Ngày 16/5, Bộ Ngoại giao thông báo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự kiến sẽ tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể, tham dự với tư cách khách mời đặc biệt tại các phiên thảo luận về sáng kiến “Tăng trưởng châu Á” với chủ đề “Chương trình nghị sự nông nghiệp và an ninh lương thực của ASEAN” và “Thúc đẩy cộng đồng kinh tế ASEAN thông qua tăng cường phối hợp công - tư”.
Thủ tướng Việt Nam cũng sẽ chủ trì phiên đối thoại với lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế tham dự hội nghị.
Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Thúc đẩy sự tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều”. Các nội dung thảo luận tập trung vào tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều, thúc đẩy các mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển bền vững và nhận diện kết nối khu vực.
Tham dự diễn đàn dự kiến có khoảng 450 đại biểu là chính khách, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu và các tổ chức xã hội trong và ngoài khu vực. Việt Nam có 13 tập đoàn, tổng công ty lớn là thành viên của WEF.
Theo Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất (tháng 4/2014) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2014 dự báo đạt 3,6% và năm 2015 đạt 3,9%.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn đang phải đối diện một số thách thức, đặc biệt là tốc độ phục hồi kinh tế còn thiếu bền vững và thiếu cân bằng; các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng trưởng chậm lại so với trước khủng hoảng (dự kiến đạt 4,9% năm 2014 và 5,3% năm 2015).
Tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế trong khu vực tiếp tục được thúc đẩy, đặc biệt là các nước ASEAN đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, bao gồm triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN.