Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các trường đại học

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Làm việc với Bộ GD - ĐT, Thủ tướng lưu ý việc xử lý các hiện tượng tiêu cực trong ngành không thể giải quyết ngày một ngày hai, song cũng không thể trì trệ, cầu toàn. Cùng với nhiệm vụ giảng dạy, cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các trường đại học.

Đánh giá đúng kết quả, thành tựu của giáo dục Việt Nam

Kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nguồn lực con người là quan trọng nhất, mang tính quyết định với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, để có nguồn lực con người thì ngoài truyền thống văn hóa – lịch sử của dân tộc, có vai trò vô cùng quan trọng của giáo dục.

Thành tích, kết quả mà ngành đạt được là rất lớn so với khả năng, điều kiện của nền kinh tế nước ta, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia của hệ thống chính trị và của nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thành tích, kết quả mà ngành đạt được là rất lớn so với khả năng, điều kiện của nền kinh tế nước ta, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia của hệ thống chính trị và của nhân dân.

Những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới toàn diện, căn bản GD - ĐT, các quy định của của Nhà nước, ngành đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều thành tựu cơ bản. Chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, đào tạo nghề được nâng lên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các trường đại học ảnh 1

Thủ tướng làm việc với Bộ GD - ĐT ngày 6/5 về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh 4 khó khăn, hạn chế rất cơ bản của ngành Giáo dục.

Thời gian qua, ngành đã tích cực xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, nhưng cơ chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Việc hoàn thiện thể chế phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Ngành cũng chưa làm tốt công tác thông tin – truyền thông, nhất là về những thành tựu, kết quả đã đạt được. Cùng với đó, nếu các vụ việc riêng lẻ, các vấn đề không được giải quyết, giải trình đến nơi đến chốn dễ dẫn tới bức xúc trong xã hội.

Việc xử lý các hiện tượng tiêu cực trong ngành, trong đó có tình trạng “chạy trường, chạy lớp”, không thể vội vàng, nôn nóng, giải quyết trong ngày một ngày hai, nhưng cũng không thể trì trệ, cầu toàn. Phải có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp, thiết kế quy chế, quy định, công cụ luật pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong ngành, đi đôi với kiểm tra, giám sát.

Việc phân cấp quản lý còn nhiều hạn chế, bất cập. Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo căn cứ khoa học, xuất phát từ thực tiễn, vừa làm vừa hoàn thiện.

Thủ tướng nêu rõ, nguyên nhân của các vướng mắc, hạn chế trên có cả chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Lãnh đạo Bộ phải thực sự mạnh mẽ, quyết liệt trong hành động, có phương pháp phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, làm việc phải đến nơi đến chốn, nói phải rõ để người dân, xã hội và dư luận biết, hiểu đúng về tình hình thực tế của ngành. Chủ động giải quyết công việc, phối hợp tốt hơn với các bộ ngành, địa phương.

Tự lực tự cường vươn lên, không trông chờ ai làm thay

Về tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, giải quyết các vấn đề của ngành, Thủ tướng nêu rõ ngành Giáo dục phải vươn lên mạnh mẽ, tiếp tục đổi mới tư duy quản lý, tư duy giáo dục, chủ động, tích cực, sáng tạo, bám sát tinh thần Nghị quyết 29 và Kết luận 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, Luật Giáo dục và các nghị định có liên quan. Phải tự lực, tự cường vươn lên từ nội lực, không trông chờ ai làm thay. Làm việc thực chất, chống bệnh hình thức, tránh phô trương, không chủ quan, thỏa mãn.

Phát huy những thành tựu đạt được, những kinh nghiệm hay, bài học quý, những mô hình hay, cách làm hiệu quả để nhân rộng, đi đôi với khắc phục hạn chế, khuyết điểm, nhất là những hạn chế đã kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các trường đại học ảnh 2

Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tập trung rà soát toàn bộ thể chế, cơ chế chính sách, đề xuất điều chỉnh, nhất là cơ chế, chính sách liên quan tới trường lớp, giáo viên. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng cho rằng, chủ trương, chính sách dù được nghiên cứu kỹ cũng không thể phủ kín các góc cạnh của cuộc sống, cho nên khi triển khai phải xuất phát từ thực tiễn, có lộ trình, có bước đi phù hợp. Ngành phải nghiên cứu, báo cáo, đề xuất, thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương chung cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và tình hình thực tế ở mỗi vùng miền.

“Đây là việc phải làm và không ai làm thay được Bộ”, Thủ tướng nhấn mạnh một lần nữa.

Thủ tướng yêu cầu Bộ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của quản lý nhà nước là xây dựng chiến lược, quy hoạch; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí, định mức…; xây dựng công cụ để huy động các nguồn lực; hướng dẫn kiểm tra, giám sát; thanh tra, kiểm tra; khen thưởng, kỷ luật.

Thủ tướng nhắc nhở, phải thường xuyên rà soát, nghiên cứu, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện cho phù hợp với thực tiễn đã thay đổi rất nhiều so với các năm trước đây. Một ví dụ là quy định điểm trường tiểu học ở thành thị phải bảo đảm độ dài đường đi học của học sinh không quá 500m, vùng đặc biệt khó khăn không quá 2km, nhưng hiện nay giao thông đã phát triển hơn rất nhiều, quy định này có thể không còn phù hợp nữa.

Nghiên cứu, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện, quy định rõ nội dung nào phân cấp, phân quyền cho chính quyền các địa phương quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật, nội dung nào Trung ương quyết định.

Tăng cường nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện công cụ quản lý hệ thống, tập trung cải cách hành chính, số hoá, quản lý trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ.

Phát triển các cơ sở giáo dục theo định hướng lấy học sinh là trung tâm, nhà trường (cơ sở vật chất, giáo trình, giáo án) là nền tảng, giáo viên phải là động lực, người truyền cảm hứng. Xây dựng, phát triển quan hệ hữu cơ giữa học sinh - nhà trường - giáo viên. Chuyển tư duy giáo dục từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực toàn diện.

Bộ GD - ĐT phải coi trọng công tác xây dựng đảng, tổ chức bộ máy, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý học tập, giảng dạy, đồng thời tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Bộ GD - ĐT cần quan tâm công tác truyền thông, tăng cường công khai, minh bạch để người dân hiểu, chia sẻ, thông cảm và đóng góp ý kiến cho ngành, phản ánh trung thực đầy đủ các vấn đề một cách khách quan. Cùng với nhiệm vụ giảng dạy, cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các trường đại học.

Ngành cần hoàn thiện kịch bản chống COVID-19 để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm học, đồng thời là cơ sở kinh nghiệm để ứng phó những dịch bệnh khác có thể xảy ra trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

SVVN - Bộ GD-ĐT vừa ban hành kế hoạch số 299/KH-BGDĐT về việc tổ chức Hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024. Từ 24/4 đến 28/4, Bộ sẽ tổ chức cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi. Thí sinh sẽ đăng ký dự thi chính thức từ 2/5 đến 17h ngày 10/5.
Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

SVVN - “Giá trị con người không nằm ở điểm số, nhưng nó giúp con đường đi sau này dễ dàng hơn, nếu các bạn có mục tiêu và hoạch định được con đường đi của mình”, ThS Tâm lý Trần Thị Thanh Trà - giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM chia sẻ tại chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - đưa chuyên gia đến với trường học", sáng 8/4, tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q. Tân Bình, TP. HCM).