Theo đó, đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).
Mục tiêu của đề án là xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089.
Từ đề án trên phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác; xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành "cửa khẩu kiểu mẫu", cửa khẩu đường bộ tiên tiến nhất ASEAN phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống giao thông đường bộ hiện đại kết nối với cảng biển, sân bay; hình thành trung tâm thương mại giao thương hàng hóa đường bộ lớn nhất của Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc và ngược lại.
Mục tiêu cụ thể là: Triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh áp dụng hình thức giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu mới dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quy trình thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải trong quá trình giao, nhận hàng hóa xuất nhập khẩu để nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu đường bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng; giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, giảm chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho Nhân dân hai bên biên giới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia.
Đề án cũng nêu rõ phấn đấu đến năm 2027, nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089 gấp 2 đến 3 lần so với thời điểm hiện nay.
Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119-1120 tăng từ 800 xe/ngày lên 2.000-2.500 xe/ngày; đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089 tăng từ 400 xe/ngày lên 800-1.200 xe/ngày.
Phấn đấu đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089 gấp 4-5 lần so với thời điểm hiện nay.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119-1120 đạt khoảng 85 tỷ USD, qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089 đạt khoảng 25 tỷ USD.
Đề án cùng đặt ra xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước tại khu vực cửa khẩu trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quá trình giao, nhận hàng hóa xuất nhập khẩu tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089. Mô hình cửa khẩu thông minh thực hiện trong một phạm vi tách biệt, khép kín, áp dụng đối với một số chủng loại mặt hàng cụ thể trong thời gian thí điểm.
Bên cạnh đó, phương thức giao nhận hàng hóa truyền thống vẫn được duy trì hoạt động đồng thời. Các mặt hàng lựa chọn thực hiện thông quan theo mô hình cửa khẩu thông minh bao gồm: Mặt hàng hoa quả, linh kiện điện tử xuất khẩu của Việt Nam, các nước ASEAN và mặt hàng linh kiện điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong thời gian thí điểm tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc mở rộng các mặt hàng xuất nhập khẩu để đảm bảo mục tiêu, hiệu quả của Đề án. Thời gian thực hiện Đề án: Từ quý 3 năm 2024 đến hết quý 3 năm 2029. Trong đó, giai đoạn 1 (xây dựng cơ sở hạ tầng): Từ quý III/2024 đến hết quý II/2026; giai đoạn 2 (thực hiện thí điểm) từ quý III/2026 đến hết quý III/2029.