Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tăng trưởng GDP 5,5% là rất khó

TP - Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2013 với sự tham dự của các địa phương theo hình thức truyền hình trực tuyến ngày 27/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% của năm 2013 là rất khó khăn, nhưng nếu nỗ lực thực hiện, tổ chức tốt hoàn toàn chúng ta có thể thực hiện được.

> Gian nan đàm phán thương mại Mỹ - Việt
> Dấu ấn Việt Nam trên bản đồ ngành công nghiệp sữa thế giới

Thất thu thuế nhiều quá

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, tinh thần chung là không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 mà nỗ lực phấn đấu với tinh thần cao nhất.

Thủ tướng lưu ý trong 6 tháng cuối năm phải điều hành chính sách phù hợp, linh hoạt. Đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN),Thủ tướng yêu cầu đơn giản hóa các thủ tục hành chính về vay vốn, mở rộng thị trường. NHNN cần đưa dư nợ tín dụng vào đúng chỗ, đúng doanh nghiệp có triển vọng, có thị trường tiêu thụ.

“Nếu nhầm chỗ, sẽ làm nền kinh tế thêm gánh nặng”- Thủ tướng nói. Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường và sản xuất, yêu cầu phải thực hiện tốt giải pháp giảm, hoãn thuế. Tuy nhiên, “phải thu đúng, thu đủ. Hiện tại, thất thu thuế nhiều quá, cần khắc phục trốn thuế, chống chuyển giá... để cân đối thu chi” - Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng giao NHNN và các bộ, ngành tập trung xử lý nợ xấu và hàng tồn kho, khẩn trương đưa Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vào hoạt động. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, có nhiều chủ trương đưa ra là đúng, nhưng việc tổ chức thực hiện, thể chế hóa để đi vào cuộc sống còn nhiều vướng mắc.

Lấy ví dụ từ việc triển khai gói tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội, hay hoạt động của Công ty VAMC, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực và quyết liệt hơn nữa. Thậm chí, khi đưa vào thực hiện chưa phù hợp ngay thì phải lắng nghe báo chí, ý kiến của các chuyên gia để bổ sung kịp thời.

Về tai nạn giao thông, mấy tháng gần đây trên cả nước tăng cả về số vụ và số người chết, các lực lượng chức năng cần tăng cường tập trung, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử phạt với xe quá tải.

Thực hiện 2 tăng, 1 giảm trong nông nghiệp

 Phải thu đúng, thu đủ. Hiện tại, thất thu thuế nhiều quá, cần khắc phục trốn thuế, chống chuyển giá... để cân đối thu chi”  

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, công nghiệp có dấu hiệu khởi sắc, chỉ số hàng tồn kho giảm dần. Nhưng sản xuất nông lâm nghiệp chậm lại và gặp nhiều khó khăn. Sản lượng thịt hơi giảm thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Nông nghiệp giảm do năng suất cây trồng đến giới hạn, việc tiêu thụ, thị trường xuất khẩu khó khăn.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Mai Văn Ninh cũng nhận định sản xuất nông nghiệp rất khó khăn. “Ba nguyên nhân của việc này là tập quán canh tác tự phát, không theo thị trường; chi phí đầu vào tăng do thuốc thú y, bảo vệ thực vật quản lý không tốt; vẫn nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp mà trong nước làm được?!”- Ông Ninh nói.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho biết, dù đã 24 năm xuất khẩu gạo nhưng Việt Nam chưa có thương hiệu. Ông Thạnh cũng cho rằng, việc tổ chức sản xuất hiện nay chỉ là tình thế và không có chiến lược.

Nói về nguyên nhân nông sản năm nay được mùa mất giá, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, nguyên nhân chính giá thế giới xuống thấp.

Trong khi đó, giá vật tư đầu vào tăng cao khiến giá thành sản xuất tăng, nông sản khó tiêu thụ. Nói về giải pháp, ông Phát cho rằng, chỉ còn cách thúc đẩy thị trường thông qua đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó là các giải pháp đồng bộ về tín dụng cho nông dân. Về lâu dài, phải điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc “được mùa mất giá, được giá mất mùa là xu hướng không tránh khỏi”. Nhưng đó cũng chỉ là bức xúc ngắn hạn. Về dài hạn Phó Thủ tướng cho rằng, đây chính là thời cơ để tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Phó Thủ tướng đưa ra mô hình cơ bản để ngành nông nghiệp phát triển với nhịp độ 1 giảm, 2 tăng, 3 hỗ trợ. Cụ thể, mục tiêu hàng đầu là giảm chi phí, trong đó đầu tư đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tăng chất lượng sản phẩm và tăng sản lượng theo nhu cầu của thị trường. Thực hiện hỗ trợ vốn, hỗ trợ tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho nông sản.

Điều chỉnh lãi suất: Đã tới giới hạn cuối cùng

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước đều cho thấy trong 2 tới 3 năm tới, nền kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn và chưa lấy lại đà tăng trưởng mạnh.

Về việc giảm lãi suất, ông Tiến thông báo, ngoài giảm 0,5% trần lãi suất tiết kiệm tiền đồng xuống còn 7% thay vì mức 7,5% hiện nay, NHNN có thể bỏ trần lãi suất huy động trên 6 tháng. Bên cạnh đó, sẽ điều hành giảm trần lãi suất huy động USD với cá nhân từ 2% xuống 1,25% một năm. Lãi suất huy động cao nhất đối với tổ chức cũng giảm từ 0,5% xuống 0,25%.

Theo ông Tiến, việc giảm mạnh lãi suất cho vay khiến thu nhập của tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng đáng kể, nhiều đơn vị không còn lãi. “Các giải pháp chính sách tiền tệ cũng có giới hạn nhất định, nếu không phối hợp với các chính sách khác sẽ không đem lại hiệu quả”- Ông Tiến nói.

Với diễn biến của lạm phát trong tháng 5 và 6, đánh giá của NHNN cho rằng, với khả năng sử dụng công cụ lãi suất trong hệ thống chính sách hiện nay, NHNN có thể tiếp tục giảm tiếp lãi suất cho vay và các mức lãi suất tiền gửi. “Nhưng gần như đây là giới hạn điều chỉnh cuối cùng trong điều kiện lạm phát hiện nay, vì lạm phát khoảng 7% trong khi lãi suất đã giảm về 7%. Vì vậy khả năng hạ lãi xuất hơn nữa phụ thuộc vào việc kiềm chế lạm phát” - Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến nói.

Việt Nam sẽ có 47 tàu kiểm ngư

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, lực lượng kiểm ngư đã được Bộ NN&PTNT thành lập, các chi đội kiểm ngư sẽ có sắc phục riêng, mỗi chi đội có 5 tàu.

Năm 2014, Việt Nam sẽ có 47 tàu kiểm ngư. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Quốc phòng tổ chức 16 chuyến tàu và các chuyến bay cho các lãnh đạo, cán bộ và thân nhân ra các đảo để chỉ đạo, giải quyết công việc và động viên cán bộ chiến sĩ. Năm 2013, Bộ Quốc phòng phối hợp với tỉnh Khánh Hòa đưa 21 hộ ra sinh sống tại đảo Trường Sa.

Theo Báo giấy