Thú rừng ồ ạt lên bàn nhậu

Thú rừng ồ ạt lên bàn nhậu
Bất cứ con gì có thể ăn được, đánh bẫy, săn bắn được từ rừng đều được chuyển đến bàn nhậu của các đại gia. Sang thì tay gấu, gân hổ hầm, linh miêu hấp bia, tê tê, rùa vàng; bình dân thì thịt cheo, cầy vòi bảy món, hươu nai, lợn rừng... món gì cũng có.

Nằm cách Hà Nội chừng 50km, từ chục năm trở lại đây, đất Lương Sơn (Hòa Bình) nổi tiếng với thịt thú rừng từ bình dân cho đến cao cấp.

Không cần giấu giếm cơ quan chức năng như tại Hà Nội, nhà hàng nào trên phố thịt thú rừng Lương Sơn cũng treo lủng lẳng đùi hươu, nai, cheo, hoẵng trước cửa để quảng cáo, hút khách.

Các nhà hàng đặc sản thịt thú rừng ở Lương Sơn chủ yếu nằm dọc quốc lộ 6, thiết kế theo kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc, tầng trên là nơi nhậu, tầng dưới để xe, nhà bếp. Không gian thoáng đãng của phố núi, nhất là sự cung kính, chiều chuộng của chủ nhà hàng đến nhân viên chạy bàn đã được dân ăn thịt thú rừng đánh giá đây là phố đặc sản ưa thích nhất miền Bắc.

Bước vào nhà hàng, hàng chục bình rượu bày sẵn, khách thích loại nào, bìm bịp, bào thai hoẵng, dê hay thập toàn đại bổ đều có cả. Dưới bếp, mùi thơm phưng phức bốc lên khiến những cánh mũi sành ăn cứ phập phồng.

Món ăn của Lương Sơn bao giờ cũng đảm bảo tươi sống, hàng để tủ lạnh không bao giờ được đem ra phục vụ các đại gia. Một con cheo được đem ra, chỉ sau tiếng "phựt", tiết cheo chảy òng ọc ra bát, con cheo chỉ kêu được vài tiếng chí chóe trước khi bị ném vào nồi nước sôi để làm lông. Khoảng 20 phút sau, con cheo hấp được đem ra phục vụ thực khách.

Đằng sau dãy quán, hàng chục lồng, chuồng trại nhốt thú rừng rộng đến cả trăm mét vuông. Ông Trung, chủ quán HM, cười hềnh hệch: "Toàn thú rừng xịn đấy, anh bán cho các chú thì ít, còn lại phân phối cho hàng xóm nữa chứ".

Hóa ra ông chủ nhà hàng vốn là dân thợ săn chuyên nghiệp, khi chuyển nghề vẫn còn mối anh em bạn nghề khắp chốn cùng nơi, cứ săn được thú lại chuyển về Lương Sơn bán cho ông Trung.

Mỗi con thú rừng, theo ông Trung, có độ bổ khác nhau, như thịt cheo đàn ông ăn thì bà xã khen, thịt gấu thì chỉ tăng cường sức khỏe thôi. Quí nhất vẫn là pín hổ, nhưng món này khó kiếm, cả năm may ra có một lần có hàng để bán.

Dọc đường 6, đoạn qua Lương Sơn có đến 40-50 nhà hàng đặc sản thịt thú rừng, đó là chưa kể đoạn rẽ vào ATK (an toàn khu) cũng không ít nhà hàng mọc lên, phục vụ thực khách có nhu cầu ăn nhậu kín đáo. Cuối tuần, phố đặc sản thú rừng Lương Sơn phục vụ cỡ vài trăm khách, nghĩa là vài chục con thú bị hóa kiếp để những ông khách sướng cái mồm.

Món ngon vật lạ dành cho ai?

Thú rừng ồ ạt lên bàn nhậu ảnh 1

Chú cầy vòi chuẩn bị lên đĩa

"Cần gì lên Lương Sơn, cứ ở Hà Nội cũng đầy hàng thịt hổ, báo, đắt một tí nhưng ngon gấp vạn lần Lương Sơn". Nói xong, S. "cọ”, một đại gia sành sỏi về đặc sản thú rừng, lôi tôi đi thẳng đến quán nhậu T trên phố Quốc Tử Giám. "Chú biết con gì đây không? Cầy vòi đấy, 12 cái vòi, vị chi 12 con, riêng cái đĩa này 600.000 đồng".

"Thuyết giảng" về độ bổ của thịt cầy vòi xong, S. "cọ” kể hàng loạt món ngon từ động vật rừng để khẳng định cái tài ăn thịt thú rừng của hắn. S. tự hào chưa món gì của rừng xuất hiện trên thị trường mà hắn chưa xơi, từ con gà, con nhím cho đến thịt hổ, thịt báo, chỉ cần nhà hàng nào có món lạ, vài tiếng sau hắn đã biết và có thể trở thành thực khách đầu tiên được tận hưởng món ngon vật lạ đó.

Quán bia T tại phố Quốc Tử Giám là nơi bán thịt thú rừng rẻ nhất Hà Nội. Bia tự nấu là một đặc sản của nhà hàng, cộng thêm món thịt thú rừng bình dân, năm vị khách nhậu thịt thú rừng no say cũng chỉ hết khoảng 1,5 triệu đồng. Chủ yếu chỉ là cầy vòi, lợn rừng, nhím nhưng nhà hàng cũng nổi danh từ đó vì thực khách tốn ít tiền mà được tận hưởng món lạ.

Sang hơn, quanh Hà Nội có không ít tên tuổi nhà hàng gắn với thịt thú rừng nằm rải rác trên các phố Hàng Chuối, Quán Sứ, Tông Đản... Có những nhà hàng gắn liền với tên tuổi đầu bếp cũng như món ăn được chế biến. Đầu bếp M. của nhà hàng T trên phố Tông Đản nổi danh với món hổ khắp đất Hà thành. Hai món sở trường của ông M. là gân hổ hầm và thịt hổ xào lăn.

S. kể cách đây ba năm, mấy đại gia mới nổi đánh được một con hổ từ Lào về VN nấu cao đã phải thuê ông M. gần 10 triệu đồng chỉ để chế biến chục món từ hổ nhằm tổ chức bữa tiệc sinh nhật. Sau phi vụ này, ông M. được "lại quả” thêm mấy cân thịt hổ phục vụ khách của nhà hàng.

Nhưng chuyện được "lại quả” cũng hãn hữu, nhà hàng thường có mối nhập từ vài nguồn rồi cất đông lạnh, khi có khách mới chế biến. Cỡ thịt hổ cũng vài trăm nghìn một đĩa xào lăn cho đến cả triệu đồng một tô gân hổ hầm thuốc bắc. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là các món thịt lợn rừng, nhím, hoẵng... với giá từ 100.000-200.000 đồng/đĩa tùy thực đơn nhà hàng.

Theo chân S. đến nhà hàng B trên phố Hàng Gà được S. coi là nhà hàng xịn nhất Hà Nội, bất cứ món gì cũng có. Tuy nhiên, nhà hàng cảnh giác tuyệt đối, không bao giờ để thú rừng ở nhà, chỉ khi nào khách có nhu cầu, nhân viên mới đi lấy và đem lại để quảng cáo.

Gọi một con cầy hương bốn người ăn với giá 2 triệu đồng, chỉ sau 10 phút, nhân viên nhà hàng đã mang "đương sự" đến trình diện. Sau đó chỉ 20 phút, từng món nhậu bắt đầu được mang lên, từ các món hấp, quay, xào sả ớt, món nào cũng thơm phức.

Ngoài thịt thú rừng, nhà hàng B tích trữ không dưới 30 loại rượu hảo hạng ngâm động vật cho khách hàng lựa chọn. Rẻ thì rượu mật gấu, đắt thì rượu ngâm nguyên con gấu, rượu ngâm pín hổ, gân nai, rắn hổ chúa...

Khách đến với nhà hàng B nói riêng và các nhà hàng đặc sản thịt thú rừng nói chung chỉ toàn đại gia hoặc cán bộ công chức. S. khẳng định chắc như đinh đóng cột, bởi lẽ cỡ công chức chẳng mấy người dám bỏ vài triệu bạc đi nhậu một bữa. Điển hình như nhà hàng B này, buổi trưa hầu như toàn xe biển xanh (xe công) đến ăn nhậu.

Khi thanh toán, nếu không có đại gia bao thầu thì viết hóa đơn tính vào tiền tiếp khách cơ quan. Cỡ vài triệu một buổi tiếp khách thì không ít cơ quan đồng ý mà không cần hỏi lý do. Nói đến nhà hàng B, một dân buôn ôtô "bật mí” đây là địa điểm ăn nhậu ưa thích của một số cán bộ Hà Nội. Đã có lần chính ông này được một vị lãnh đạo cấp sở ở Hà Nội dẫn đến ăn nhậu, việc thanh toán đã có lái xe lo.

Đó cũng là thực tế chung ở không ít nhà hàng. Tại buổi kiểm tra, bắt quả tang nhà hàng Nam Hải trên đường Thanh Xuân buôn bán động vật quí hiếm, khi cơ quan công an ập vào có cả chục xe biển xanh xếp hàng, từ biển 31A, 33C cho đến 97A... Ngay hôm đó, một số cán bộ xì xào có một vị giám đốc sở đang ăn trưa tại đây.

Trước đây không lâu, một đại gia ở Quảng Ninh từng bày một tiệc rượu đặc sản trị giá gần 30 triệu đồng tại nhà hàng Đ trên phố Liễu Giai để đãi khách. Thực đơn bữa nhậu gồm toàn các món ăn quí hiếm như rắn hổ chúa, rùa vàng, tê tê.

Kể về chuyện này, S. "cọ” khẳng định: "Những bữa tiệc, buổi nhậu tiêu tốn vài triệu đến hàng chục triệu đồng không còn là ít. Nhưng chỉ toàn đại gia hoặc quan chức". Và để cung cấp thịt thú rừng cho các nhà hàng đặc sản, hàng loạt đường dây cung cấp thú rừng mọc lên, kích thích việc đặt bẫy, săn bắt khiến tài nguyên rừng VN đã cạn ngày càng cạn kiệt.

Theo Minh Quang
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.