Dù nhiều giải pháp được nêu lên nhưng xem chừng khó xác định giải pháp nào là bước đột phá khi mà nguyên nhân của thực trạng HS đạt điểm thấp môn Sử vẫn ngổn ngang.
Giáo viên thành “chiếc máy nói”, lỗi tại ai?
Theo Thạc sĩ Hà Thị Nga (chuyên viên môn Sử, Sở GD&ĐT Hải Phòng), nếu chỉ căn cứ vào điểm thi thì chất lượng dạy học môn Lịch sử của HS các trường THPT ở Hải Phòng những năm vừa qua không thấp lắm.
Nhưng một thực tế khác khó định lượng, đó là tồn tại phổ biến nạn học đối phó vì điểm với môn học này của HS. Vì thế, tình trạng HS “mù lịch sử dân tộc” có chiều hướng gia tăng (do thi xong là các em quên sạch kiến thức – PV).
Nhưng điều được Thạc sĩ Hà Thị Nga nói đến nhiều hơn trong tham luận của mình, đó là những mặt yếu về trình độ, tâm huyết, điều kiện làm việc... của giáo viên môn Lịch sử. Công việc của giáo viên Lịch sử được Thạc sĩ Hà Thị Nga mô tả: “Lúc nào cũng vội vã, nói nhiều, thậm chí hết giờ mà vẫn không dạy hết kiến thức của bài học. Giáo viên rất loay hoay trong việc tìm cách giảm tải cho giờ học”.
Những nhận định trên được nhiều đại biểu tham gia hội thảo đồng tình. TS Dương Huy Bằng (Khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng tình thế buộc “giáo viên lên lớp phải nói như máy” khi mà chương trình môn Lịch sử dàn trải tất cả vấn đề nhưng không chuyên sâu vào vấn đề nào.
TS Dương Huy Bằng dẫn chứng: “Bài “Sự xuất hiện loài người thời nguyên thủy” (lớp 10) có ba mục: Sự xuất hiện loài người và đời sống người nguyên thủy; Người tinh khôn và óc sáng tạo; Cuộc cách mạng đá mới. Với 35 phút/ tiết học (do giáo viên mất 10 phút ổn định lớp và kiểm tra bài cũ) thì không cách nào dạy hay được cả ba mục đó.
Chính tôi đã thử nghiệm thực hiện một tiết dạy hay, lôi cuốn, hấp dẫn ở trường THPT Bán công Nguyễn Tất Thành và kết quả là dạy chưa hết một mục tôi đã hết giờ!”.
Để giảm nhẹ “không khí kết tội chương trình”, GS TS Nguyễn Ngọc Cơ (Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội) nói vui: “Vẫn biết không nên dạy hết, dạy có chọn lọc, có chủ đề. Nhưng thi không như thế. Cứ có gì trong SGK là thi cái đó. Nếu dạy chọn lọc thì con cháu chúng ta trượt hết!”.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Xuân Trường (Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT) và TS Vũ Thị Ngọc Anh (Viện Chiến lược và chương trình GD, Bộ GD&ĐT) đều đăng đàn bày tỏ bất bình về cách đánh giá này. TS Vũ Thị Ngọc Anh khẳng định rằng kể cả ở những vùng sâu vùng xa, HS cũng không đến nỗi “mù lịch sử”; tình hình bi đát như Thạc sĩ Hà Thị Nga thể hiện có lẽ chỉ đúng với riêng Hải Phòng?
Còn TS Nguyễn Xuân Trường nói: “Nếu nghĩ một bài có ba mục giáo viên đều phải dạy hết là sai quan điểm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Không phải tất cả những gì có trong SGK là giáo viên phải “phát thanh” lại hết. Giáo viên phải bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng khi dạy học. Nếu truyền đạt hết những gì viết trong SGK thì giờ học nặng nề, ôm đồm”.
SGK: Mỏng mà nặng
GS TS Nguyễn Ngọc Cơ: “Theo chúng tôi (và nhiều giáo viên dạy Sử thừa nhận), chương trình môn học còn nặng. Khối lượng kiến thức phần Lịch sử Việt Nam dành cho các lớp chưa thật phù hợp. Ví dụ, với lớp 5 (HS 11 tuổi) nhưng người dạy và học phải tải một khối lượng kiến thức khổng lồ với 4 chủ đề lớn: Hơn 80 năm chống thực dân Pháp xâm lược và đô hộ (1858 – 1945); Bảo vệ chính quyền non trẻ, trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại (1945 – 1954); Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà (1954 – 1975); Xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước (1975 đến nay). Với khối lượng kiến thức lớn, nhiều thuật ngữ, nhiều khái niệm của một thời kỳ lịch sử dài đến vậy thì HS ở lứa tuổi 10 – 11 khó có thể tiếp thu và ghi nhớ (dù có giản lược đến đâu)”. |
Cũng như nhiều cuộc hội thảo khác bàn về chất lượng dạy học các môn học trong nhà trường, phần thực trạng được các đại biểu phản ánh tương đối giống nhau, nhưng chỉ ra nguyên nhân (và giải pháp phù hợp) là điều khó.
Một số ý kiến tập trung vào việc phân tích vai trò của người thầy để cho rằng khâu đột phá phụ thuộc vào hoạt động dạy học của giáo viên. PGS TS Trịnh Đình Tùng (Khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội), cùng một điều kiện chương trình – SGK như nhau, môi trường GD như nhau..., nếu ở đâu có thầy giỏi và tâm huyết thì ở đó sẽ có nhiều HS giỏi Sử.
Cũng trong xu hướng đổ lỗi cho người thầy, nhiều ý kiến cho rằng giáo viên có lỗi khi trò không xác định được mục tiêu “học sử để làm gì?”. Nhưng nghịch lý ở chỗ chính một số đại biểu sau khi chia sẻ thành công của địa phương mình (có kết quả thi Sử trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, tốt nghiệp THPT... cao hơn mặt bằng chung cả nước) cũng đã không giấu được nỗi buồn rằng phần lớn HS đều... sợ học Sử. Và thủ phạm chính để HS sợ học Sử là SGK!
Trong hội thảo, một đại biểu giơ cao cuốn SGK Lịch sử của nước ngoài (với độ dày gần 1.000 trang) và cuốn SGK Lịch sử của Việt Nam để so sánh: “Tôi thèm muốn đến bao giờ SGK của chúng ta dày dặn được như thế này!”.
Về độ dày mỏng của SGK, các đại biểu đều dễ dàng đi đến nhận định: SGK của chúng ta tuy mỏng nhưng nặng và dàn trải. TS Dương Huy Bằng nói: “Nặng hay nhẹ là do chương trình. Chương trình của chúng ta dàn trải và nhiều vấn đề nên SGK dù mỏng đến thế nào vẫn là “nặng”.
Với chương trình như hiện nay, SGK mỏng thế hay mỏng nữa vẫn nặng nề. Còn SGK càng được viết kỹ với nhiều dữ liệu, nhiều biểu bảng và tranh ảnh, HS càng thấy hấp dẫn”. Thầy giáo Nguyễn Mai Anh (giáo viên trường THPT chuyên Bắc Ninh) cũng thể hiện mong muốn: “Chúng tôi mong muốn SGK càng dài càng tốt!”.
Trong phần trình bày tham luận của mình, TS Trịnh Thanh Tùng (Khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội) nói: “Đặt mục tiêu làm sao để tất cả HS giỏi Sử là ảo tưởng vì đã dạy học tất yếu có phân hóa. Nên chăng hãy tìm cách làm sao để HS không chán Sử, sợ Sử?”.
Nếu quan điểm này được đông đảo dư luận và giới chuyên môn ủng hộ thì phải chăng giải pháp có tính đột phá đã được xác định – xây dựng lại chương trình và viết lại SGK?