Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Gợi mở nhiều cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Nhật

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với các đại biểu tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam ngày 5/6 tại Tokyo. Ảnh: TTXVN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với các đại biểu tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam ngày 5/6 tại Tokyo. Ảnh: TTXVN.
TP - Phát biểu trước 1.600 đại diện doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm qua mời gọi giới đầu tư Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong lúc Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn trong hàng loạt lĩnh vực nhiều tiềm năng phát triển.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản và dự Hội nghị Tương lai châu Á, chiều 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam với sự tham dự của 1.600 đại diện doanh nghiệp, trong đó có 200 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam. Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.

Kỷ nguyên mới

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn báo cáo được Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố gần đây cho biết môi trường đầu tư ở Việt Nam được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá tích cực, với 90% doanh nghiệp Nhật Bản tin rằng, mở rộng kinh doanh tại Việt Nam giúp họ tăng doanh thu. Cuộc khảo sát của JETRO cũng nhấn mạnh rằng, xếp hạng của Việt Nam về rủi ro kinh doanh đang giảm, cho thấy điều kiện đầu tư được cải thiện.

“Ngày hôm nay khi lần thứ hai tôi đến thăm chính thức Nhật Bản trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, được đứng phát biểu trước 1.600 đại biểu, doanh nghiệp, trong đó có 200 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam, tôi tin tưởng rằng, không gì có thể ngăn cản được một kỷ nguyên mới về sự thân tình, gần gũi, tin cậy trong hợp tác phát triển giữa hai nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn trong nhiều lĩnh vực như vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Đây sẽ là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tạo mọi thuận lợi đẩy mạnh mô hình hợp tác công-tư (PPP) trong phát triển hạ tầng, đặc biệt chú trọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia với tỷ lệ góp vốn linh hoạt, cơ chế thông thoáng. Đây là một thế mạnh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản…

Đầu giờ sáng 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt, ăn sáng cùng đại diện một số doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đang quan tâm, đặt vấn đề mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, đây là thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam vì hai nước đã đạt được sự đồng thuận ở cấp cao, tăng cường hợp tác nhiều mặt.

Thủ tướng cho rằng, tiềm năng của hai bên còn lớn trong khi tiến trình nghiên cứu thị trường, xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam còn chậm. Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam chủ trương phát triển nhanh, bền vững, do đó nhu cầu về năng lượng, tài chính phục vụ phát triển kinh tế là rất cao.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương Việt Nam để bàn bạc cách thức đẩy nhanh việc triển khai các dự án đầu tư vào Việt Nam, nhất là trên cơ sở danh mục các dự án ưu tiên đầu tư của Việt Nam trong lĩnh vực hạ tầng, năng lượng điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

Kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tích cực tham gia tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, Thủ tướng cho biết Chính phủ chủ trương thu hẹp các lĩnh vực nắm giữ, thoái vốn, mở rộng thị trường, kể cả các lĩnh vực như năng lượng, tài chính, ngân hàng. Đây là cơ hội thuận tiện để các nhà đầu tư Nhật Bản lựa chọn, đầu tư. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam tiếp tục chính sách thân thiện với doanh nghiệp, vì vậy, các nhà đầu tư Nhật Bản cần nhanh chóng hơn nữa trong đầu tư vào Việt Nam.

Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu

Sáng 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu mở đầu tại Hội nghị Tương lai châu Á với chủ đề “Chủ nghĩa toàn cầu giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của châu Á” diễn ra từ ngày 5 tới 6/6 tại Tokyo. Hội nghị do tập đoàn truyền thông Nikkei tổ chức có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao và đại diện các bộ, ngành của nhiều quốc gia châu Á, tổ chức khu vực và quốc tế, giới học giả, doanh nghiệp Nhật Bản và quốc tế.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lịch sử cho thấy toàn cầu hóa không chỉ là một tiến trình kinh tế mà còn là sự phản ánh những khát vọng vươn xa, mưu cầu hạnh phúc và chinh phục thử thách của loài người. Thủ tướng nêu bật vai trò động lực tăng trưởng chủ chốt của châu Á đối với quá trình toàn cầu hóa, chỉ ra những thách thức lớn mà châu Á đang phải đối mặt. Thủ tướng khẳng định tầm nhìn sẽ quyết định phương thức tư duy, cách thức hành động và hợp tác giữa các quốc gia sẽ giúp xây dựng một châu Á hòa bình và thịnh vượng, nơi mà ước mơ của mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ, dù phát triển hay chưa có điều kiện phát triển đều sẽ được lắng nghe.

Thủ tướng chia sẻ những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong 30 năm Đổi mới và khẳng định quyết tâm xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hết lòng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng đánh giá cao đóng góp của Nhật Bản trong những thập kỷ qua đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo của nhiều nước châu Á, mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và sự phát triển mới mạnh mẽ về đầu tư, thương mại, giao lưu văn hóa vì nhân dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc còn trực tiếp đối thoại về một số nội dung trong chủ đề của hội nghị, trong đó có vai trò của Cộng đồng Kinh tế ASEAN; thách thức ô nhiễm môi trường đối với Việt Nam; vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam…

Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản,  mức thuế bình quân đối với hàng Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản giảm dần xuống 2,8% vào năm 2018, trong khi thuế suất bình quân đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ giảm dần còn 7%.

Ký các thỏa thuận hợp tác trị giá 22 tỷ USD

Chiều 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam, chứng kiến lễ trao hàng loạt hợp đồng, giấy chứng nhận, thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá 22 tỷ USD giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản. Trong khuôn khổ hội nghị, hai bên chứng kiến lễ trao 36 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và các hợp đồng, biên bản ghi nhớ hợp tác trị giá trên 22 tỷ USD, trong đó có 3 giấy chứng nhận đầu tư (Dự án điện Nghi Sơn 2 trị giá 2,793 tỷ USD; Trung tâm thương mại Aeon Hà Đông trị giá 200 triệu USD; sân golf Sakura Hải Phòng trị giá 40 triệu USD); 4 hợp đồng kinh tế (trong đó có hợp đồng của Vietjet Air trị giá 38 triệu USD).

Hội kiến Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản

Chiều 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori. Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc thúc đẩy quan hệ hợp tác chân thành, tin cậy cao, toàn diện, thực chất với Nhật Bản, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại; bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản cũng như sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa Quốc hội hai nước trên bình diện song phương và tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. 

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hạ viện Nhật Bản quan tâm thúc đẩy giao lưu, tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm giữa Quốc hội hai nước, nhất là trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, phát huy vai trò cầu nối của Liên minh Nghị sỹ hữu nghị hai nước; ủng hộ Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam, tập trung vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn, trọng điểm quốc gia, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lao động, ủng hộ tăng cường hợp tác địa phương giữa hai nước; tiếp tục tăng cường phối hợp với Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế trong đó có việc tổ chức Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 1/2018; ủng hộ mạnh mẽ lập trường của ASEAN và Việt Nam về vấn đề biển Đông. 

Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam và mong muốn thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển toàn diện, mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực; nhất trí cho rằng việc hai nước tăng cường hợp tác và giao lưu giữa các ủy ban chuyên môn.

MỚI - NÓNG