Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Thi tốt nghiệp THPT, xử lý không khéo, việc nhỏ có thể thành việc lớn

0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Thi tốt nghiệp THPT, xử lý không khéo, việc nhỏ có thể thành việc lớn
TPO - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định trong một số tình huống, nếu xử lý không khéo, việc nhỏ có thể thành việc lớn. Cách ứng xử của con người trong từng tình huống sẽ quyết định thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ngày 2/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn và Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã đến khảo sát, kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, Thứ trưởng nhấn mạnh tới 3 từ khóa: An toàn, an ninh và an tâm.

Không điều động cán bộ có yếu tố dịch tễ làm thi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tỉnh Khánh Hòa có 14.642 thí sinh dự thi tại 34 điểm thi và 628 phòng thi. Tỉnh đã huy động 1.388 cán bộ coi thi và gần 1000 cán bộ làm công tác hỗ trợ tổ chức kỳ thi.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa, ông Võ Hoàn Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh cho biết, tới thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị trên toàn tỉnh Khánh Hòa đã được thực hiện khẩn trương và nghiêm túc. Với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngoài các phương án bố trí phòng thi dự phòng tại các điểm thi, các phương án vệ sinh phòng dịch, bố trí nhân viên y tế tại các điểm thi cũng được chú trọng. Sở GD&ĐT đã phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, thống kê thí sinh đăng ký dự thi, cán bộ, giáo viên, nhân viên được điều động tham gia công tác thi có liên quan đến dịch tễ nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng.

“Chúng tôi không điều động cán bộ, giáo viên, nhân viên liên quan đến yếu tố dịch tễ tham gia công tác thi. Thí sinh thuộc diện F sẽ thi đợt 2”, ông Hải nói và cho biết thêm, hết ngày 2/7 tỉnh sẽ có thống kê các trường hợp thí sinh có yếu tố dịch tễ, sau đó sẽ quyết định có tổ chức thi đợt 2 hay không. Theo ông Hải, nếu số lượng thí sinh dự thi đợt 2 ít, Sở sẽ có kế hoạch gửi đến những hội đồng thi khác. Ví dụ như năm 2020, đợt 2 toàn tỉnh có 6 thí sinh nên Sở đã gửi các em đến dự thi tại Hội đồng thi Đắk Lắk.

Cũng để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, năm nay mỗi Điểm thi của tỉnh Khánh Hòa sẽ bố trí 2 nhân viên y tế, tăng thêm 1 người so với kỳ thi năm trước.

Ông Võ Hoàn Hải chia sẻ, do số lượng nhân sự tham gia công tác thi quá lớn, gần như toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường trực thuộc Sở GD&ĐT đã được huy động, năm nay còn phải điều động thêm giáo viên bậc THCS. Đại diện Sở Y tế Khánh Hòa cũng cho biết ngoài lực lượng tham gia vòng trong, Sở bố trí thêm 140 cán bộ nữa để làm nhiệm vụ đo thân nhiệt cho thí sinh, những người liên quan đến khu vực thi từ vòng ngoài.

“Người lớn hãy dành phần khó về mình”

Làm việc với Ban chỉ đạo thi tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết cán bộ, giảng viên trường ĐH Nha Trang được Bộ điều động làm nhiệm vụ công tác kiểm tra thi tại địa phương. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh thời gian tới chưa thể lường trước, vì vậy, rất mong UBND tỉnh có kế hoạch chuẩn bị lực lượng dự trù từ trường cao đẳng đóng trên địa bàn để có thể huy động khi có tình huống phát sinh.

Về vấn đề đảm bảo an ninh, trật tự cũng như phòng chống tiêu cực trong thi cử, ông Nguyễn Chí Thành, A03, Bộ Công an cho hay, theo quy định, những nơi in sao đề thi đã được đặt máy phá sóng. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế tại một số nơi, có địa phương trong khu vực thi và in sao đề thi được trang bị máy photocopy rất hiện đại, có thể bắt sóng wifi. Do đó, ông Thành khuyến cáo địa phương cần làm theo đúng quy chế, chỉ sử dụng những thiết bị không có khả năng bắt, phát wifi và có thẻ nhớ trong khu vực thi.

Phát biểu với Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Khánh Hòa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá cao sự chuẩn bị của địa phương. Nhắc đến 3 từ khóa: An toàn - An ninh - An tâm, Thứ trưởng đồng thời lưu ý Ban Chỉ đạo thi tỉnh Khánh Hòa về một số việc cụ thể cần thực hiện để tổ chức tốt kỳ thi. Trong đó, “an toàn” là an toàn sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông... “An ninh” là đảm bảo cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, từ công tác bảo mật đề thi, bài thi, coi thi, chấm thi, tới công bố kết quả thi…

Từ khóa “an tâm” được Thứ trưởng lý giải, trong điều kiện dịch bệnh, nên mọi việc trước hết là để cho thí sinh an tâm dự thi; cán bộ, giáo viên an tâm làm thi; xã hội an tâm với kỳ thi. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức kỳ thi có thể xảy ra các tình huống phát sinh, cách xử lý cũng phải làm sao giúp cho thí sinh cảm thấy an tâm.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trong tổ chức kỳ thi phải tuân thủ Quy chế, hướng dẫn thi, trong đó, người lớn hãy dành phần khó về phía mình, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Thứ trưởng lấy ví dụ, nếu như trong tình huống ngay tại trường thi phát hiện một thí sinh F1, F2, cách xử lý dễ nhất là sẽ cho các em cách ly và dừng thi, nhưng nếu suy nghĩ đến quyền lợi cho các em, khi đó việc ra quyết định xử lý tình huống sẽ cân nhắc hơn. “Trong một số tình huống, nếu xử lý không khéo, việc nhỏ có thể thành việc lớn. Cách ứng xử của con người trong từng tình huống sẽ quyết định thành công kỳ thi”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái
Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái
TPO - Nhiều ngày nay, bất kể thời tiết nắng nóng gay gắt, khắp các tuyến đường giao thông nông thôn tại huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) rộn rã tiếng hô hào của người dân đang cùng nhau đan rọ, bê đá, vá đường nhằm thông tuyến để bà con đi lại thuận tiện.