Thủ tướng trả lời chất vấn ĐBQH về lạm phát cấp phó

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời trước Quốc hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời trước Quốc hội.
TP - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu QH Bùi Thị An (Đoàn ĐBQH Hà Nội) về tình trạng “lạm phát” cấp phó, trong đó khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định về số lượng và quy trình bổ nhiệm cấp phó.

Trước đó, chất vấn Thủ tướng tại kỳ họp thứ 8, đại biểu Bùi Thị An đề nghị Thủ tướng cho biết về sự “lạm phát” cấp phó hiện nay ở các cấp; giải pháp của Chính phủ trong thời gian tới?

Tại văn bản trả lời, Thủ tướng cho hay: bộ máy, cơ cấu, số lượng lãnh đạo của Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được thành lập theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ và phải được Ban Chấp hành Trung ương Đảng chấp thuận. Số lượng Bộ, cơ quan ngang Bộ đã giảm từ 26 trong nhiệm kỳ 1997-2002 xuống còn 22 trong 2 nhiệm kỳ gần đây. Tại Nghị định số 36 quy định, số lượng cấp Thứ trưởng ở mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ không quá 4 người. Đối với Bộ quản lý đa ngành, số lượng Thứ trưởng có thể nhiều hơn do cấp có thẩm quyền quyết định. Việc bổ nhiệm một Thứ trưởng phải được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý trước về chủ trương, sau đó mới làm quy trình nhân sự cụ thể để trình lại Ban Bí thư xem xét, chấp thuận. Trên cơ sở đó Thủ tướng Chính phủ mới ký quyết định
bổ nhiệm.

Thủ tướng cho biết, tại thời điểm cuối tháng 11/2014, Chính phủ có Thủ tướng, 5 Phó Thủ tướng và 22 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (có 1 Phó Thủ tướng trực tiếp làm Bộ trưởng). Trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ có 119 thứ trưởng, trong đó có 10 nữ (chiếm 8,3%); bình quân mỗi Bộ có 5,4 thứ trưởng (4 Bộ có 4 thứ trưởng; 7 Bộ có 5; 9 Bộ có 6; 2 Bộ có 7). Tại 8 cơ quan trực thuộc Chính phủ, có 29 lãnh đạo cấp phó, bình quân 3,6 người/cơ quan. So với đầu nhiệm kỳ (tháng 8/2011), số thứ trưởng giảm 3 người.

Đối với cấp phó ở các tỉnh thành, theo Thủ tướng, Nghị định số 107 quy định, số lượng phó chủ tịch UBND TP Hà Nội không quá 6 người; TP Hồ Chí Minh là 5 người; các tỉnh, thành phố có dân số 2 triệu người trở lên hoặc diện tích trên 10.000 km2 là 4 phó chủ tịch; các tỉnh còn lại là 3 phó chủ tịch. Có tổng số 239 phó chủ tịch, so với quy định là 202, nếu không tính 26 người thuộc diện luân chuyển thì vượt 11 người. So với đầu nhiệm kỳ (216 người), nếu không tính 26 người thuộc diện luân chuyển thì giảm 3 người.

“Cấp phó ở một số Bộ còn nhiều do Bộ quản lý đa ngành và yêu cầu nhiệm vụ tăng thêm, thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ nữ và do việc sáp nhập một số Bộ trước đây. Việc tăng cấp phó ở địa phương để đáp ứng yêu cầu quản lý đặc thù và luân chuyển, đào tạo cán bộ”, Thủ tướng cho hay.

Về giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định về số lượng và quy trình bổ nhiệm cấp phó. Đồng thời tổ chức tổng kết và đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, trên cơ sở đó sẽ xác định cụ thể số lượng cấp phó phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định về số lượng và quy trình bổ nhiệm cấp phó. Đồng thời tổ chức tổng kết và đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, trên cơ sở đó sẽ xác định cụ thể số lượng cấp phó phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG