Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến với hơn 60 điểm cầu
Tại Hội nghị, các thành viên Chính phủ đã trình bày các bản dự thảo để lấy ý kiến của địa phương.
Sáng 25-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về triển khai Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013.
Báo cáo tại hội nghị, về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2012 và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, trong những tháng đầu năm, trước tình hình diễn biến phức tạp, khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước ảnh hưởng đến đầu tư và sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và thúc đẩy đầu tư phát triển.
Theo Bộ trưởng Vinh cho biết, năm 2012 lạm phát được kiềm chế đúng hướng, bảo đảm ổn định thị trường trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2012, nhờ thực hiện kịp thời, đồng bộ các giải pháp chính sách tài chính và tài khóa, tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường,… thị trường trong nước năm 2012 cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế. “Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luôn ở mức thấp trong những tháng đầu năm, trong đó có trị số âm (-) trong 2 tháng liên tiếp là tháng 6 (-0,26%) và tháng 7 (-0,29). CPI tháng 12 tăng 6,81% so với tháng 12-2011, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các năm trước và đạt mục tiêu đề ra.”
Chính sách tài chính đã được điều hành chặt chẽ, linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Lãi suất cho vay đã giảm nhanh với tổng mức giảm từ 5-8% so với cuối năm 2011; rủi ro hệ thống từng bước được kiểm soát; tỷ giá và thị trường ngoại hối khá ổn định; cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tập trung vào lĩnh vực ưu tiên.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vinh, tín dụng vẫn tăng trưởng thấp hơn với mục tiêu đề ra; nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao. Tính đến 20-12-2012, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 19,85% so với tháng 12-2011. Huy động ước tăng 20,29%, trong đó, huy động bằng VND tăng 24,81%; bằng ngoại tệ giảm 0,2%. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 6,45% so với cuối năm 2011.
Về chính sách tài khóa và cân đối ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước đã ảnh hưởng đáng kể tới thu ngân sách nhà nước, nhất là bội thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2012 ước đạt 741,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,14% so với dự toán, tăng 5,3% so với năm 2011 (năm 2011 tăng 18,4% so với dự toán và tăng trên 25,9% so với năm 2010). Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2012 ước đạt 904,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,11% so với dự toán, tăng 14% so với năm 2011. Bội chi NSNN bằng 4,8% GDP.
Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm ước khoảng 5,03% nếu tính theo giá cố định năm 1994 (theo giá cố định năm 2010 GDP tăng 5,25%). Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, bắt đầu từ năm 2013 Chính phủ cho phép thay đổi tính giá cố định của năm 2010 bởi cơ cấu sản phẩm từ năm 1994 đến nay đã thay đổi. “Mặc dù mức tăng GDP năm 2012 thấp hơn kế hoạch đề ra là 6-6,5%, nhưng đây là mức tăng hợp lý trong điều kiện phải tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.
Bên cạnh đó, các vấn đề nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cũng được chú trọng.
Mặc dù tình hình kinh tế thế giới khó khăn nhưng trong việc thực hiện các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống văn hóa, tình thần của nhân dân vẫn được nâng lên.
Ước tính năm 2012, tạo việc làm khoảng 1,52 triệu người, đạt 95% kế hoạch, trong đó xuất khẩu đạt khoảng 80.000 người đạt 88,9% kế hoạch.
Công tác thông tin, dự báo thị trường lao động được triển khai đồng bộ ở các địa phương; tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm với tần suất giao dịch tăng gấp 1,2 lần so với năm 2011.
Với vấn đề an sinh xã hội, Bộ trưởng Vinh nói rằng, để giảm bớt khó khăn, bảo đảm đời sống của người dân các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Tỷ lệ hộ nghèo cả nước cuối năm 2012 còn khoảng 10% (giảm 1,76% so với năm 2011); các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP tỷ lệ hộ nghèo ở mức bình quân khoảng 45% (giảm so với cuối năm 2011).
Về vấn đề hoàn thiện chính sách cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiểu quả quản lý Nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường phòng chống tham nhũng.
Bộ trưởng Vinh cho biết, các giải pháp phòng chống tham nhũng trong năm qua được triển khai đồng bộ, chú trọng vào các giải pháp phòng ngừa. Nâng cao hiệu quả phát hiện, điều tra, đồng thời hoàn thiện các quy định nhằm bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng.
Đối với Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2013, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thay mặt Chính phủ thông báo về 9 nhóm giải pháp chủ yếu.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thì mục tiêu điều hành của Chính phủ vẫn là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2013. Đặc biệt, không chủ quan trong kiểm soát giá, bởi một số mặt hàng năng lượng vẫn nguy cơ tăng, tâm lý người dân chưa ổn định.
Cũng tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã trình bày Dự thảo Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, sau khi thảo luận Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013; dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013 và Dự thảo Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho sẽ được bổ sung và thông qua vào cuối hội nghị này.
Cũng tại hội nghị, các địa phương cũng đưa ra nhiều kiến nghị, góp ý để hoàn thành Dự thảo Nghị quyết phát triển trong năm 2013.
Hội nghị diễn ra trong từ ngày 25-12 đến hết buổi sáng ngày 26-12.
Theo Việt Đức - Ngọc Quỳnh
VOV online