Thủ tướng: Không để du lịch phát triển kiểu 'ngôi sao cô đơn'

Du khách chụp ảnh kỷ niệm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên phố cổ Hội An chiều 9/8. Ảnh: Quang Hiếu - VGP.
Du khách chụp ảnh kỷ niệm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên phố cổ Hội An chiều 9/8. Ảnh: Quang Hiếu - VGP.
TP - Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tổ chức ở Hội An (Quảng Nam), ngày 9/8. Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì.

Du khách còn nhiều nỗi sợ

Báo cáo của Bộ VH-TT&DL, trong giai đoạn 2010 - 2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 1,57 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Năm 2015, Việt Nam đón 7,94 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 57 triệu lượt khách du lịch nội địa. Năm 2015 tổng thu từ khách du lịch đạt 338.000 tỷ đồng, đóng góp trực tiếp 6,6% GDP; xuất khẩu du lịch đạt giá trị 8,50 tỷ USD… Tuy nhiên, ngành du lịch đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.

Nhiều đại biểu cho rằng, số lượng du khách lưu trú trở lại Việt Nam là quá ít do còn quá nhiều nỗi sợ. Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, thực trạng du lịch đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém như thiếu khu vui chơi giải trí, nhất là những khu vui chơi vào ban đêm. Khách du lịch khi đến địa phương mong muốn sử dụng thời gian du lịch của mình để vui chơi, khám phá, đặc biệt với khách từ châu Âu có sự lệch múi giờ nên khi đến Việt Nam vào buổi tối cần có các hoạt động để phục vụ du khách. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm kém cũng ảnh hưởng đến tâm lý du khách. Vấn đề liên kết giữa các tỉnh, vùng còn yếu, chưa tạo ra được những tour du lịch hấp dẫn, riêng biệt.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, việc khai thác du lịch hiện tại chưa tương xứng tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ cơ chế, chính sách từ Trung ương đến địa phương. Năng lực quản lý nhà nước về du lịch còn thấp. Ngoài ra, hạ tầng chưa đảm bảo, đặc biệt vấn nạn kẹt xe đang là nỗi ám ảnh của cả người dân và du khách.

Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV cho rằng, số khách trở lại Việt Nam 33% là quá ít. Ngành du lịch Việt Nam hiện tại như một “ngôi sao cô đơn”, chưa có sự phối hợp để phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Tại hội nghị, nhiều địa phương đề xuất thành lập Sở cảnh sát du lịch giải quyết các vấn đề đảm bảo an toàn cho du khách; miễn thị thực cho khách quốc tế; đề xuất thi tuyển đối với nhân sự ngành du lịch; ban hành những chính sách ưu đãi về thuế để thu hút đầu tư du lịch; tăng cường quảng bá du lịch…

Cần sự đột phá, riêng biệt

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, du lịch Việt Nam cần sự đột phá để phát triển cả số lượng, chất lượng, hiệu quả. Đây là nhiệm vụ chính trị của Bộ VH-TT&DL và các cấp ngành, cộng đồng. Đến năm 2020 du lịch Việt Nam đóng góp từ 10-12% trong cơ cấu GDP (hiện nay là 7%). Ít nhất 20 tỷ USD xuất khẩu tại chỗ từ du lịch. Có ít nhất 15 nghìn triệu khách quốc tế đến Việt Nam và 75 triệu khách nội địa. Muốn làm du lịch thành công phải đầu tư thể chế, chính sách, pháp luật tạo điều kiện. Xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam gắn với hình thức quảng bá, xúc tiến.

Thủ tướng cũng lưu ý phát triển du lịch cần gắn liền với giữ gìn văn hóa, môi trường, đảm bảo quốc phòng an ninh, đặc biệt an toàn cho du khách. Không để du lịch thành bãi rác cho người dân dọn dẹp, không để dịch bệnh các nước lây lan từ du lịch. Không để hình ảnh người dân Việt Nam xấu đi trong mắt du khách. Cần phải đổi mới tư duy du lịch, phát triển du lịch, tận dụng mọi điều kiện của người dân, doanh nghiệp, xã hội hóa để phát triển du lịch.

Để thúc đẩy phát triển du lịch, thời gian tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh; giao Bộ Công an chủ trì khẩn trương triển khai đề án cấp thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu thực hiện  từ ngày 1/1/2017; giao Bộ VH-TT&DL lập bảng quy tắc ứng xử; giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các bộ, ngành đề xuất áp dụng lệ phí xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi cho du khách. Bộ GTVT chủ trì cùng các bộ ngành về đề án trình Chính phủ việc mở các đường bay trực tiếp từ quốc gia đến địa bàn khách du lịch quốc tế trọng điểm thúc đẩy giao lưu trên tinh thần bầu trời mở cửa. Sắp tới, sẽ xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Ngân sách Nhà nước cấp ban đầu một khoảng kinh phí cần thiết 200 - 300 tỷ, sử dụng một phần từ lệ phí thị thực nhập cảnh, đóng góp doanh nghiệp, chủ thể hưởng lợi từ du lịch

Thủ tướng đề nghị Bộ VH-TT&DL phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát và có kế hoạch cụ thể tổ chức hội chợ du lịch, nhất là hội chợ du lịch quốc tế trọng điểm trong năm. Tận dụng thời cơ quảng bá du khách trong nước và nước ngoài thông qua các hội nghị quốc tế.

“Phát triển du lịch cần được xem là nhiệm vụ, trách nhiệm của tất cả các cấp, ngành, toàn xã hội và là nội dung quan trọng trong kế hoạch phát triển KTXH các cấp, ngành, địa phương. Không để du lịch “cô đơn” phát triển mà cần phối hợp bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp… Phát động tinh thần các địa phương, các cấp, ngành dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để phát triển du lịch táo bạo hơn, mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, du lịch Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tụt hậu. Lượng khách đến Việt Nam tuy có tăng nhưng đến 70% khách đến không quay trở lại. Sở dĩ như vậy là do còn nhiều nỗi sợ như: Sợ cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, nhà vệ sinh… Cần nhanh chóng khắc phục những nỗi lo sợ đó của du khách, xây dựng môi trường du lịch lành mạnh. Khi coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì cần ứng xử với tư cách như một ngành kinh tế.  Đây cũng là ngành có tính văn hóa, tổng hợp, liên ngành do vậy cần sự chung sức của cộng đồng; đồng thời nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong ngành du lịch.

MỚI - NÓNG