Thử tài của bạn: Trắc nghiệm về lực lượng Dân quân tự vệ

Thử tài của bạn: Trắc nghiệm về lực lượng Dân quân tự vệ
TPO - Dân quân tự vệ là lực lượng bán vũ trang, được tổ chức biên chế ở cơ sở và có vai trò hết sức quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương; đồng thời là lực lượng quan trọng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc khi có chiến tranh xảy ra.

1.      Ngày truyền thống của lực lượng Dân quân tự vệ là ngày nào?

A.    20/3

B.     24/3

C.     28/3

Đáp án đúng: C

Tháng 3/1935, tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc), ngoài những Nghị quyết chỉ ra đường lối cách mạng về các mặt công tác để chuẩn bị điều kiện cho phong trào cách mạng Đông Dương bước sang một thời kỳ mới; Đại hội đã có “Nghị quyết về đội tự vệ” được thông qua ngày 28/3/1935. Đây là một mốc son lịch sử của Dân quân tự vệ Việt Nam và ngày 28/3 hằng năm là Ngày truyền thống của lực lượng Dân quân tự vệ.

2.      Đặc điểm của dân quân tự vệ là gì?

A.    Là lực lượng tự phát, do địa phương tự tổ chức và chỉ có nghĩa vụ bảo vệ địa phương

B.     Là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác

C.     Là lực lượng bao gồm các công dân thuộc mọi độ tuổi

Đáp án đúng: B

Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh. Lực lượng này được tổ chức ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) gọi là dân quân; được tổ chức ở cơ quan của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ.

3.      Người chỉ huy thống nhất của lực lượng Dân quân tự vệ là ai?

A.    Bộ trưởng Bộ Công an

B.     Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

C.     Chủ tịch nước

Đáp án đúng: B

Theo Luật Dân quân tự vệ ban hành năm 2009, Dân quân tự vệ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý, điều hành của Chính phủ mà trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp; sự chỉ huy thống nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và sự chỉ huy trực tiếp của chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương.

Trong trường hợp chưa đến mức ban bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp nhưng cần thiết sử dụng dân quân tự vệ thì thẩm quyền điều động được quy định như sau: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam điều động dân quân tự vệ trong phạm vi cả nước.

4.      Độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình là bao nhiêu?

A.    Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ

B.     Công dân nam từ đủ 20 tuổi đến hết 47 tuổi, công dân nữ từ đủ 20 tuổi đến hết 42 tuổi có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ

C.     Công dân nam từ đủ 25 tuổi đến hết 50 tuổi, công dân nữ từ đủ 25 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ

Đáp án đúng: A

Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia dân quân tự vệ thì có thể đến 50 tuổi đối với nam, đến 45 tuổi đối với nữ.

5.      Nhân vật được nhắc đến trong đoạn thơ “Chuyện cô du kích xóm Lai Vu/Rắn quấn bên chân, vẫn bắn thù/Mỹ hại trăm nhà, lo diệt trước/Rắn, mình em chịu, có sao đâu!” của nhà thơ Tố Hữu là ai?

A.    Nữ dân quân tự vệ Phạm Thị Viễn (Hà Nội)

B.     Nữ dân quân tự vệ Bùi Thị Vân (Hải Dương)

C.     Nữ dân quân tự vệ Ngô Thị Hồng Thương (Hà Tĩnh)

Đáp án đúng: B

Nhân vật được nhà thơ Tố Hữu nhắc tới trong bài thơ "Tâm sự" của mình là bà Bùi Thị Vân tại xóm Lai Vu, Kim Thành, Hải Dương.

Khi giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc, cả nước thanh niên có phong trào 3 sẵn sàng, bà Vân khi đó chưa đầy 20 tuổi đã tình nguyện tham gia và được kết nạp vào trung đội du kích.

Năm 1965, ban phòng không xã nhận định địch có thể sẽ bắn phá cầu Lai Vu và trận địa pháo, bà được giao nhiệm vụ vào phân đội trực chiến bắn máy bay Mỹ bay ở tầng thấp bằng súng trường K44.

Chẳng may trước đó trời mưa, trong hố của bà có nước và xuất hiện một con rắn, khi người chỉ huy đang loay hoay tìm cách bắt thì tiếng còi báo động rú lên. Tất cả đều nhảy xuống hố. Máy bay Mỹ bổ nhào xuống cầu Lai Vu và trận địa pháo, hết tốp này đến tốp khác dội bom và bắn rốc két khắp nơi.

Bị quân và dân ta bắn trả quyết liệt, máy bay Mỹ bỏ chạy. Khi được lệnh thu dọn súng đạn, bà mới nhớ ra có rắn đang ở bên chân mình, máu chân đã chảy ra lẫn cả bùn.

"Có người hỏi tôi: Mày có sợ rắn không? Trước đó em sợ lắm nhưng khi chiến đấu em quên hết cả sợ, rắn nó có cắn mình em chịu, chứ giặc Mỹ đem bom bắn phá quê hương, hại nhiều người nên em bắn máy bay đã", bà Vân nhớ lại.

Sau trận đánh đó bà được giao làm liên lạc cho ban chỉ huy xã. Đầu đội mũ rơm với lá ngụy trang chạy giữa giao thông hào với bom đạn, rốc két bắn khắp nơi, cô du kích nhỏ ấy còn được bộ đội đặt tên "con thoi trong tuyến lửa".

MỚI - NÓNG