Thủ tướng chỉ ra nhiều bất cập trong chính sách thuế

TP - Sáng 8/1, chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ những bất cập trong xây dựng chính sách thuế của Bộ Tài chính vừa qua. Đặc biệt, khi dự thảo 5 luật thuế sửa đổi của Bộ Tài chính có nhiều điểm mới bị phản đối.

Quyền của người nộp thuế rất ít

Bên cạnh ghi nhận, biểu dương các kết quả và nỗ lực của ngành tài chính đạt được, như thu ngân sách vượt mục tiêu; đảm bảo cân đối thu – chi ngân sách, giảm bội chi; đảm bảo an toàn nợ công… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra các yếu kém, bất cập của ngành tài chính thời gian qua, đặc biệt với chính sách thuế. Theo Thủ tướng, chính sách tài chính cần chủ động, thúc đẩy kinh tế phát triển, công khai, minh bạch… Nhưng thực tế, chính sách tài chính, đặc biệt chính sách thuế thời gian qua thay đổi quá nhanh và nhiều, khiến doanh nghiệp không kịp phản ứng nên có đơn vị bị oan sai. “Đây là lỗi chính sách của nhà nước. Điều đó chứng tỏ chính sách thay đổi chưa theo kịp phát triển, thiếu lắng nghe, thiếu trách nhiệm trong xây dựng chính sách thuế gây ra. Vì vậy, xây dựng chính sách thuế phải đảm bảo mục tiêu dài hạn, tương đối ổn định trong 5-10 năm”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ dẫn chứng về đề xuất sửa đổi các luật thuế mới đây của Bộ Tài chính. Khi luật được xây dựng theo quan điểm có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, chưa có lợi cho người nộp thuế, như: Cơ quan thuế được thanh kiểm tra, cưỡng chế, thậm chí chuyển hồ sơ ra cơ quan pháp luật, nhưng quyền của người nộp thuế rất ít, thậm chí bị xử ép. Theo Thủ tướng, Luật Hình sự đã có quy định suy đoán vô tội, nhưng chính sách thuế chưa có, sửa đổi điều này là đòi hỏi bức thiết cho đất nước để phát triển. “Khi sửa đổi pháp luật về thuế, Bộ Tài chính, Tư pháp cần nghiên cứu, có điều khoản quy định bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, phải dân chủ để phát triển bền vững”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện định hướng chính sách vẫn theo tư duy tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thu thuế mới. Trong khi cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển, đã xuất hiện nhiều hình thức kinh tế mới, như thương mại điện tử, Uber, Grab, trò chơi điện tử, kinh doanh qua mạng… “Đó là những mỏ vàng để mở rộng cơ sở thuế. Nhưng chúng ta chậm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, chậm có chính sách để thu thuế với hình thức kinh doanh mới. Quan điểm xuyên suốt là phải mở rộng cơ sở thuế, việc tăng mức thuế phải phù hợp với trình độ phát triển đất nước”, Thủ tướng chỉ đạo. Theo Thủ tướng, dù Việt Nam hội nhập quốc tế mạnh nhưng chính sách thuế còn chậm, chưa tương thích, chưa theo kịp các chuẩn mực quốc tế. Điều đó khiến Việt Nam thua thiệt, khi chuyển nhượng vốn, cổ phần, chuyển quyền khai thác dầu khí… thường không thu được thuế, thậm chí vướng các vụ kiện quốc tế.

Ai còn thờ ơ với sự sống còn của doanh nghiệp?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, việc quản lý tài sản công còn thất thoát, lãng phí lớn. Thậm chí, có nhóm lợi ích “làm phép” tài sản công để hưởng lợi khổng lồ, như việc bán đất công cho Vũ “nhôm” (Phan Văn Anh Vũ - PV). Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần tăng cường quản lý tài sản công hiệu quả, chặt chẽ, ngăn chặn lợi ích nhóm thâu tóm hưởng lợi.

Thủ tướng cũng cho rằng, đâu đó còn tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong ngành tài chính. Một bộ phận cán bộ ngành tài chính còn nhũng nhiễu, thờ ơ với sự sống còn của doanh nghiệp, chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính cần có biện pháp mạnh mẽ dẹp bỏ ngay tình trạng này, kiểm tra, xử lý đưa ra khỏi ngành cán bộ công chức hư hỏng. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, hoạt động thanh kiểm tra thuế, hải quan còn tràn lan, gây khó cho doanh nghiệp; mua bán hóa đơn để trốn thuế còn phức tạp… Đi liền đó, Bộ Tài chính sắp xếp lại bộ máy, áp dụng công nghệ thông tin để tinh giản biên chế…

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng ghi nhận các chỉ đạo của Thủ tướng và cam kết sẽ nỗ lực thực hiện bằng các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể.

Về phần địa phương, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, năm 2018, để đạt mục tiêu thu ngân sách được giao, thành phố sẽ tập trung thu hồi nợ thuế (khoảng 14.000 tỷ đồng có thể thu hồi); rà soát quỹ đất và tài sản công để bán đấu giá có thêm nguồn thu. Đồng thời, Hà Nội sẽ kiểm soát chặt chi tiêu công; đấu giá dịch vụ công ích; đánh giá kết quả khoán xe công thời gian qua…

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Miên cho hay, địa phương này sẽ tăng cường “siết” hóa đơn với hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn… để chống trốn thuế. Đồng thời, Đà Nẵng cũng dự kiến tính lại giá đất cho sát thị trường, khi biểu giá hiện nay quá xa thực tế, dù hàng năm đều có thay đổi.

Còn ông Bùi Văn Nam, Tổng Cục trưởng Thuế (Bộ Tài chính) đánh giá, năm 2018 vẫn còn nhiều khó khăn, giá dầu thô còn khó dự đoán. Vì vậy, ngành thuế đặt mục tiêu tăng thu qua thanh kiểm tra, chống thất thu, chuyển giá, thu hồi nợ thuế, trọng tâm là hình thức kinh doanh qua mạng điện tử…

Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, năm 2017, thu ngân sách ước đạt hơn 1,28 triệu tỷ đồng, vượt dự toán 5,9% (tức vượt hơn 71.000 tỷ đồng). Thu ngân sách đạt mức động viên bằng 25,6% GDP, trong đó thuế phí đạt 21% GDP.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.