Thứ trưởng Ngoại giao: Lần đầu tiên văn kiện Đại hội nêu rõ ba 'trụ cột' đối ngoại

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung. Ả: Như Ý
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung. Ả: Như Ý
TPO - “Văn kiện Đại hội nêu rõ, đối ngoại gồm ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân… Đây là lần đầu tiên văn kiện Đại hội Đảng nêu rõ 3 trụ cột này”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho hay.

Ngày 30/1, bên hành lang Đại hội XIII của Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã chia sẻ với báo chí về công tác ngoại giao giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ

Thông qua công tác ngoại giao, ông đánh giá như thế nào về hình ảnh, vị thế Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế?

Có thể nói, hình ảnh và uy tín của Việt Nam đã được nâng cao trong mắt bạn bè quốc tế trong thời gian qua. Việt Nam được biết đến và được yêu quý vì đất nước có nền văn hóa rất đặc sắc, có nhiều cộng đồng dân tộc và có lịch sử lâu dài. Việt Nam cũng là dân tộc yêu chuộng hòa bình nhưng cũng là một dân tộc bất khuất và đã giành được thắng lợi trong việc bảo vệ nền độc lập của mình.

Bước vào thế kỷ XXI, Việt Nam được biết đến là một quốc gia có nhiều thành tựu trong quá trình đổi mới, đặc biệt là phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội, trở thành điểm đến của các nhà đầu tư là đối tác thương mại trên thế giới.

Trong 5 năm qua, Việt Nam cũng tạo ấn tượng rất lớn khi đóng góp tích cực và có trách nhiệm đối với các vấn đề quốc tế, như đăng cai nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao APEC 17. Vừa qua, chúng ta lại là Chủ tịch của ASEAN 2020 và được các nước đánh giá rất cao trong việc góp phần để củng cố sự gắn kết ASEAN.

Đặc biệt, trong điều kiện Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã hỗ trợ về nhân lực thiết bị và kinh nghiệm trong phòng chống COVID-19 với các nước, không chỉ ở trong khu vực mà còn ở các châu lục khác.

Ông nhận định gì về công tác bảo vệ lãnh thổ biên giới, chủ quyền biển, đảo là một nhiệm vụ tiên quyết, trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta, được nhắc trong các văn kiện Đại hội?

Mục tiêu đường lối đối ngoại của Việt Nam là giữ được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước, tranh thủ được tốt nhất điều kiện thuận lợi cho quá trình đổi mới cũng như quá trình phát triển kinh tế xã hội. Đó cũng là mục tiêu nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Một mục tiêu rất quan trọng là chúng ta kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Điều này được ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại của chúng ta qua nhiều kỳ Đại hội Đảng.

Tuy nhiên, khi nói tới vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ta phải thấy rằng, có chủ quyền lãnh thổ biên giới trên bộ và trên biển. Ở khu vực biên giới trên bộ, chạy qua 25 tỉnh, có những công việc rất quan trọng đó là thực hiện các điều ước đã được ký kết giữa Việt Nam với ba nước láng giềng, liên quan đến công tác hoạch định biên giới, và công tác phân giới cắm mốc.

Còn tuyến trên biển, chúng ta, cùng với nhiều nước khác trên Biển Đông và các vùng biển quốc tế và cũng tuân thủ nghiêm túc theo Công ước Luật Biển 1982. Tôi rất mong muốn trong thời gian tới, chúng ta sẽ tăng cường hợp tác theo nghĩa rất rộng: từ vấn đề hợp tác để khai thác các nguồn tài nguyên trên biển cho đến hợp tác bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, nghiên cứu khoa học, hợp tác về chống tội phạm…

Đối ngoại độc lập tự chủ

Với đường lối đối ngoại được đề ra, đâu là điểm nhấn trọng tâm trong văn kiện Đại hội XIII, thưa ông?

Trước hết, các văn kiện đánh giá tình hình có những thuận lợi về mặt môi trường đối ngoại, như hòa bình hợp tác phát triển là xu thế lớn, quá trình toàn cầu hóa và liên kết kinh tế vẫn tiếp tục, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4… Bên cạnh đó, chúng ta cũng đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức trong môi trường quốc tế và khu vực.

Đặc biệt là những biến động rất lớn từ những thách thức an ninh phi truyền thống, điển hình là tác động của đại dịch COVID-19 trong hơn một năm qua, cũng như tác động rất lớn từ bão lũ lịch sử tại miền Trung, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia…

Chính vì vậy, bên cạnh những thuận lợi, cần hết sức chú ý đến những khó khăn, thách thức, đặc biệt những diễn biến mới hoặc vấn đề mới xuất hiện. Trên cơ sở đó, chúng ta vẫn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại đã đem lại những thành tựu phát triển của đất nước và được sự ủng hộ rộng rãi của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Đó là đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam là bạn, là đối tác trách nhiệm, tin cậy trong cộng đồng quốc tế; đa phương hoá, đa dạng hoá và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc dựa trên luật pháp quốc tế, bình đẳng giữa các quốc gia.

Lần này có điểm nhấn là chúng ta đặt nhiệm vụ đối ngoại phải phát huy vai trò tiên phong trong tạo dựng và gìn giữ môi trường hoà bình, tranh thủ điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển và đổi mới đất nước cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam.

Văn kiện cũng nêu rõ, đối ngoại gồm ba trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Đây là ba lực lượng đã phát huy tác dụng trong quá trình kháng chiến để nâng cao vị thế của đất nước, tranh thủ ủng hộ của quốc tế kể cả tinh thần và vật chất trong quá trình đổi mới thời gian qua. Nhưng đây là lần đầu tiên trong văn kiện của Đại hội Đảng nêu rõ ba trụ cột này.

Để thực hiện điều đó, chúng ta phải xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại có năng lực cao hơn, có trình độ tốt hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là xây dựng nền ngoại giao toàn diện và hiện đại. Bên cạnh đó, chúng ta không những là thành viên có trách nhiệm mà còn là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế.

Bởi trong bối cảnh, tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến phức tạp, việc chúng ta là thành viên tích cực cũng góp phần tạo môi trường quốc tế và khu vực thuận lợi hơn cho đất nước. Hiện nay chúng ta có điều kiện năng lực tốt hơn để làm việc này. Cộng đồng quốc tế và khu vực cũng rất hoan nghênh, ủng hộ Việt Nam.

Cảm ơn ông!
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.