'Thử thách Cá voi xanh' đe dọa người trẻ

Thử thách Cá voi xanh nhằm đến đối tượng học sinh, thanh niên
Thử thách Cá voi xanh nhằm đến đối tượng học sinh, thanh niên
TPO - Thông tin trò chơi mang tên “Cá voi xanh” (Blue Whale Challenge) đang tràn vào Việt Nam gây xôn xao dư luận, nhất là khi trò chơi này được cảnh báo nhắm đến đối tượng học sinh. Trước tình hình này, nhiều trường học tại TPHCM đưa ra lời cảnh báo.

Từ ảo đến thật

Chị Nguyễn Hoài Thu (30 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) kể, lo lắng trước trò chơi Cá voi xanh quay trở lại Việt Nam, chị dò hỏi con trai đang học lớp 6 có biết trò này không. Nghe con bảo đã từng chơi qua mà chị muốn… xỉu. “Con tôi kể trong lớp có mấy bạn chơi nên rủ chơi thử cho biết. Cháu nói là con trai mà chưa từng thử qua trò này là… không đáng mặt đàn ông. May mắn là khi chơi đến tập thử thách làm tổn thương cơ thể, con tôi đã không tiếp tục nữa mà dừng lại chứ không thì hậu quả ra sao, mình không dám nghĩ đến” – chị Thu nói.

Lân là trò chuyện, làm quen với nhiều em học sinh, thật bất ngờ khi nghe hỏi về trò chơi này, rất nhiều em biết luật chơi và đã từng thử qua. Đỗ Thị Hồng Hải (12 tuổi, học sinh lớp 8 một trường THCS ở Q.3) cho biết dù chưa chơi lần nào nhưng nắm rõ luật chơi, và có thể kể tường tận cách thức chơi. “Nhiều game trên mạng có các trò tương tự thế này lắm. Đó là các bước thử thách mà mình phải thực hiện để khẳng định bản thân mình. Ví dụ như xem một bộ phim kinh dị, hay leo lên một cây cao… Đó là những việc mà mình chưa từng làm hoặc chưa dám thử. Nếu vượt qua được hết các thử thách mà trò chơi đưa ra thì mình là người chiến thắng” – Hải chia sẻ.

'Thử thách Cá voi xanh' đe dọa người trẻ ảnh 1 Những thử thách của trò chơi này thường kết thúc bằng cái chết

Theo tìm hiểu, trò chơi Cá voi xanh này đã xuất hiện ở TPHCM từ khoảng vài tháng trước, tuy nhiên được che đậy dưới dạng ứng dụng game trên mạng nên ít người để ý đến. Bên cạnh đó, các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube… cũng tràn ngập clip mời gọi tham gia trào lưu chết người này. Nhiều học sinh nói trôi chảy về trào lưu này từ nước ngoài, hướng dẫn cách chơi ra sao… để kêu gọi, lôi kéo người chơi tham gia. Mỗi clip đều thu hút lượng lớn người xem và chia sẻ, nhiều em còn để lại comment (bình luận): “Tò mò quá, muốn chơi quá”, “Có bạn nào tham gia cùng mình không?”…

Võ Tường Minh (học sinh lớp 9, H. Hóc Môn) tâm sự: “Việc học căng thẳng kèm theo áp lực từ gia đình nên thỉnh thoảng em có chơi game để xả stress. Vài tháng trước em có thấy lời mời gọi từ các ứng dụng về trò chơi này. Họ nói đúng tâm sự mình lắm, đó là những bất ổn tâm lý mà mình muốn giải tỏa. Vì tò mò nên em tải về chơi. Lúc đó em chưa biết tác hại của trò chơi này, có những bước em thấy vô lý nhưng vì tính hiếu thắng, muốn trở thành người giỏi nhất nên em tiếp tục hoàn thành những thử thách. May mà gia đình phát hiện kịp thời đã “cai nghiện” được cho em, nếu không chắc em có muốn thoát cũng khó”.

Trách nhiệm của người lớn

Không phải đến trào lưu Cá voi xanh, người trẻ mới tham gia vào các trò chơi hủy hoại bản thân mình mà trước đó, người trẻ cũng đã tự rạch tay, khoe thân, nhảy cầu… để câu like, để chứng tỏ bản thân mình… Câu hỏi đặt ra là tại sao đối tượng trẻ vị thành niên lại chiếm số đông trong các trào lưu này? Tại Việt Nam, dù chưa có nghiên cứu chính thức nhưng từ thực tế các trường hợp xảy ra thời gian qua cũng cho thấy một mẫu số chung là những em bị cuốn vào các trào lưu nguy hiểm đều có tâm lý muốn được thừa nhận, muốn tự khẳng định mình do thiếu sự chăm sóc của gia đình.

BS CKII Lâm Hiểu Minh, đơn vị tâm lý lâm sàng BV Đại học Y dược TPHCM cho biết, khoảng 30% bệnh nhân đến điều trị tâm lý đều là người trẻ. Trong đó, có những người tham gia những nhóm mà rủ nhau rạch tay, sau đó chụp hình khoe trên mạng xã hội. “Trào lưu Cá voi xanh hay những trào lưu khác, thì đối tượng tham gia đều ở độ tuổi vị thành niên và thanh thiếu niên trẻ. Theo đó, tôi thấy những người tham gia các trò này đều đang có những vấn đề về thần kinh chứ không phải vì chơi trò này mới bị tâm thần. Người tổ chức ra nhóm này cũng có vấn đề về tâm lý và tâm thần như rối loạn nhân cách, bệnh trầm cảm, loạn tâm thần… khiến họ mới tạo ra một nhóm để lôi kéo người khác cùng tham gia” – BS Minh nói.

'Thử thách Cá voi xanh' đe dọa người trẻ ảnh 2 Trẻ cô đơn, stress... dễ dàng bị lôi kéo vào trào lưu chết người này

Theo BS Minh, lứa tuổi này hay có đặc tính hay bắt chước, muốn khẳng định mình. Do đó cha mẹ có con đến độ tuổi này cần phải quan tâm, lắng nghe, nói chuyện, tâm sự cùng con… Nhiều gia đình mà phụ huynh quá bận rộn, thậm chí không có thời gian dành cho con. Đây là một trong những nguy cơ tiềm ẩn rất lớn khiến trẻ dễ bị kẻ xấu lôi kéo. “Bệnh này có thể điều trị được nhưng cần phải phát hiện sớm để điều trị kịp thời, nếu không sẽ dễ dẫn đến tình trạng tự sát. Khi thấy con có những dấu hiệu không bình thường, hay thẫn thờ, nói chuyện một mình, có khi lại nhắc đến cái chết thì cha mẹ phải đưa ngay đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc chuyên viên tâm lý tâm thần, phải được điều trị bằng thuốc men và nhiều biện pháp khác” – BS Minh tư vấn.

Theo luật sư Trần Thu Nam, những người có hành vi xúi giục người tham gia dẫn đến tự sát hoặc giúp người khác tự sát, từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Mức độ nặng có thể bị phạt tới 7 năm tù. Tuy nhiên, việc phát tán trò chơi thì chưa có quy định xử lý hình sự với người phát tán, rủ rê. “Nếu có thông tin trò chơi này đã bắt đầu có ở Việt Nam thì cần có biện pháp xử lý, phòng ngừa ngay chứ đừng đợi đến lúc gây ra hậu quả rồi mới xử lý hình sự” – luật sư Nam lưu ý.

BOX

“Chúng tôi đã ghi nhận và tìm hiểu, thấy rằng đây là trò chơi không phù hợp cho học sinh các cấp. Đề nghị các nhà trường thông tin, giải thích cho học sinh, phụ huynh học sinh được rõ và không tham gia trò chơi. Và mong cha mẹ học sinh hỗ trợ, tương tác với nhà trường, thông báo, kết hợp với trường, giáo viên chủ nhiệm để kịp thời ngăn chặn và giải quyết nếu đã có con em nghiện đến mức nguy hiểm” - ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM nói và cho biết sẽ có văn bản cảnh báo chính thức gửi các trường lưu ý học sinh về trò chơi nguy hiểm này.

Thử thách Cá voi xanh nguy hiểm như thế nào?

Blue Whale Challenge (Thử thách cá voi xanh) là một trò chơi truyền thông xã hội xuất hiện cách đây vài năm trên thế giới. Trò chơi này bắt đầu từ nước Nga.

Trong vòng 50 ngày, người chơi phải thực hiện các thử thách từ bình thường đến nguy hiểm: vẽ cá voi xanh, xem phim kinh dị, sử dụng vật sắc nhọn để tạo hình cá voi xanh trên da… Trò chơi sẽ kết thúc khi người dũng cảm tự kết liễu đời mình, giống những con cá voi xanh tự lao lên bãi biển để tự kết liễu cuộc đời và được cộng đồng mạng công nhận là “người chiến thắng”.

Tại nước Nga, đã có khoảng 130 thanh thiếu niên tự tử khi tham gia trào lưu này. Sau đó, trò chơi lan nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Anh, Tây Ban Nha…

Gần đây, có thông tin một số học sinh tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang chơi trò chơi này nhưng ngành giáo dục huyện Cái Bè và Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cái Bè đã bác bỏ thông tin trên.

MỚI - NÓNG