Nghị định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ phối hợp của Ban chỉ đạo Phòng, chống khủng bố các cấp quy định, Bộ Công an là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Quốc gia. Cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách là Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo. Thủ tướng là người đứng đầu Ban còn Bộ trưởng Công an là Phó ban.
Cảnh sát 113 cùng xe bọc thép tiếp cận tòa nhà bị bọn khủng bố chiếm giữ trong một tình huống diễn tập. Ảnh: QĐND.
Ngoài ra, Ban này còn có lãnh đạo của nhiều bộ, ngành: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng Ngoại giao, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Thứ trưởng Công an phụ trách an ninh (thành viên thường trực); Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định bổ sung thành viên là Bộ trưởng hoặc cán bộ cấp cao khác theo đề nghị của trưởng ban.
Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố của bộ, ngành do một cán bộ cấp thứ trưởng là trưởng ban, các thành viên khác do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định. Ban chỉ đạo Phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố làm trưởng ban.
Nghị định có hiệu lực từ 25/3 còn quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố các cấp. Theo đó, cấp Quốc gia có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cấp bộ, ngành, tỉnh thành phố.
Ban còn phải tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng giải quyết các vụ khủng bố trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn, xã hội hoặc có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp.
Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố Bộ Công an có nhiệm vụ tham mưu cho cấp Quốc gia về chiến lược, chương trình, kế hoạch, phương án, biện pháp, giải pháp phòng, chống khủng bố; xử lý khủng bố, khắc phục, hạn chế hậu quả do khủng bố gây ra.
Còn cấp tỉnh, thành phố có nhiệm vụ tham mưu cho UBND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố xử lý các vụ khủng bố xảy ra tại địa phương, trừ các vụ khủng bố thuộc trách nhiệm tham mưu của cấp Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Theo Luật Phòng, chống khủng bố được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 năm 2013, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng chống khủng bố. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ, chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ ngành liên quan thực hiện quản lý nhà nước về vấn đề này. UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng chống khủng bố tại địa phương.
Theo Nguyễn Hưng