó, báo Tiền Phong số ra ngày 3/6/2019 có bài viết "Khó giải bài toán quá tải hàng không", phản ánh tình trạng thiếu nhân lực cản trở phát triển của hàng không, nhất là phi công, kỹ thuật viên tàu bay...
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT báo cáo tổng thể về nhân lực ngành hàng không, gửi Thủ tướng trong tháng 6/2019.
Trong những năm qua hàng không Việt luôn tăng trưởng 2 con số, khiến quả tải từ hạ tầng tới nhân lực. Với nhân lực hàng không, đó là việc thiếu phi công người Việt, mỗi khi có hãng hàng không mới ra đời, hay ký hợp đồng mua thêm tàu bay, “cuộc chiến” tuyển dụng, níu kéo nhân lực hàng không lại diễn ra căng thẳng giữa các hãng với nhau.
Cùng đó, nhân lực quản lý từ phía Cục Hàng không cũng thiếu. Trong văn bản báo cáo Bộ GTVT mới đây, Cục Hàng không cho biết: Nếu tính cả số nhân lực hiện có và kế hoạch năm 2019, lực lượng Giám sát viên an toàn hàng không đã ký hợp đồng với cơ quan này chỉ đảm bảo quản lý tối đa 256 tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam (cả tàu bay và trực thăng).
Do đó, nếu tính số tàu bay các hãng đang có, số tàu bay sắp nhận, nếu bổ sung thêm 30 tàu bay (theo xin bổ sung của 1 hãng hàng không mới), tổng số tàu bay của Việt Nam tính tới hết năm nay sẽ lên tới 277 tàu bay. Con số này vượt 21 tàu bay so với năng lực nhân sự giám sát của Cục Hàng không trong năm 2019.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo Cục Hàng không, dù thiếu nhân lực, nhưng cơ quan này vẫn phải triển khai tinh giản biên chế theo kế hoạch, thay vì tuyển thêm theo yêu cầu phát triển.
Những hạn chế trên của ngành hàng không không chỉ khiến các hãng hàng không hiện tại gặp cản trở trong chiến lược phát triển, còn khiến các doanh nghiệp khó xin được giấy phép lập hãng hàng không mới.