Thủ tướng Trung Quốc họp khẩn với 100.000 quan chức

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chính phủ Trung Quốc vừa tổ chức cuộc họp bất thường với hơn 100.000 quan chức tham gia. Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra đánh giá chân thực về sức ép mà nền kinh tế nước này đang đối mặt, cảnh báo nguy cơ kinh tế suy giảm trong quý 2 sau 2 tháng thực hiện chính sách zero COVID căng thẳng.
Thủ tướng Trung Quốc họp khẩn với 100.000 quan chức ảnh 1

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thừa nhận nước này có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% như đã đặt ra từ đầu năm nay. (Ảnh: Xinhua)

Ông Lý Khắc Cường chủ trì cuộc họp trực tuyến với hơn 100.000 quan chức chính quyền các cấp hôm 25/5 để thúc giục các địa phương ngăn chặn tình trạng mất động lực tăng trưởng.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chịu tác động tiêu cực ở nhiều ngành khác nhau từ khi đợt bùng phát COVID-19 bùng phát vào tháng 3 vừa qua. Các biện pháp phong toả được áp dụng ở nhiều thành phố lớn, đáng chú ý nhất là trung tâm tài chính Thượng Hải, nơi nhiều người dân không thể rời khỏi nhà hoặc khu dân cư trong suốt một tháng rưỡi.

Ông Lý nói rằng trong một số khía cạnh, tác động kinh tế trong tháng 3 và 4 vừa qua đã vượt qua năm 2020, khi đại dịch mới bùng phát, Global Times đưa tin. Ông nêu ra nhiều chỉ số, như tỷ lệ thất nghiệp, sản xuất công nghiệp thấp và vận tải hàng hoá giảm.

Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh tình trạng suy giảm kinh tế trong những tuần gần đây, nói rằng tình hình trong đầu tháng 5 “phức tạp và nghiêm trọng”.

Các ngân hàng đầu tư hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay. Đầu tuần này, UBS hạ dự báo GDP của cả năm xuống 3% vì những rủi ro từ chính sách COVID-19. Trung Quốc kỳ vọng đạt mức tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay, sau khi đạt 8,1% trong năm ngoái và 2,3% trong năm 2020.

33 biện pháp kinh tế mới

Hội nghị trực tuyến diễn ra sau khi một cuộc họp của Quốc vụ viện Trung Quốc hôm 23/5 đã nêu ra 33 biện pháp kinh tế mới, trong đó có chính sách tăng tiền hoàn thuế, mở rộng khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ, cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho ngành hàng không đang bị ảnh hưởng nặng nề, Xinhua đưa tin.

Nhiều biện pháp trong số 33 chính sách mới là để nới lỏng kiểm soát COVID-19, như bỏ hạn chế xe tải đến từ những vùng có nguy cơ thấp.

Trong cuộc họp ngày 25/5, Thủ tướng Lý Khắc Cường thúc giục các bộ, ngành triển khai 33 biện pháp mới từ cuối tháng 5. Quốc vụ viện sẽ gửi nhóm đặc trách đến 12 tỉnh thành, bắt đầu từ ngày 26/5, để giám sát việc triển khai chính sách mới, bản tin của Xinhua cho biết.

Trong suốt thời kỳ đại dịch, Trung Quốc luôn duy trì chính sách zero COVID để loại bỏ tất cả các chuỗi lây nhiễm, bằng các biện pháp như kiểm soát biên giới, cách ly bắt buộc, xét nghiệm diện rộng và phong toả.

Tuy nhiên, chiến lược này đang gặp nhiều thách thức với biến chủng Omicron, khi virus vẫn lây lan nhanh dù chính quyền chạy đua với phong toả và dừng đi lại giữa các tỉnh thành.

Tính đến giữa tháng 5, hơn 30 thành phố bị phong toả hoàn toàn hoặc từng phần, ảnh hưởng đến khoảng 220 triệu dân trên cả nước, theo ước tính của CNN. Các ngành công nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề vì cả nguồn cung và nhu cầu hàng hoá đều giảm.

Dù một số thành phố đã mở cửa, tác động của tình trạng gián đoạn vẫn còn. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên mức cao nhất kể từ khi bùng phát đại dịch vào đầu năm 2020.

Nhiều công ty buộc phải dừng hoạt động, trong đó có các hãng xe hơi Tesla và Volkswagen. Airbnb là công ty đa quốc gia mới nhất rút khỏi thị trường này.

Đầu tuần này, thủ đô Bắc Kinh vẫn còn 7 quận đang bị phong toả một phần, ảnh hưởng đến gần 14 triệu dân. Hai quận lớn nhất là Chaoyang và Haidian vẫn đóng cửa các hoạt động kinh doanh không thiết yếu, như trung tâm thương mại, phòng tập và địa điểm vui chơi.

Theo CNN, Xinhua
MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.