Thu phí tự động không dừng: Hơn 1 triệu ô tô dán thẻ, đang điều chỉnh lỗi

0:00 / 0:00
0:00
Dù đã về đích đúng hạn nhưng hệ thống thu phí tự động không dừng do Bộ GTVT triển khai vẫn gặp một số trục trặc và bất cập, gây phiền hà cho người sử dụng (làn thu phí tự động tại trạm BOT Hà Nội – Bắc Giang). Ảnh: Phạm Thanh
Dù đã về đích đúng hạn nhưng hệ thống thu phí tự động không dừng do Bộ GTVT triển khai vẫn gặp một số trục trặc và bất cập, gây phiền hà cho người sử dụng (làn thu phí tự động tại trạm BOT Hà Nội – Bắc Giang). Ảnh: Phạm Thanh
TP - Đã qua gần 4 tháng hệ thống thu phí tự động không dừng do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) triển khai đạt mục tiêu Thủ tướng đề ra nhưng hệ thống hoạt động vẫn còn một số trục trặc, gây phiền hà cho người sử dụng. Những bất cập nếu không sớm được khắc phục sẽ rất khó thuyết phục được người dân sử dụng dịch vụ này.

Vẫn bị trừ tiền oan

Bộ GTVT đã đạt tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng trên toàn quốc, với 2 nhà cung cấp là Công ty TNHH Thu phí tự động (VECT, thực hiện giai đoạn 1) và Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC, thực hiện giai đoạn 2) .

Những cập nhật thông tin cho biết về thu phí tự động cho thấy, số lượng xe lưu hành được dán thẻ phục vụ thu phí tự động không dừng đang tăng lên hằng ngày và đã lên tới cả triệu ô tô. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi có sự tham gia của Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC),hiện tại, hệ thống thu phí tự động không dừng vẫn còn một vài trục trặc nhất định, gây phiền hà cho người sử dụng.

Cụ thể, phản ánh với với PV Tiền Phong, anh Phạm Mạnh Hà (Hà Nội) chủ ô tô biển kiểm soát 30G-593.xx kể: Cuối tháng 2 vừa qua, xe anh dán thẻ ePass của VDTC, ngay lần đầu sử dụng trả phí tự động tại trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) đã gặp trục trặc. Theo anh Hà, sau khi qua trạm thu phí, điện thoại anh liên tiếp nhận được 2 tin nhắn trừ phí với số tiền bị trừ gấp đôi số phí phải trả. Thấy bất thường, anh Hà đã phản ánh với VDTC, rất may, nửa ngày sau khi số tiền bị trừ sai, tiền đã được trả quay về tài khoản.

Từ đầu năm tới nay, một số tài xế thường xuyên lưu thông qua các tuyến cao tốc như Pháp Vân - Ninh Bình, Hà Nội - Hải Phòng, Bắc Giang - Lạng Sơn... cũng phản ánh rằng, họ vẫn gặp phải một vài trục trặc khi trả phí tự động. Theo những lái xe này, xe mới dán thẻ ePass, tài khoản còn tiền, nhưng khi đi qua làn thu phí tự động lại không tự thanh toán được nên phải trả phí thủ công. Thậm chí, có xe không qua trạm thu phí cũng bị trừ tiền.

“Không thể đòi hỏi tất cả ô tô đều dán và sử dụng trả phí tự động. Lý do là có xe cả năm chỉ 1-2 lần qua trạm thu phí, thậm chí không qua trạm bao giờ hoặc chủ xe ở những tỉnh không có trạm thu phí nào thì họ không có nhu cầu dán. Xe dán thẻ và sử dụng trả phí tự động là xe thường xuyên qua các trạm thu phí BOT, xe kinh doanh. Do đó, sau này vẫn có làn thu phí thủ công để phục vụ các trường hợp đặc biệt”.

Ông Nguyễn Viết Huy, Bộ GTVT

Trong khi đó, anh Lê Văn Vũ (Hà Nội) chia sẻ, anh mua xe đã qua sử dụng, chủ xe trước đã dán thẻ trả phí tự động E-tag của VETC. Sau khi làm xong thủ tục mua bán, anh Vũ đã liên hệ VETC để sang tên tài khoản giao thông, nhưng nếu sang tên thì tiền còn lại trong tài khoản không được chuyển sang. Để lấy lại số tiền dư, chủ xe cũ phải trực tiếp tới văn phòng giao dịch của VETC làm thủ tục. Tương tự, muốn hủy dịch vụ chủ xe cũng phải trực tiếp tới điểm giao dịch chính để thực hiện.

Sau khi dùng hết tiền trong tài khoản, anh Vũ đã tới văn phòng VETC để hủy thẻ. Anh được nhân viên yêu cầu thực hiện 1 bản đăng ký mới để xác lập dịch vụ và 1 bản khai hủy dịch vụ. “Nhân viên giải thích rằng, phải làm 2 bước này để không ảnh hưởng tới chủ xe cũ, và hẹn sẽ xử lý trong khoảng 6-8 ngày làm việc. Dù trả phí tự động, có ứng dụng trên điện thoại, nhưng nhận lại tiền, hủy dịch vụ, sang tên phải làm thủ công, mất thời gian và bất tiện. Thấy lằng nhằng nên tôi tạm hủy dịch vụ, đợi khi nào thuận tiện hơn mới dùng lại”, anh Vũ nói.

Sai số trong giới hạn cho phép?

Mới đây, Bộ GTVT lập đoàn kiểm tra thu phí tự động tại một số trạm thu phí, đặc biệt là trạm tại các tuyến cao tốc, kết quả cũng ghi nhận một số bất cập cần chỉnh sửa. Những việc xảy ra như: xe dán thẻ, tài khoản còn tiền nhưng không trả được phí; xe dán thẻ của VDTC, đi qua trạm thu phí lắp đặt hạ tầng của VETC, hệ thống không xác nhận được số dư tài khoản; thẻ dán sai vị trí do nhân viên cho chủ xe tự dán; xe loại 1 lại dán thẻ cho xe loại 5; hệ thống của VDTC nhận diện cả biển số và thẻ, dẫn tới nhận diện sai biển số sang xe khác... Trước tình hình này, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ VDTC và VETC phối hợp, tập trung khắc phục lỗi, bất cập, xong trong tháng 4 này.

Bộ GTVT quản lý 77 trạm thu phí BOT, các địa phương quản lý 50 trạm thu phí. Tới ngày 1/1/2021, cả nước đã có 91 trạm thu phí BOT vận hành thu phí tự động không dừng.

Thống kê của Bộ GTVT cũng cho thấy: Hiện tại, Bộ GTVT quản lý 77 trạm thu phí BOT, các địa phương quản lý 50 trạm thu phí. Tới ngày 1/1/2021, cả nước đã có 91 trạm thu phí BOT vận hành thu phí tự động không dừng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT) cho biết, tới nay, hầu hết lỗi trên đã được khắc phục. Những lỗi còn lại nằm trong giới hạn cho phép là 0,02%, nhưng Bộ vẫn kiên quyết yêu cầu các nhà cung cấp tiếp tục khắc phục. Theo ông Huy, hệ thống của VDTC sử dụng ví điện tử ViettelPay kết nối với hơn 40 ngân hàng, đã tạo nhiều thuận lợi cho người sử dụng. VETC cũng tiếp tục đàm phán với các ngân hàng để liên thông tài khoản cá nhân thuận lợi hơn. Nhờ đó, đã có hơn 1 triệu xe dán thẻ, tỷ lệ xe sử dụng cũng tăng từ 30% năm trước lên hơn 50% trong năm nay.

Theo ông Huy, Bộ GTVT đang xây dựng thông tư về thu phí tự động để chuẩn hóa quy trình, quy định, trong đó, có thể nghiên cứu để chủ xe có nhu cầu được chuyển sử dụng dịch vụ từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác mà vẫn giữ thẻ và tài khoản giao thông. Tương tự chủ thuê bao điện thoại chuyển mạng mà vẫn giữ số thuê bao di động. Hiện nay, chủ xe muốn đổi nhà cung cấp phải hủy tài khoản và thẻ cũ, gây lãng phí và không cần thiết.

MỚI - NÓNG