Thủ tướng Canada bị chê ‘việt vị’ với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. (Ảnh: NDTV)
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. (Ảnh: NDTV)
TPO - Ngày 11/8, Canada chỉ trích Trung Quốc kết án hai công dân của họ, trong bối cảnh cuộc bầu cử sắp diễn ra và các đảng đối lập cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau mềm yếu với Bắc Kinh.

Trước đó 1 ngày, một toà án ở Trung Quốc kết án doanh nhân Michael Spavor 11 năm tù với cáo buộc do thám.

Ngoại trưởng Canada Marc Garneau chỉ trích cái ông gọi là bản án hoàn toàn vô lý sau “một phiên toà giả mạo”.

Spavor và một công dân Canada khác là Michael Kovrig bị bắt giữ vào tháng 12/2018, không lâu sau khi cảnh sát Vancouver bắt giữ phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu của Mỹ.

Bà Mạnh đang tiến hành các thủ tục pháp lý chống dẫn độ và đang bước vào giải đoạn xét xử cuối cùng trước khi trình lên Bộ trưởng Tư pháp David Lametti để quyết định.

Ottawa nói rằng vụ án của bà Mạnh và hai công dân của họ rõ ràng bị gắn với nhau, nhưng Trung Quốc luôn phủ nhận.

“Quyết định này sẽ không thể làm suy yếu quyết tâm của chúng tôi trong việc bảo đảm Michale Spavor và Michael Kovrig được thả ngay lập tức...Việc này đã diễn ra quá lâu”, ông Garneau nói với báo chí.

Các trợ lý cho biết Thủ tướng Trudeau sẽ kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử liên bang sớm. Đối thủ chính của đảng Tự do cầm quyền sẽ là đảng Bảo thủ, phe đang kêu gọi ông Trudeau phải có quan điểm cứng rắn hơn.

“Ông Trudeau đã việt vị với Trung Quốc trong 6 năm. Một chính phủ của đảng Bảo thủ sẽ đứng lên vì các giá trị của chúng ta, công dân của chúng ta và an ninh của nước ta”, lãnh đạo đảng Bảo thủ Erin O'Toole nói với báo chí.

Canada vẫn tiếp tục đối thoại với Washington và Bắc Kinh để Spavor và Kovrig được thả, ông Garneau cho biết.

Một nguồn tin thân cận với chính quyền Mỹ cho biết họ chỉ tập trung vào việc tìm cách để hai công dân Canada được thả và không liên quan gì đến bà Mạnh.

Nguồn tin cho biết ông Garneau đã trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 10/8. Chính phủ Canada cho biế sẽ không đồng ý đổi bà Mạnh lấy 2 công dân bị giam giữ vì không thể can thiệp vào tiến trình tư pháp.

Số phận 2 công dân này được dự đoán sẽ trở thành một vấn đề trong cuộc bầu cử sắp tới, bên cạnh vấn đề xử lý đại dịch COVID-19.

Đối với bà Mạnh, sau khi phiên tranh tụng kết thúc, thẩm phán sẽ quyết định có cho phép dẫn độ bà sang Mỹ hay không. Kết quả này sẽ được trình lên Bộ trưởng Tư pháp để đưa ra quyết định, nhưng bị đơn vẫn có thể kháng cáo. Các chuyên gia pháp lý nói rằng vụ án này có thể mất mấy năm mới xong.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG