Thử tìm nguyên nhân trở lại của điểm 10 môn Văn?

Thử tìm nguyên nhân trở lại của điểm 10 môn Văn?
Đề thi không khó, bám sát chương trình học, thị trường sách tham khảo phong phú... là một trong những nguyên nhân xuất hiện trở lại điểm 10 môn Văn sau nhiều năm vắng bóng.
Thử tìm nguyên nhân trở lại của điểm 10 môn Văn? ảnh 1
Thu Trang - "Tác giả" bài thi điểm 10 môn Văn

Chúng tôi cũng đã đề xuất với Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế mong muốn được tiếp xúc với “tác phẩm”, và được phép đăng tải bài thi này lên báo.

Đó cũng là mong mỏi của đông đảo độc giả, thuộc nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, quan điểm của ông Trưởng ban Đào tạo ĐH Huế là hãy để yên cho em Trang học, đừng ồn ào, gây nên những xáo trộn trong cuộc sống.

Ông Phó ban Đào tạo thì nói rằng: Hãy xem đó là điều bình thường vì năm nào cũng có rất nhiều điểm 10.

Ông đã đánh đồng điểm 10 môn Văn với điểm 10 các môn khác. Nhưng nếu môn Văn giống như các môn khác thì làm gì có chuyện... hơn 10 năm vắng bóng điểm 10 ở Hội đồng thi ĐH Huế? Cũng như làm gì có chuyện một học sinh giỏi Văn ở Hà Nội đã đốt “ngôi đền thiêng” của văn học Việt Nam - bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc -  trong kỳ thi học sinh giỏi Văn thành phố Hà Nội năm học vừa qua.

Thành thật mà nói, khi viết về chân dung của Thu Trang chúng tôi còn có một mong muốn khác. Chúng tôi muốn qua bài viết này góp phần lý giải về sự xuất hiện trở lại của điểm 10 môn Văn trong kỳ thi đại học.

Trước hết là thực trạng đáng buồn là khi Hội đồng thi chưa ráp phách chúng tôi cũng đã thử dự đoán bài thi điểm 10 này của ai. Rất nhiều phiếu tập trung vào các em học sinh chuyên văn của trường Quốc học Huế. Nhưng nhận định này bị loại trừ.

Một giáo viên chuyên Văn cho biết: Những em được giải quốc gia không dự thi vì đã được tuyển thẳng. Những gương mặt còn lại đều dự thi khối C, và không ai có thể làm nên điều bất ngờ này.

Rất có thể là học sinh Quốc học nhưng không phải học sinh lớp chuyên Văn mà sẽ là lớp chuyên Anh! Ở đó có những gương mặt “sáng” hơn. Có lý. Vì hiểu trò thì không ai bằng thầy.

Mặt khác, đã nhiều năm nay trường Quốc học Huế, cũng như các trường chuyên lớp chọn ở nhiều địa phương khác, chỉ tuyển chọn được những học sinh giỏi Văn thuộc tốp 2 vào lớp chuyên Văn. Có một sự thật, vẫn có những học sinh rất giỏi môn Văn, rất yêu thích môn Văn, nhưng buộc phải xem môn Văn là “ngoại đạo”, đã  không... “chọn lối này” vì một lý do tế nhị.

Đó cũng là một nguyên nhân nhiều năm nay thiếu vắng điểm 10.

Qua hỏi chuyện Thu Trang và những giáo viên đã giảng dạy, bồi dưỡng Trang về môn Văn chúng tôi dần dần hình dung ra điểm 10 môn Văn vì sao đã xuất hiện trở lại.

Đó là đề thi bám sát SGK, không đánh đố học sinh, không quá khó, học sinh học lực trung bình nếu chăm chỉ có thể làm được bài. Thị trường sách tham khảo rất phong phú, học sinh có nhiều chỗ tin cậy để được học thêm môn Văn, được định hướng đúng để lựa chọn sách tốt, sách hay.

Cũng cần nói thêm là do có sự đổi mới cách ra đề. Một số giáo viên phổ thông được mời phản biện đề cho nên đề sát đối tượng, sát với chương trình, trình độ học sinh, nhưng vẫn phân loại được chất lượng học sinh qua bài thi.

Bởi vì đề thi có những đòi hỏi về tư duy lôgic, tư duy hình tượng, kỹ năng vận dụng các phân môn Lý luận văn học, Ngôn ngữ; đòi hỏi có sự so sánh giữa các tác gia, tác phẩm, tránh được tình trạng sao chép bài giảng của thầy, nếu chỉ học thuộc lòng thì không thể đạt điểm cao.

Cũng nhờ cách đổi mới ra đề thi nên học sinh phổ thông, đặc biệt là học sinh tỉnh lẻ, từ vài năm nay đã không nhất thiết phải lên chốn đô thành tìm “lò” luyện thi như trước đây. Cũng là lý do để những em như Thu Trang chỉ học luyện thi vào năm cuối cùng của bậc học phổ thông, và học ngay với các thầy, cô giáo trong trường THPT mà vẫn đạt điểm cao, điểm tuyệt đối.

Xu hướng học sinh tìm về với giáo viên dạy THPT học luyện thi đang tăng dần. Vì giáo viên THPT là người chuyên giảng dạy về văn học Việt Nam. Họ nắm vững kiến thức, chương trình SGK, những bài luyện thi là sự bổ sung, mở rộng, phát triển, nâng cao, chứ không phải những bài học lại từ đầu, những bài trùng lặp nội dung giữa học ở trường và học ở “lò” luyện thi.

Họ chuyển đổi rất nhanh về cơ cấu chương trình cũng như phương pháp luyện thi khi Bộ GD - ĐT đã đổi mới cách ra đề; đề thi do Bộ ra chứ không phải do từng trường đại học ra như trước nữa.  

MỚI - NÓNG