Thù lao thấp, vai hay, vẫn diễn

Gia đình NSƯT Phạm Cường
Gia đình NSƯT Phạm Cường
TP - Tham gia khoảng 700 tập phim được khán giả nhớ mặt, biết tên song vị “Chủ tịch tỉnh” lại thuộc diện lười tiếp thị hình ảnh. Phạm Cường chỉ chịu lên báo mỗi khi sắm một vai diễn mới.

> Hai cha con làm Chủ tịch tỉnh

Tranh của nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của nguyễn Xuân Hoàng.
 

Phim chính luận, khéo làm, dễ hot

Anh có xem lại vai diễn của mình?

Có chứ. Từ khi tiếp xúc với phôi văn học tôi đã có thiện cảm với vai diễn. Vì thiện cảm nên người nghệ sỹ nóng lòng muốn biết sản phẩm lao động của mình như thế nào. Nếu như không có điều kiện thì thôi, nhưng có điều kiện tôi luôn xem lại. Con gái tôi cũng xem cùng tôi.

Cháu năm nay 15 tuổi, bước vào cấp 3. Cháu thích bộ phim đến mức độ nào tôi không biết nhưng khi tôi ngồi xem, cháu cũng ngồi xem. Thường thì cháu hay chuyển sang những kênh khác để xem những bộ phim hợp với lứa tuổi của cháu nhưng với bộ phim này cháu đồng ý ngồi cạnh bố từ đầu đến cuối.

Thậm chí cả cậu con trai nhỏ của tôi, mới 4 tuổi, cũng thuộc lời bài hát rồi (cười). Không biết đó có phải sự đồng cảm của con cái đối với nghề nghiệp của bố hay không, hay là sự thích thú tự nhiên? Tôi nghĩ “Chủ tịch tỉnh” dành cho nhiều lứa tuổi, vì nó bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, khiến ai có ý thức nhận biết cuộc sống đều quan tâm vì tính chân thực của nó.

So với những vai anh đã đóng, anh đánh giá vai Trí Tuệ - Chủ tịch tỉnh, thuộc hạng nào: hay, ấn tượng, vừa vừa…?

Hãy dành quyền đánh giá cho người xem. Người làm nghề chuyên nghiệp nhìn vai diễn khắt khe hơn. Chúng tôi không dễ hài lòng với tác phẩm của mình.

Hay lướt mạng, anh có đọc phản hồi của khán giả trong những bài phỏng vấn về anh? Chắc anh đã thấy nhiều lời khen tặng cho vai diễn Trí Tuệ - Chủ tịch tỉnh?

Tôi có đọc. Họ khen nhiều nhưng tôi tương đối bình tĩnh trước lời khen. Dù sao cũng có cảm giác phấn khởi, vì mình đang làm hoặc đã làm một việc có ý nghĩa, khiến độc giả cũng bớt chút thời gian để xem, và mất công soạn thảo ra những nhận xét. Cuộc đời nghệ sỹ còn phải làm nhiều vai nữa.

Những gì anh chưa ưng ý ở vai Trí Tuệ?

Cũng có. Nhưng nhỏ thôi. Thí dụ, đôi chỗ tôi cảm giác phục trang lựa chọn lúc đó chưa ổn. Tuy lỗi không đáng kể nhưng cũng là bài học quý với người diễn viên.

Công sức của anh cho bộ phim này?

Công sức bỏ ra không thể kể hết. Tôi khá eo hẹp về thời gian vì bận học ở hai trường (Phạm Cường vừa tốt nghiệp khoa đạo diễn sân khấu- Trường Sân khấu Điện ảnh và Học viện Chính trị- PV), khi nhận được lời mời tôi cũng cân nhắc rất nhiều, cuối cùng đồng ý với điều kiện chủ yếu quay vào thứ 7, chủ nhật và hầu như các buổi chiều muộn. Đoàn làm phim đã cố gắng chiều theo lịch làm việc của tôi.

Từng nói đây là vai diễn có thù lao thấp nhất, anh có thể bật mí thêm?

Không hiểu sao nhiều người quan tâm đến vấn đề này (cười). Với tuổi đời, tuổi nghề như chúng tôi, không nhận thù lao theo ngày quay, vì năng suất làm việc của chúng tôi trong một ngày quay rất nhiều. Nếu so với yêu cầu tốc độ làm phim truyền hình, chúng tôi có thể làm một ngày nhiều cảnh, quay với tốc độ nhanh, khả năng thuộc lời cũng nhanh. Tôi không bao giờ để người khác nhắc lời, dù kịch bản dài đến mấy cũng thuộc lời, để diễn cho chủ động.

Trở lại vấn đề là tại sao tôi nói cát sê thấp? Vì đáng ra phải nhận thù lao theo tập. Hồi đó đoàn làm phim đưa ra mức quay cho tôi trong một ngày, mới đầu tôi cũng không tán thành vì không thoả đáng nhưng tôi thấy vai diễn được, kịch bản được, thì mình làm. Nó cũng phù hợp với quan điểm từ trước tới nay của tôi:Nếu một vai hay, tiền ít hơn một chút vẫn làm. Một vai dở, tiền nhiều hơn, vẫn không làm.

Dòng phim chính luận được quan tâm vì sao, theo anh?

Dòng phim chính luận tưởng khô khan nhưng giải toả được nhiều vấn đề của hiện thực cuộc sống bức xúc nên khán giả thích. Những chuyện quá khứ như chuyện thời Kim Ngọc, chuyện cải cách ruộng đất… Chuyện đương đại như tham nhũng nếu làm khéo sẽ rất dễ “hot”.

Phạm Cường (bìa trái) trong phim Chủ tịch tỉnh
Phạm Cường (bìa trái) trong phim Chủ tịch tỉnh.
 

Hào hoa ư? Tôi không biết

Nghệ sỹ Thu Quế, vợ anh từng là một gương mặt được khán giả yêu thích. Liệu có chuyện chị lùi lại hậu phương, để anh tiến lên?

Chúng tôi không dùng hình thức thương lượng với nhau trong nghề nghiệp. Vợ chồng tôi bao giờ cũng bình đẳng và chia sẻ đặc biệt. Chúng tôi hiểu được những bất trắc, những đồn thổi, những đam mê của nhau trong nghề. Nhưng hai vợ chồng cùng nghề cũng có những phức tạp riêng. Vì cái tôi của mỗi người rất lớn. Lúc trời yên bể lặng không sao nhưng khi sóng gió sẽ dễ có cảm giác lấy lầm vợ, lầm chồng.

Anh đã làm gì để tránh cảm giác ấy?

Tôi đã nói, tôi hết sức bình tĩnh. Có lẽ do bản ngã của tôi. Do từ hồi phổ thông, tôi đã hay chơi với người lớn tuổi, họ là những kho kinh nghiệm sống, giúp tôi bình tĩnh và đại lượng hơn. Đa số những người tiếp xúc với tôi đều nói tôi già trước tuổi.

Anh có thể khai tuổi thật của mình?

Tôi sinh năm 1965. Ngày xưa, khi tôi mới 14, 15 tuổi, có lần soi gương tôi hình dung tóc mình bạc trông sẽ đẹp (Cười lớn) Về sau vào nghề tôi cũng đều vào những vai hơn tuổi. Vai đầu tiên là vai ông già đi tìm đứa con của mình. Về nhà hát toàn đóng với những chị lớn tuổi hơn mình đến một giáp.

Bây giờ chắc anh hết ước già?

Hầu như lứa tuổi như tôi hoặc lớn hơn đều mong muốn trẻ ra. Nhưng tôi coi già là quy luật tự nhiên..Cái gì đến sẽ đến, không phải nhuộm tóc, nhổ tóc bạc làm gì (lại cười)

Nhiều khán giả khen anh hào hoa, đẹp trai. Anh có biết lợi thế của mình không?

Mọi người đã ưu ái tôi. Một khi đã có thiện cảm người ta thường dành cho nhau những suy nghĩ tốt đẹp, còn tôi có hào hoa hay không tôi cũng không biết.

Trước khi làm diễn viên anh từng trải qua nhiều nghề: thợ đánh vữa, thợ sơn, thợ làm bánh nướng, ép mía… và anh cũng không ngại chia sẻ về điều này. Vì sao?

Bản tính tôi là người hay làm. Những gì thuộc về triết lý tôi thường nhớ lâu, tôi cảm thấy dễ nhớ hơn những câu chuyện hài hước. Ngày đó có một người bạn vong niên đã nói với tôi thế này: Làm đàn ông nghề nào cũng phải biết, càng nhiều nghề trong tay càng tốt, không lo đói. Thế là tôi lăn xả vào bất cứ nghề nào.

Bây giờ cũng vậy, cuộc sống của tôi ít có thời gian trống trải. Cũng có lúc tôi chơi nhưng gấp gáp, vội vã chứ không được thanh thản. Nhiều lúc tôi bảo mình hình như sinh ra không phải để làm người hưởng thụ.

Chắc anh cũng giỏi nội trợ?

Vợ tôi đi công tác, tôi vào bếp là chuyện thường. Nửa đêm tôi có thể dậy pha sữa cho con, vệ sinh cho con, tôi nhận thấy sự cố gắng trong tôi rất lớn. Tôi tâm niệm hãy cứ sống, lao động làm việc hết mình thì cái gì thuộc về mình cũng sẽ đến. Tôi cũng quan niệm, có thể mình vất vả một chút nhưng miễn làm sao trở thanh con người có ý nghĩa.

NSƯT Phạm Cường sinh ra ở thành phố Hải Phòng, là con thứ 7 trong gia đình có 8 anh chị em. Hiện anh giữ cương vị phó giám đốc Nhà hát kịch Quân Đội.

“Bà xã” của Phạm Cường, NSƯT Thu Quế từng dự thi hoa hậu Báo Tiền Phong năm 1988, khi hoa hậu Bùi Bích Phương đăng quang. Thu Quế là một trong 10 cô gái đẹp nhất của cuộc thi năm đó.

 

Có thiện cảm, không “phim giả, tình thật”

Gia đình NSƯT Phạm Cường
Gia đình NSƯT Phạm Cường.
 

Phạm Cường tâm sự: Thực ra, khi đóng phim bao giờ cũng có những thiện cảm nhất định với bạn diễn, để tung hứng với nhau nhịp nhàng, chân thật một chút.

Nhưng với diễn viên không chuyên điều đó dễ xảy ra hơn với diễn viên chuyên nghiệp. Vì chúng tôi thường xuyên bị rào cản, nhất là có vợ làm trong nghề như tôi, sớm muộn chuyện này cũng đến tai vợ mình, nên lúc nào cũng phải răn mình hết sức thận trọng để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Trả lời câu hỏi: trong đời sống vợ chồng anh có hay ghen? Phạm Cường thú nhận: Chưa bao giờ ghen ầm ĩ nhưng cũng có những điều cứa vào cảm xúc của mình như những lúc vợ mình đóng cảnh tình cảm, cũng thấy gợn gợn nhưng sau đó tôi cân bằng ngay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.