Đối thoại quốc phòng Shangri-La:

Thủ tướng Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ Philippines, Việt Nam

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Shangri-La 2014 tối 30/5 ở Singapore. ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Shangri-La 2014 tối 30/5 ở Singapore. ảnh: TTXVN
TP - Phát biểu tại Đối thoại quốc phòng Shangri-La khai mạc tối qua tại Singapore, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thúc giục các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, không có hành động đơn phương trên biển…, tuân thủ triệt để 3 nguyên tắc đảm bảo an ninh, hòa bình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Ông cũng kêu gọi tăng cường Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, tăng tính minh bạch của chi tiêu quân sự, hỗ trợ ASEAN… Nhật Bản sẽ hỗ trợ hết mức cho những nỗ lực của các nước ASEAN đảm bảo an ninh trên biển và trên không, và đảm bảo tự do hàng hải và tự do bay. “Nhật Bản có ý định đóng một vai trò lớn hơn và chủ động hơn hiện nay trong việc bảo đảm hòa bình ở châu Á và trên thế giới”, Thủ tướng Shinzo Abe nói.

Pháp quyền trên biển

Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh sự cần thiết của việc triệt để tuân thủ pháp luật vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á. Về tình hình châu Á – Thái Bình Dương hiện nay, ông Abe đề cập một yếu tố gây mất ổn định, đó là “các nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng thông qua vũ lực hoặc áp bức”.

“Gần đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama và tôi cùng khẳng định Mỹ và Nhật Bản đang tăng cường hợp tác ba bên với các đối tác có tư tưởng giống nhau để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới”, Thủ tướng Nhật Bản nói.

“Luận điểm cơ bản của tôi hôm nay là chúng ta phải tuân thủ luật pháp quốc tế”, trong đó có luật quốc tế về quản lý các vấn đề trên biển”.

“Nguyên tắc đầu tiên là các quốc gia phải tuyên bố và làm rõ những yêu sách của mình dựa trên luật pháp quốc tế. Thứ hai là các quốc gia không được sử dụng vũ lực hoặc sự áp bức để cố gắng thúc đẩy các yêu sách của mình. Nguyên tắc thứ ba là các quốc gia phải tìm cách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”, ông Abe nhấn mạnh.

“Chính phủ của tôi ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Philippines kêu gọi giải pháp cho vấn đề tranh chấp ở biển Đông mà thực sự phù hợp với 3 nguyên tắc nêu trên. Chúng tôi cũng ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại”.

Thủ tướng Shinzo Abe

Người đứng đầu chính phủ Nhật Bản dẫn trường hợp Philippines và Indonesia đạt được thỏa thuận một cách hòa bình về phân định hai vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn của họ.

“Chính phủ của tôi ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Philippines kêu gọi giải pháp cho vấn đề tranh chấp ở biển Đông mà thực sự phù hợp với 3 nguyên tắc nêu trên. Chúng tôi cũng ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại”, Thủ tướng Abe tuyên bố.

Liệu đã đến lúc cần có một cam kết mạnh mẽ để trở về với tinh thần và các điều khoản của Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002 mà tất cả các nước liên quan biển Đông đều đồng ý, trong đó có việc không có hành động đơn phương liên quan việc thay đổi thực thể lâu dài, ông Abe đặt vấn đề, rồi khẳng định “đã đến lúc chúng ta cống hiến trí tuệ của mình để khôi phục các vùng biển hòa bình”.

Thủ tướng Abe tuyên bố Nhật Bản đã quyết định cung cấp 10 tàu tuần tra mới cho cảnh sát biển Philippines và 3 tàu tuần tra mới cho Indonesia. “Chúng tôi đang tiến hành các khảo sát cần thiết để cung cấp những tàu tương tự cho Việt Nam”.

Trong bài phát biểu quan trọng này, ông Abe cũng đưa ra khái niệm “Nhật Bản” mới, trong đó có khẩu hiệu Nhật Bản sẽ “đóng góp tích cực hơn cho hòa bình”. “Dựa trên nền tảng quan hệ đồng minh với Mỹ và tôn trọng quan hệ đối tác với ASEAN, Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức để bảo đảm vững chắc ổn định, hòa bình và thịnh vượng trong khu vực”.

Đóng góp của Mỹ đối với ổn định khu vực

Trong phiên họp toàn thể đầu tiên của Đối thoại Shangri-La 2014 (kéo dài tới chiều 1/6), dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ phát biểu với giọng điệu ôn hòa nhưng vẫn hàm ý răn đe, GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc), một diễn giả nổi tiếng tại Đối thoại Shangri-La, trao đổi với phóng viên Tiền Phong bên lề phiên họp tối qua.

“Bộ trưởng Quốc phòng Hagel sẽ cố gắng thu hút sự chú ý và đồng thuận của các đại biểu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước Đông Nam Á về tăng cường vai trò của luật pháp quốc tế và ngoại giao trong giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Ông sẽ giải thích các mốc đạt được trong chính sách tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama và những kỳ vọng trong tương lai”, GS Thayer nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Hagel cũng sẽ tái khẳng định rằng Mỹ sẽ ủng hộ các thể chế đa phương trong khu vực, đồng thời nhận xét về hành động của Trung Quốc ở biển Đông mà Tổng thống Obama gọi là “hung hăng, khiêu khích” trong bài phát biểu tại Học viện quân sự West Point (Mỹ).

Trong phiên họp toàn thể thứ hai với nội dung tăng cường hợp tác quân sự, dự kiến các đại biểu tập trung thảo luận về những vấn đề thực tế mà quân đội các nước, đặc biệt là quân đội của các cường quốc, có thể làm để xây dựng lòng tin chiến lược.

Mỹ sẽ nhắc lại nhiều đề nghị của nước này đối với Trung Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự và tăng cường tính minh bạch. Trong phiên họp này, các diễn giả chủ yếu đến từ Nhật Bản, Anh và Malaysia. “Ngoài ra, hợp tác tìm kiếm máy bay Malaysia MH370 mất tích cũng có thể là một chủ đề được thảo luận”, GS Thayer nhận định.

Trong phiên họp toàn thể thứ ba (chiều thứ Bảy) với chủ đề quản lý căng thẳng chiến lược, thảo luận tập trung làm rõ các cơ chế phù hợp để xử lý những vấn đề căng thẳng đang leo thang. GS Thayer cho biết diễn giả chính đến từ Úc, Indonesia và Việt Nam. Theo chương trình dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh sẽ có bài phát biểu về vấn đề này.

ASEAN và trật tự an ninh khu vực mới nổi là chủ đề của phiên họp đặc biệt sẽ diễn ra chiều nay với các diễn giả đến từ Thái Lan, Úc, Mỹ và Indonesia. “Có khả năng phiên họp đặc biệt này sẽ tập trung vào sự hỗ trợ bên ngoài dành cho ASEAN và việc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và sự cần thiết phải có Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC)”, GS Thayer nhận định.

Sáng mai (1/6) sẽ diễn ra phiên họp toàn thể thứ tư với chủ đề cách nhìn của các siêu cường về hòa bình và ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương, với sự tham gia mở rộng của các diễn giả đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nga…

“Phiên thảo luận này rất quan trọng đối với Mỹ. Trung Quốc sẽ tăng cường quảng bá khái niệm mới của họ về an ninh châu Á mà không có Mỹ. Ấn Độ sẽ thảo luận về việc tân Tổng thống Narendra Modi chìa cành oliu về phía Trung Quốc. Nga sẽ nói về hợp tác năng lượng với Trung Quốc, thu hút sự quan tâm của Mỹ”, GS Thayer nói.

Trong phiên họp toàn thể cuối cùng vào chiều mai, các đại biểu Singapore và Pháp sẽ dẫn dắt thảo luận, tập trung vào vấn đề bảo đảm quản lý xung đột nhanh ở châu Á – Thái Bình Dương. Singapore nhấn mạnh đến các kênh đa phương lấy ASEAN làm trung tâm.

MỚI - NÓNG
Đoạn đường Nguyễn Trãi bên cạnh hầm chui Thanh Xuân mênh mông nước tối 7/9. Ảnh: Thái An.
Mưa tối ngập đường Hà Nội, xe chết máy, rác trôi đầy
TPO - Tối nay (7/9), thêm nhiều cây xanh đổ gãy trên đường phố Hà Nội, nhưng người đi đường sợ hơn cả vẫn là tình trạng ngập nước ở một số nơi. Xe chết máy, nhiều người bì bõm, hì hục dắt xe cả đoạn phố dài, trong khi rác sinh hoạt, phế thải xây dựng lững lờ trôi…