Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Lúa gạo trước giờ G đổi mới

Gạo xuất khẩu được vận chuyển xuống tàu ở cảng Sài Gòn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Gạo xuất khẩu được vận chuyển xuống tàu ở cảng Sài Gòn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - “Ngành lúa gạo đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới, đòi hỏi tư duy kiến tạo. Vì thế, cần tầm nhìn mới, một tầm nhìn đi kèm hoạch định chiến lược để hạt gạo mang lại giá trị cao cho nông dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL”, ngày 15/3, tại An Giang.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiệu quả trồng lúa hiện còn thấp, kể cả lúc 3 vụ/năm thì lãi gộp cao nhất cũng chưa đến 30%, người nông dân vẫn chỉ lấy công làm lời. Hiện nay, tỷ lệ giá trị gia tăng chỉ đạt 11% trong khi với thủy sản là 18% và rau quả là 36%. Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân là do khả năng nhận thức kém, chủ yếu dựa vào giá thấp, chất lượng không đồng đều, không có thương hiệu nổi tiếng. “Gạo bị lấn sân ngay tại thị trường nội địa, điển hình là chúng ta đã thua Campuchia dù họ đi sau ta 15 năm. Họ có chiến lược thông minh, có gạo thương hiệu chất lượng, có mặt ở thị trường châu Âu. Ngoài ra, gạo của Nhật Bản, Thái Lan… cũng có mặt tại thị trường Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, lúa gạo Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL tiếp tục được xác định là an ninh lương thực quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Do vậy, Việt Nam không chỉ phải xuất khẩu gạo đạt kim ngạch hàng đầu thế giới mà còn phải phấn đấu trong 10 - 20 năm tới đem lại giá trị gia tăng cao cho hạt gạo, nhất là về dinh dưỡng. “Để được điều đó, chúng ta phải đổi mới sản xuất lúa gạo bằng những giải pháp đột phá về thể chế chính sách. Cụ thể, là mở rộng hạn điền, hình thành cánh đồng mẫu lớn, liên kết hộ nông dân, tổ chức mô hình HTX kiểu mới để có lợi tốt cho người trồng lúa” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng lưu ý, cần phải nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo bằng việc áp dụng giống tốt, canh tác hợp lý và đẩy mạnh chế biến sâu, đặc biệt cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đồng thời chống thất thoát sau thu hoạch. Một trong những điểm yếu hiện nay là lúa gạo từ nông dân ra nhà máy chế biến đi lòng vòng khiến chi phí lớn. Vì thế, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần tìm cách hạn chế lúa đi lòng vòng qua tay thương lái, cò làm ảnh hưởng lợi nhuận của nông dân, nên thông qua HTX và cần làm tốt khâu này để giảm chi phí.

Để mở rộng hạn điền, Thủ tướng yêu cầu phải bồi thường thỏa đáng cho dân để thu hồi đất; khuyến khích đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp; mở rộng, bảo hộ quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Đồng thời, ngân hàng nới lỏng tín dụng tăng hạn mức cho vay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Lúa gạo trước giờ G đổi mới ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hòa Hội.

“Kích” gạo Việt ra thế giới

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, hiện gạo của Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 150 nước. Tuy nhiên, theo thứ trưởng Doanh, khả năng cạnh tranh thương mại và hội nhập quốc tế của sản phẩm lúa gạo chưa cao, thị trường lúa gạo thiếu tính ổn định. Thu nhập của nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL còn thấp, mỗi hộ canh tác 3 vụ lúa thu được lợi nhuận 35 đến 40 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan, thấp hơn 1,5 lần so với Indonesia. Sản xuất lúa thiếu tính bền vững, hiệu quả sử dụng vật tư đầu vào chưa cao và chưa kiểm soát được tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm - Tổng giám đốc Cty Vinafood 1, sở dĩ gạo Việt Nam xuất khẩu nhiều từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có thương hiệu là do quy mô của ngành nhỏ lẻ, manh mún, khó áp dụng quy trình canh tác lớn. Hơn nữa, lực lượng sản xuất lạm dụng phân bón thuốc trừ sâu. “Điều đáng nói là chúng ta sản xuất tới hơn 200 giống lúa và các hộ canh tác cạnh nhau nên khó kiểm soát chất lượng”- bà Tâm nói. Bà Tâm cho rằng, trong chiến lược phát  triển ngành hàng lúa gạo phải dựa trên ba khâu: tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Tuy nhiên,  hiện cả ba khâu này đều “có vấn đề”. Bà kiến nghị, Chính phủ tiếp tục xem xét áp dụng chính sách mở rộng hạn điền. Hơn nữa, các bộ, ngành phải làm tốt công tác dự báo, kiểm soát chặt chẽ sản xuất. Đồng thời, cần xem xét quy định các đơn vị giám định chất lượng.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Cty TNHH Trung An (Cần Thơ) cho biết, điều bất hợp lý mà bấy lâu nay các doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu đựng là mặc dù doanh nghiệp đã được Chính phủ cấp phép xuất khẩu, nhưng khi ký được hợp đồng với đối tác lại phải chờ con dấu của Hiệp hội Lương thực mới xuất được. Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Tập đoàn Lộc Trời đề nghị, Chính phủ giảm thuế suất xuống 0%  đối với những doanh nghiệp sản xuất lúa gạo bền vững theo quy trình đảm bảo sinh thái hướng đến an sinh xã hội.

Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà quản lý…chỉ ra rõ những quy định hay chính sách nào gây ách tắc, cản trở sản xuất cũng như xuất khẩu, kể cả những vấn đề đất đai, tham nhũng tiêu cực… đã làm hạn chế sự phát triển của ngành lúa gạo thời gian qua. Mục tiêu là nhằm tháo gỡ những nút thắt để nâng cao chất lượng hạt gạo, tiến đến nền nông nghiệp sạch, hữu cơ chứ không phải chỉ dừng ở sản lượng với tư duy năm sau cao hơn năm trước nhưng giá trị không cao. Đồng thời để hạt gạo Việt ra thế giới bằng thương hiệu của mình. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.