Thủ tướng Anh: EU cần chuẩn bị cho thách thức

Thủ tướng Anh: EU cần chuẩn bị cho thách thức
(TPO) - Đã đến lúc EU phải đối mặt với những thách thức của toàn cầu hoá, thủ tướng Anh Tony Blair cảnh báo các vị nguyên thủ châu Âu trong phiên họp sáng nay tại Brussels.
Thủ tướng Anh: EU cần chuẩn bị cho thách thức ảnh 1
Anh và Pháp vẫn không thể tìm thấy tiếng nói chung trong vấn đề đóng góp ngân sách EU và trợ giá nông nghiệp

Tuy nhiên, ông Blair cũng mở ngoặc nói thêm rằng cùng với khó khăn là rất nhiều cơ hội.

Tuần trước, các nhà lãnh đạo EU đã bất đồng và mâu thuẫn gay gắt xung quanh vấn đề ngân sách EU, khi nước Anh nhất mực đòi phải cải tổ cơ cấu trợ giá nông nghiệp mới đồng ý điều chỉnh khoản tiền bồi hoàn gần 5 tỷ euro.

Chủ tịch uỷ ban EU Jose Manuel Barroso đã phải lên tiếng cảnh báo về một "tình trạng tê liệt" của toàn châu Âu, nếu nước Anh không thoả thuận được với các thành viên còn lại. Ông Barroso cũng tuyên bố thủ tướng Tony Blair "phải chuẩn bị để đưa ra cam kết".

Tạo việc làm mới

Thủ tướng Anh Tony Blair đã trình bày các quan điểm của ông về EU trong bài báo mới đăng tải trên tờ Bild của Đức số ra ngày hôm qua. "Tất nhiên, EU còn hơn cả một khu vực tự do thương mại. Nước Anh ủng hộ một châu Âu "xã hội", nhưng đó phải là một châu Âu "xã hội" phù hợp với thế giới hiện nay".

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là bằng cách nào châu Âu có thể chuyển từ mô hình hướng nội sang một cơ chế năng động, cởi mở, đổi mới và hướng ra toàn cầu?

Theo các chuyên gia, điều tối cần lúc này là các nhà lãnh đạo châu Âu phải tìm ra được lý do tại sao một số nền kinh tế rất hiệu quả trong việc tạo việc làm mới, trong khi các nước khác lại không. Về phần mình, ông Blair tự miêu tả ông là một người "ủng hộ châu Âu nhiệt thành" và mong muốn sử dụng thời gian sáu tháng giữ chức chủ tịch EU sắp tới để đạt được một thoả thuận ngân sách "công bằng cho tất cả".

Trợ giá cho nước giàu?

Thủ tướng Blair cho rằng hiện đại hoá cần phải được tiến hành càng sớm càng tốt. "Lấy thí dụ, sẽ là quá muộn nếu chờ tới tận năm 2014 mới thay đổi thực trạng 40% ngân sách EU hiện nay được dành cho nông nghiệp.

Không có lý do gì để chuyển cả một khối lượng tiền lớn như thế khỏi những nước như Đức và Anh, mà điểm đến lại là các quốc gia giàu chẳng kém như trong bản đề xuất hồi tuần trước".

Tuần trước, tổng thống Pháp Jacques Chirac đã không đồng tình với lập trường của nước Anh trong vấn đế trợ giá nông nghiệp.

Ngày hôm qua, thủ tướng Luxembourg, ông Jean-Claude Juncker cũng buộc tội chính thủ tướng Blair đã cản trở các nỗ lực đạt đến thoả thuận chung về ngân sách.

Trong khi đó, nước Anh vẫn khẳng định rằng đổi mới chính sách Nông nghiệp "không chỉ mang lại lợi ích cho châu Âu, mà còn vì lợi ích của cả những nước nghèo nhất thế giới".

"Trước sức ép ngày càng lớn từ những nền kinh tế như Trung Quốc và Mỹ, EU không thể trì hoãn hơn nữa việc cải tổ và tự do hoá thị trường để có thể đối mặt với những thách thức của cạnh tranh toàn cầu", ông Blair nói.  

MỚI - NÓNG