Thủ tục rườm rà, doanh nghiệp 'ngoảnh mặt' việc xây nhà ở công nhân

TPO - Phân khúc nhà ở công nhân được cho là đầu tư lợi nhuận rất thấp, thậm chí lỗ nếu tính toán không kỹ. Quy trình thủ tục hành chính thì rườm rà còn hơn nhà ở thương mại.

Tại hội thảo “Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất” do báo Pháp luật TPHCM tổ chức ngày 21/5, các chuyên gia cho rằng còn vướng nhiều rào cản từ pháp lý, do đó, chưa thu hút doanh nghiệp.

Tại hội thảo rất nhiều ý kiến đề xuất cơ quan chức năng cho phép nhà đầu tư chuyển một phần đất khu công nghiệp sang đất xây dựng nhà ở cho công nhân. Với quy định hiện hành, quỹ đất xây dựng nhà lưu trú phải nằm ngoài ranh khu công nghiệp. Do đó, nhà quy hoạch phải có chiến lược xây dựng quỹ đất. Các sở, ban, ngành cũng cần có sự hỗ trợ về vốn, thủ tục cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú. Tuy nhiên việc chuyển đổi cũng gặp không ít khó khăn. Tiêu chí về nhà giá rẻ chưa rõ ràng, thủ tục giống xây nhà thương mại nhưng đầu tư xây nhà giá rẻ bị nhiều ràng buộc, do đó, không thu hút được doanh nghiệp rót vốn.

Theo ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý các KCN TPHCM (Hepza), TPHCM hiện có khoảng 285.000 công nhân đang làm việc tại 17 KCX-KCN. Nếu tính cả các cụm công nghiệp nhỏ lẻ bên ngoài với số lượng 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động, số lượng người lao động lên đến 380.000 lao động. Trong đó, có khoảng 65% người lao động có nhu cầu về nhà ở. TP hiện có khoảng 15.000 người. Do đó, phần lớn công nhân đều thuê phòng trọ để giải quyết chỗ ở. Các khu nhà trọ đều chưa đảm bảo điều kiện sinh sống cơ bản cho công nhân, có 12 nhà lưu trú cho công nhân được huy động từ nhiều nguồn.

Thủ tục rườm rà, doanh nghiệp 'ngoảnh mặt' việc xây nhà ở công nhân ảnh 1 Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết phần lớn người lao động ở các khu nhà trọ ọp ẹt, môi trường sống không đảm bảo. 

Ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM cho rằng: “Phần lớn người lao động ở các khu nhà trọ tự phát, ọp ẹp và chật chội, môi trường sống không đảm bảo. Hiện có 4 nguồn cung cấp chỗ ở cho công nhân gồm: Các chủ doanh nghiệp có sử dụng lao động tự xây nhà lưu trú cho công nhân; các công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật của TP đầu tư; các doanh nghiệp tự bỏ vốn ra xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân; cá nhân xây phòng trọ để cho công nhân thuê”.

Còn ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Trần Anh Group, Long An nhận định, địa bàn tỉnh Long An nhu cầu lưu trú của công nhân rất lớn, điển hình KCN Đức Hòa 3 quy mô 1.800ha nhưng không có nhà lưu trú cho công nhân. Trần Anh Group tính đầu tư 10.000 căn hộ nhà giá rẻ cho công nhân thuê hoặc bán. Hiện nay đầu tư được 800 căn phải ngưng lại vì thủ tục quá nhiêu khê. Doanh nghiệp đang kiến nghị thủ tục đơn giản hơn, nhất là thủ tục cho người mua nhà giá rẻ chỉ cần người lao động đang làm việc trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Văn Đực – Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TP.HCM phát triển như thế này cũng một phần nhờ công đóng góp của người lao động từ các tỉnh, thành khác nên cơ quan chức năng phải có trách nhiệm về chỗ ở cho họ. Thế nhưng, hiện nay, tiêu chuẩn về nhà lưu trú cho công nhân chưa rõ ràng. Trong khi phân khúc này đầu tư lợi nhuận rất thấp, thậm chí lỗ nếu tính toán không kỹ. Quy trình thủ tục hành chính thì rườm rà còn hơn nhà ở thương mại. Doanh nghiệp chỉ có thể chủ động quyết định được khoảng 30% thủ tục đầu tư, còn lại phụ thuộc hết vào cơ quan chức năng, mà cơ quan chức năng thì quá chậm chạp.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.