Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quyết liệt hành động

Tân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ sau khi được Quốc hội bầu ngày 7/4. Ảnh: Như Ý.
Tân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ sau khi được Quốc hội bầu ngày 7/4. Ảnh: Như Ý.
TP - Ngày 7/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016. Sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng thực hiện nghi thức tuyên thệ, thể hiện quyết tâm hành động quyết liệt, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân...

Ngay sau khi nghị quyết bầu được thông qua (tỷ lệ tán thành 96%), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ trước Quốc hội (QH). Mở đầu nghi thức tuyên thệ, tân Thủ tướng trân trọng cảm ơn QH đã tín nhiệm bầu ông giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ. 

Hết lòng phục vụ nhân dân

“Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước QH, trước đồng bào và cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tôi nguyện ra sức phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hứa sẽ nỗ lực hết mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh. “Là người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành QH, tôi sẽ cùng các thành viên nỗ lực xây dựng Chính phủ vững mạnh, đoàn kết nhất trí, hiệu lực hiệu quả, hành động quyết liệt, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Tân Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, nghiêm túc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của đồng bào, cử tri cả nước; ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính Nhà nước và trong toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết kiên trì đấu tranh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; không ngừng chăm lo đời sống vật chất tinh thần, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an ninh, an toàn cho người dân.

Chống tham nhũng, bảo vệ chủ quyền biển đảo

Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp, các đại biểu (ĐB) QH kỳ vọng Thủ tướng, Chính phủ mới sẽ quyết liệt, mạnh mẽ để giải quyết những vấn đề cấp thiết đặt ra, như tham nhũng, lãng phí, chủ quyền biển đảo, cải cách hành chính, nâng cao kỷ luật công vụ…

Trước tình hình tham nhũng, lãng phí gây nhức nhối hiện nay, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ) cho rằng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tới đây cần ra tay mạnh hơn nữa với “giặc nội xâm”. Theo ĐB Tiếp, nhiệm vụ này rất quan trọng, bởi tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chế độ. ĐB Tiếp cũng cho rằng, trong tình hình hiện nay, cần đưa ra các giải pháp mạnh mẽ hơn bằng lời nói và hành động, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Các ĐB cũng mong muốn Thủ tướng và Chính phủ mới sẽ đề cao hơn nữa tính kỷ luật công vụ, trên cơ sở đó, xử lý nghiêm minh các sai phạm xảy ra. Về việc này, ĐB Chu Sơn Hà (thành phố Hà Nội) cho rằng, cần có sự đánh giá, khen chê rõ ràng, ai làm tốt cần ghi nhận khen thưởng, ai chưa làm tốt phải đánh giá và xử lý nghiêm minh. Luật Tổ chức Chính phủ đã giao thêm nhiều thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ, dưới sự điều hành của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ĐB Hà hy vọng sẽ có những cải tổ, đổi mới để bộ máy hành chính tới đây hoạt động hiệu quả hơn.

Cùng quan điểm, ĐB Huỳnh Văn Tiếp cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất của tân Thủ tướng chính là việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cấp, ngành khi xảy ra sai phạm. “Nếu trong hệ thống thì phải xử lý theo trách nhiệm, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh làm sai, Thủ tướng cần xử lý nghiêm. Còn nếu liên quan đến hình sự, cơ quan tư pháp phải xử lý nghiêm minh cho dù người đó là ai”, ĐB Tiếp đề nghị.

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (thành phố Hà Nội) nói: “Cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được QH ghi nhận và chắc chắn rằng, với tư cách là ĐBQH đại diện cho cử tri và nhân dân cả nước, chúng tôi sẽ theo dõi việc thực hiện cam kết này”.

Tiểu sử tóm tắt

Ngày sinh: 20/7/1954.

Quê quán: Xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Trình độ hiện nay: Cử nhân kinh tế Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội (năm 1978).

Ủy viên Trung ương Đảng các khoá X, XI và XII; Ủy viên Bộ Chính trị các khoá XI và XII; đại biểu Quốc hội khoá XI và XIII.

Các chức vụ từng đảm nhận: Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Phó Chủ tịch, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 7/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII, được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ.

Cuối tháng, Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp

Ngày 7/4, ngay sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Thủ tướng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc trao tận tay Thủ tướng bức công thư.

Theo đó, VCCI đề nghị phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp năm 2016 với chủ đề: “Chương trình quốc gia phát triển doanh nghiệp”. Tại hội nghị này, Thủ tướng sẽ chủ trì chỉ đạo cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan Chính phủ thảo luận, hiến kế các giải pháp để xây dựng chương trình hành động quốc gia phát triển doanh nghiệp Việt Nam cho thời kỳ 5 năm tới, hướng tới mục tiêu Việt Nam có được 1,5 – 2 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020...

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, Thủ tướng đã đồng ý và ngay lập tức giao cho VCCI cùng các cơ quan chức năng chuẩn bị hội nghị Thủ tướng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 4.

PV

Lãnh đạo các nước chúc mừng

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, ngày 7/4, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gửi điện mừng nhân dịp ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Thủ tướng. Điện mừng của Thủ tướng Lào có đoạn: “Những kinh nghiệm của đồng chí trong việc chỉ đạo, lãnh đạo công tác hợp tác song phương Việt Nam-Lào trong nhiều năm qua sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam ngày càng đơm hoa, kết trái”.

Thủ tướng Trung Quốc nhận định, những năm gần đây, quan hệ Trung - Việt về tổng thể phát triển tốt đẹp, hợp tác trên các lĩnh vực không ngừng phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế gay gắt hiện nay, hai nước cần tăng cường đoàn kết, đi sâu hợp tác để thực hiện cùng phát triển. Trung Quốc sẵn sàng cùng nỗ lực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển, đưa các lĩnh vực hợp tác thực chất đi vào chiều sâu, thúc đẩy quan hệ Trung - Việt phát triển lành mạnh, ổn định.               

Thu Loan

MỚI - NÓNG