Thủ tướng ban hành 3 cấp độ thuộc bí mật nhà nước

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt
TPO - Trên cơ sở tổng kết việc thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước hiện hành, Chính phủ đã đề nghị quy định giao Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước đối với cả 3 độ mật để khắc phục hạn chế hiện nay.

Tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/7, báo cáo một số nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho biết, theo quy định tại Điều 12 dự thảo Luật, trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước và thẩm quyền quyết định danh mục bí mật nhà nước có sự thay đổi căn bản so với quy định của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước hiện hành. Đồng thời phạm vi bí mật nhà nước cũng được sửa đổi theo hướng quy định cụ thể, chi tiết hơn đối với từng lĩnh vực.

Theo đó, để các quy định của Luật này đi vào cuộc sống, có thể áp dụng ngay sau khi có hiệu lực, cần có một thời gian nhất định để các cơ quan, tổ chức xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước theo quy định mới.

Vì vậy, Thường trực Uỷ ban đề nghị Thường vụ Quốc hội cho bổ sung khoản 2 Điều 34 quy định về hiệu lực thi hành của các Điều 10, 11 và 12 dự thảo Luật, theo đó các Điều này có hiệu lực thi hành trước thời điểm Luật có hiệu lực, làm căn cứ để các cơ quan, tổ chức xây dựng danh mục bí mật nhà nước.

Cũng theo ông Việt, dự thảo Luật Chính phủ trình bổ sung quy định về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là nội dung mới so với quy định của Pháp lệnh hiện hành (Pháp lệnh hiện hành không quy định thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước). Theo đó, để bảo đảm thống nhất trong việc áp dụng thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước (tránh trường hợp có loại có thời hạn bảo vệ, có loại lại không có thời hạn bảo vệ), cần nghiên cứu việc xác định thời hạn bảo vệ đối với những bí mật nhà nước đã được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực.

Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh đề nghị cho bổ sung Điều 35 dự thảo Luật quy định việc giải mật hoặc xác định thời hạn bảo vệ đối với những bí mật nhà nước đã ban hành.

Không quy định danh mục bí mật nhà nước của địa phương

Về phân loại, phạm vi bí mật nhà nước, ông Võ Trọng Việt cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định nguyên tắc phân loại và bổ sung tiêu chí phân loại bí mật nhà nước; đề nghị rà soát, điều chỉnh một số lĩnh vực có thông tin “Tuyệt mật”, “Tối mật”.

Một số ý kiến cho rằng phạm vi bí mật nhà nước quy định trong dự thảo Luật quá rộng, đề nghị quy định cụ thể hơn cho phù hợp với tình hình thực tiễn và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Một số ý kiến khác đề nghị bổ sung các lĩnh vực khác để bao quát đầy đủ, bổ sung cơ sở, địa điểm bí mật nhà nước, đồng thời đề nghị chỉnh lý một số nội dung cụ thể.

Một số ý kiến đề nghị ghép Điều 8 với Điều 9; nghiên cứu quy định của Pháp lệnh hiện hành theo hướng phân loại bí mật nhà nước trên cơ sở kết hợp cả lĩnh vực và tính chất quan trọng của thông tin.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Uỷ ban và Ban soạn thảo đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định cụ thể những thông tin trong từng lĩnh vực được xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước như nội dung Điều 10 và Điều 11 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý cho phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực mình quản lý để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định tại Điều 12 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đề nghị quy định lập danh mục bí mật nhà nước theo ngành dọc, thống nhất từ bộ, ngành trung ương đến địa phương, bỏ quy định lập danh mục bí mật nhà nước của địa phương hoặc quy định danh mục bí mật nhà nước chung của các địa phương để bảo đảm tính thống nhất trong ban hành và thực hiện.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Uỷ ban đề nghị cho chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng không quy định lập danh mục bí mật nhà nước của địa phương mà nghiên cứu thiết kế điều luật quy định để bảo đảm thực hiện danh mục bí mật nhà nước thống nhất từ trung ương đến địa phương theo từng lĩnh vực quản lý. Theo đó, việc xác định thông tin bí mật nhà nước của các cơ quan, tổ chức ở địa phương sẽ tuân thủ danh mục bí mật nhà nước theo lĩnh vực quản lý do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định việc ban hành danh mục bí mật nhà nước. Một số ý kiến đề nghị giao Bộ Công an ban hành danh mục bí mật nhà nước.

Về vấn đề này, Thường trực Uỷ ban cho biết, theo quy định của Pháp lệnh hiện hành, Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật; Bộ trưởng Bộ Công an quyết định danh mục bí mật nhà nước độ Mật.

Trên cơ sở tổng kết việc thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước hiện hành, Chính phủ đã đề nghị quy định giao Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước đối với cả 3 độ mật để khắc phục hạn chế hiện nay, bảo đảm tính thống nhất trong việc ban hành danh mục bí mật nhà nước. Thường trực Uỷ ban nhận thấy, quy định như dự thảo Luật Chính phủ trình là phù hợp.

MỚI - NÓNG