Thủ tướng: Cương quyết loại bỏ cơ chế 'xin – cho'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giảm phiền hà sách nhiễu, đi lại, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; cương quyết loại bỏ cơ chế xin - cho, vốn là môi trường cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Kết luận phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 13/6, Thủ tướng nhắc lại nội dung Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 đã chỉ rõ nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để huy động nguồn lực cho sự phát triển, ưu tiên cho tăng trưởng.

Theo Thủ tướng, tình hình hiện nay diễn biến rất nhanh chóng, khó lường, nên nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp, chưa phù hợp với thực tiễn. Do đó, phải luôn rà soát, sơ kết, tổng kết cơ chế, chính sách.

Với những vấn đề đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình, Thủ tướng cho rằng cần luật hóa, để tiếp tục thực hiện; còn những vấn đề chưa có quy định, hoặc đã có quy định nhưng chưa theo kịp thực tiễn, bị thực tiễn vượt qua thì sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Thủ tướng: Cương quyết loại bỏ cơ chế 'xin – cho' ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.

Đặc biệt, Người đứng đầu Chính phủ lưu ý các bộ, ngành đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao tính sáng tạo, đổi mới, chủ động của các cấp, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giảm phiền hà sách nhiễu, đi lại, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, cương quyết loại bỏ cơ chế xin – cho, vốn là môi trường cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thể chế thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhau và với các cơ quan của Quốc hội tại giai đoạn 2 của kỳ họp thứ 7 trong việc thảo luận, cho ý kiến, xem xét, thông qua các dự án luật.

Người đứng đầu Chính phủ đồng thời cũng lưu ý các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã được thông qua, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, bảo đảm tính đồng bộ, liên tục của hệ thống pháp luật.

Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ nói trên; đồng thời sớm trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý do Thủ tướng làm Trưởng ban.

MỚI - NÓNG
Vùng Cảnh sát biển 4 và Sở Chỉ huy chiến thuật tiền phương Campuchia trao đổi về đường dây nóng
Vùng Cảnh sát biển 4 và Sở Chỉ huy chiến thuật tiền phương Campuchia trao đổi về đường dây nóng
TPO - Chiều 27/9, tại Kiên Giang, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 và đoàn công tác Sở Chỉ huy chiến thuật tiền phương Campuchia có cuộc tọa đàm, trao đổi về kết quả thực hiện Cơ chế liên lạc đường dây nóng đã được ký kết giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Ủy ban quốc gia An ninh, hàng hải Campuchia trong thời gian qua.