Thư Trường Sa gửi các bạn đất liền

Thư Trường Sa gửi các bạn đất liền
Lần thứ hai đến Trường Sa nhìn đảo đã thấy quen, gặp người đã thấy thân, chúng tôi có thêm kinh nghiệm về việc mang quà cho các công dân nhí: ngoài đồ chơi, truyện tranh, bánh kẹo, mọi người còn cố gắng nâng niu thêm ít trái cây tươi, sữa, phó mát, áo thun đủ màu, đủ hình sặc sỡ.

Thư Trường Sa gửi các bạn đất liền

> Biển đảo quê hương 'hội tụ' về Hà Nội
> Những “bông hoa nhỏ” của đảo Trường Sa

Lần thứ hai đến Trường Sa nhìn đảo đã thấy quen, gặp người đã thấy thân, chúng tôi có thêm kinh nghiệm về việc mang quà cho các công dân nhí: ngoài đồ chơi, truyện tranh, bánh kẹo, mọi người còn cố gắng nâng niu thêm ít trái cây tươi, sữa, phó mát, áo thun đủ màu, đủ hình sặc sỡ.

Nhưng vẫn cứ phải giật mình trước lời con trẻ...

Những đứa trẻ tại đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa). Ảnh: Nguyễn Khánh
Những đứa trẻ tại đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa). Ảnh: Nguyễn Khánh.

Đảo của chúng tớ có ngọn hải đăng

"Đảo Song Tử Tây của chúng tớ có ngọn hải đăng thật cao, leo lên trên rất là mát, nhìn thấy đảo rất đẹp. Ở đây mình nhìn thấy nhà và cả những cây hoa. Khi nào ra đảo mình sẽ dẫn các bạn lên ngọn hải đăng"

Nguyễn Thị Đan Thùy

Nhật Quang, Bảo Trâm, Đan Thùy, Trường Giang là những công dân nhí của Song Tử Tây. Lần đầu đến đảo, cũng lần đầu gặp gỡ, các em ríu rít giới thiệu những địa điểm quen thuộc: nhà đèn, chùa, sân chơi, bãi san hô... Như để chứng minh độ hấp dẫn của hòn đảo thiên đường, các em nắm tay chúng tôi kéo đi lên từng bậc cầu thang xoắn ốc của ngọn hải đăng. Lên cao, phóng một tầm mắt vòng hết đảo, rạn san hô vòng quanh lung linh dưới làn nước trong vắt như thực mà như ảo.

Phấn khích trước những tiếng xuýt xoa “Đẹp quá” của khách, Quang, Thùy thi nhau chỉ: “Nhà con ở kia”, “Chỗ cao nhất đó là chỗ mấy chú đứng gác”, “Xuống chỗ đó thì có nhiều ốc”... Chúng tôi kể cho các em nghe về các bạn ở Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1, TP.HCM đã tổ chức cả một cuộc thi tìm hiểu về biển đảo, đã viết thư, đã làm thơ, đã vẽ rất nhiều bức tranh về đảo của các em, đã quyên góp để xây dựng trường tiểu học, công viên trên đảo: “Bạn nào cũng mong ước được ra thăm Trường Sa, chơi với các con ngoài này”.

Những đôi mắt tròn xoe sáng rỡ lên thích thú: “Thật vậy sao cô? Các bạn ra đây con sẽ đưa đi chơi, sẽ kể cho nghe chuyện về đảo này. Xưa kia ở đây có nhiều quái vật lắm, nhưng đừng sợ vì bây giờ bị đuổi đi hết rồi” - bé Nhật Quang cười lém lỉnh. Và cậu bé đột nhiên quyết định: “Tối rồi không có điện, con còn đi xem các cô diễn văn nghệ nữa. Sáng mai con sẽ dậy sớm viết thư gửi các bạn ở đất liền, kể cho các bạn ấy nghe về đảo Song Tử Tây”.

Chẳng mấy tin tưởng vào lời hứa của một đứa trẻ 8 tuổi, nhất là khi sáng hôm sau chúng tôi thấy Quang tung tăng khắp đảo làm “hướng dẫn viên du lịch” cho các cô, các chú, các bác. Ấy vậy mà đến trưa, Quang chạy đi tìm chúng tôi với một bức thư đã bỏ vào phong bì, ghi tên Huỳnh Nhật Quang - đảo Song Tử Tây và người nhận “Các bạn ở đất liền” rất chỉn chu: “Con viết xong rồi, nhờ cô chuyển đến các bạn nhé”. Chúng tôi chuyền tay nhau, len lén mở thư xem trước, tự cho phép mình làm một “bạn ở đất liền” đầu tiên. Ai cũng chùng lòng lại khi đọc những dòng Quang đã nắn nót và chắc đã suy nghĩ rất lâu:

“Các anh chị và các bạn ở đất liền thân mến! Mình tên Huỳnh Nhật Quang, mình đã được 8 tuổi, đang học lớp 2 tại Trường tiểu học Song Tử Tây. Mình và các anh chị ở biển đảo xa xôi này, ngoài giờ học ra bọn mình thường xem truyện tranh, rủ nhau nhặt những vỏ xò (sò - NV), vỏ ốc và những hòn đá cuội, có lúc tụi mình rủ nhau lên chùa thắp hương rồi cùng chơi đùa với thầy và cùng rủ nhau đi tắm biển. Ở ngoài này mình thường xuyên ăn sáng bằng mì tôm hoặc cơm chiên, nhiều lúc mình thèm ăn những ổ bánh mì, bánh bèo nhưng không có. Mình ước gì được như các bạn ở đất liền, không phải sáng nào cũng ăn (mì tôm - NV) như mình. Cuối thư mình chúc các bạn luôn khỏe mạnh và học thật giỏi. Ký tên Huỳnh Nhật Quang”.

Chợt giật mình khi nhớ lại cái lắc đầu quầy quậy của Thùy, của Giang sáng nay trước nồi mì tôm của mẹ, mà chúng tôi nghĩ đơn thuần chỉ là một cơn nhõng nhẽo con gái. Quay lại tìm hai cô bé, tôi đề nghị em viết mấy dòng vào sổ tay để gửi các bạn đất liền, kể cái gì thích nhất và ghét nhất ở đảo này. Sau vài phút ngần ngại, Giang viết: “Chào các bạn. Mình tên là Ngô Thị Trường Giang. Mình học lớp 4 Trường tiểu học Song Tử Tây. Song Tử Tây là một hòn đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa. Ở đảo, mình thích nhất là được đi nhặt ốc cùng các bạn trên đảo. Mình ghét nhất ăn mì tôm vì ở đây mình ăn rất nhiều lần rồi. Khi nào các bạn đến thăm đảo Song Tử, mình dẫn các bạn đến chùa, đến ngọn hải đăng và thăm đảo”.

Hải đăng là một niềm tự hào chung và mì tôm là một nỗi ám ảnh chung. Đọc những dòng chữ ngây thơ, nghe trong lòng một nỗi xót xa. Nhớ lúc đứng trên lan can của hải đăng, ai đó đã thốt lên: “Đẹp quá. Biển đảo mình thế này phải yêu, phải giữ chứ”. Biển đảo đẹp thật, thiêng liêng thật, nhưng đó là cái đẹp, cái thiêng liêng với người lớn, những người đã có đủ nhận thức về chủ quyền, đủ tích lũy về lòng yêu nước, đủ động lực để lựa chọn hành động. Còn những đứa trẻ, chúng còn cần biết bao nhiêu bên ngoài thế giới trong vòng đảo này: một ngôi trường thật sự với thật nhiều bạn bè, thầy cô để học tập, vui chơi; những thế giới truyện tranh, đồ chơi, bánh kẹo đầy màu sắc...

Mong ngày quay lại Trường Sa

Đến đảo Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, mấy đứa trẻ nhận ra người quen cũ, tung tăng dẫn đi xem những công trình mới xây dựng trên đảo, niềm tự hào mới của các em: nhà văn hóa, nhà đèn mới ở Sinh Tồn, trường tiểu học, lá cờ khổng lồ ở Trường Sa Lớn. Mi Sen năm nay đã lớn lắm dù mới chỉ học lớp 5, bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân đã tròn 2 tuổi (cô bé được nhiều người biết vì đã sinh tại Trường Sa Lớn trong ca mổ qua cầu truyền hình năm 2011- NV), đã lớn vụt lên và có thể chạy khắp đảo nhưng vẫn e sợ khi gặp người lạ.

Trường Sa Lớn năm nay vắng Trà My và Viết Hiền, Sinh Tồn vắng Thu Hiền, các em đã vào bờ để tiếp tục học. “Chị My gọi điện cho con hoài à cô, chị nói nhớ ngoài đảo lắm” - Mi Sen ríu rít kể. Tôi gọi điện cho Trà My, giọng em vui òa lên: “Ô, cô lại đến đảo à? Con về bờ rồi, không biết làm sao để được ra thăm đảo lại nữa. Hè này ba mẹ và mấy em về thăm con thôi”.

Hỏi My nhớ gì nhất ở đảo, giọng cô bé chùng xuống: “Học ở trong bờ vui, trường lớn hơn, bạn đông hơn nhưng con vẫn nhớ ngoài đảo, nhớ các em, lớp học của cô giáo Nhung lắm. Ở đây con cùng các bạn đi xe đạp lòng vòng lại nhớ chiều chiều chơi với các em ở đường băng và đi nhặt ốc...”. Trà My vừa kết thúc năm học lớp 6 ở Trường THCS Quang Trung, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa với danh hiệu học sinh khá. Em đã nhiều lần đại diện công dân Trường Sa tham dự các buổi giao lưu với học sinh, sinh viên. Buổi nào Trà My cũng kể về đảo Trường Sa Lớn thân yêu, đảo thiên đường của em với những cây bàng vuông, cây tra, đường băng, đèn biển... những câu chuyện thật lạ lẫm và hấp dẫn với đất liền.

Là công dân Trường Sa, qua những năm tháng ở Trường Sa và viết thư gửi đất liền như Nhật Quang, hôm nay Trà My lại ngày ngày ngóng điện thoại từ Trường Sa, tìm cơ hội gọi về Trường Sa, và em viết trong những bài tập làm văn ở trường: “Mong một ngày được quay lại Trường Sa...”.

Đất liền còn bao nhiêu bạn, và cả người lớn nữa, đang mong được đến Trường Sa.

Theo Phạm Vũ
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.