124 triệu liều vắc xin đã về Việt Nam
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, so với thời điểm cách đây 1 tháng, trước khi thực hiện Nghị quyết 128, số ca mắc trong cộng đồng giảm 66,7%; số tử vong giảm 64,6%; số ca điều trị giảm 97,3%. Điều này phần nào thể hiện rõ hiệu quả của chiến dịch tiêm vắc xin.
Đến thời điểm này, trong tổng số 195 triệu liều vắc xin đã có hợp đồng hay có thỏa thuận cung ứng thì 124 triệu liều đã về Việt Nam. Bộ Y tế đã phân bổ cho các địa phương 109 triệu liều, số còn lại đang phân bổ tiếp. Tổng số liều đã tiêm là 88 triệu liều.
Đối với 19 tỉnh, thành phố phía nam, tổng số vắc xin đã phân bổ là 51,7 triệu liều. Tính chung cả khu vực này, 94,7% dân số trên 18 tuổi đã tiêm mũi 1; 51,5% đã tiêm mũi 2. Bộ Y tế tiếp tục coi đây là khu vực trọng điểm để cung ứng vắc xin và bảo đảm thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Về việc tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi, đến nay tất cả các địa phương đều tiêm an toàn, không có trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, các chỉ số trong tháng 10 rất tích cực; cầu tiêu dùng tăng trở lại; xuất siêu trở lại trong tháng 10 trong khi 9 tháng trước là nhập siêu; đầu tư tăng 15,8% cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài về sự hồi phục kinh tế của Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đảm bảo cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế; tín dụng 10 tháng tăng 8,6%; mặt bằng lãi suất ở mức thấp.
Chỉ có lựa chọn tối ưu
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự kiện quan trọng trong tháng 10 là kể từ ngày 11/10, “chúng ta bắt đầu đổi mới tư duy, phương pháp cũng như cách tổ chức thực hiện công tác phòng chống COVID-19 sang một giai đoạn mới, từ chủ trương theo đuổi "zero-COVID" sang chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 và Bộ Y tế ban hành Quyết định 4800. Các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản đồng tình và tổ chức thực hiện quyết liệt Nghị quyết 128. Khi chuyển trạng thái có thể xảy ra “vấn đề này, vấn đề kia” nhưng quan trọng nhất là chúng ta phát hiện ra, điều chỉnh và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, kịp thời.
Thủ tướng nêu rõ, “không có lựa chọn hoàn hảo mà chỉ có lựa chọn tối ưu”, và sự tối ưu được chứng minh qua thực tiễn. Tuy nhiên, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Thủ tướng cho biết, chỗ nào phát sinh ổ dịch thì tập trung dập dịch theo đúng 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch: Cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất; có mục tiêu và lộ trình để có giải pháp phù hợp, hiệu quả. Nếu một tổ dân phố có dịch thì cả phường, cả xã phải lo; một phường, một xã mà bị thì cả huyện phải lo; một huyện mà bị thì cả tỉnh phải lo; một tỉnh mà bị thì cả khu vực phải lo. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng tham gia hỗ trợ các địa phương.
Nhắc lại tình hình tháng 10, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các mặt công tác, hoàn thành khối lượng lớn công việc, bao gồm chuẩn bị cho kỳ họp Trung ương 4 (khóa XIII), kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, tập trung cho công tác đối ngoại, cả đa phương và song phương.
Để hoàn thành tốt các công việc này, Thủ tướng cho rằng có sự đoàn kết, thống nhất, quyết liệt, chủ động, sáng tạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Nhắc lại chuyến tham dự COP26, thăm làm việc Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Thủ tướng cho biết khi làm việc với lãnh đạo các cơ quan, tổ chức như AstraZeneca, chương trình COVAX thì đều nhận được cam kết sẽ tiếp tục cung cấp vắc xin cho Việt Nam.
“Ngay khi tới Paris, tôi đã gặp bà Giám đốc điều hành Chương trình tiếp cận vắc xin toàn cầu COVAX và bà đã hứa trong tháng 11, cung cấp đủ cho chúng ta hơn 38 triệu liều”, Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan, cần nhìn nhận rõ các rủi ro, thách thức. Thủ tướng cho rằng phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin, bảo đảm an toàn, hiệu quả, khoa học, không chần chừ, nhất là tập trung cho các địa bàn, khu vực trọng điểm như các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Hiện nay chúng ta đã có hơn 120 triệu liều vắc xin mà mới tiêm được 88 triệu liều. Thủ tướng yêu cầu phải phấn đấu tiêm hết số vắc xin còn lại trong tháng 11.
|
Thách thức, khó khăn nữa là hoạt động bán lẻ đã phục hồi nhưng còn yếu. Do đó, cần kích thích tiêu dùng nội địa. Cho rằng đầu tư công còn bất cập, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phân tích rõ nguyên nhân, điểm nào do thể chế chính sách, do khâu tổ chức thực hiện; phải tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công.
Mặc dù tình hình doanh nghiệp đã phục hồi, số doanh nghiệp trở lại hoạt động nhiều hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường, nhưng doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm.
Kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế
Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tiếp tục thực hiện các mục tiêu: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần quản lý rủi ro và đẩy mạnh phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội; giữ vững chủ quyền, lãnh thổ; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.
Tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm đồng bộ với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Thủ tướng lưu ý, phải tăng cường năng lực y tế, nhất là về nguồn nhân lực; chăm lo an sinh xã hội cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ cho những doanh nghiệp gặp khó khăn, sức chống chưa cao. Kết hợp tốt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để tạo đòn bẩy cho phục hồi kinh tế. Khẩn trương thực hiện các gói hỗ trợ đã được thông qua gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống tiêu cực, nhũng nhiễu…
Để có thể tập trung mở cửa thị trường, mở cửa nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh muốn vậy, cần đẩy nhanh tốc độ tiêm. Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan triển khai chương trình tiêm vắc xin cho học sinh, cùng với biện pháp 5K, để tiến tới mở cửa trường học với tinh thần mở cửa phải bảo đảm an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, các thành viên Chính phủ chuẩn bị kỹ, bảo đảm chất lượng, tiến độ các báo cáo phục vụ kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, kịp thời cung cấp thông tin, giải trình, trả lời chất vấn.