Thủ khoa về quê chăn lợn có phải hoàn trả học phí?

Luật Giáo dục năm 2019 (gồm 9 chương, 115 điều) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009, có điểm mới đáng chú ý là sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học, phải hoàn trả nếu không làm đúng ngành sau 2 năm tốt nghiệp.
Cụ thể, Luật Giáo dục có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí.

Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.

Quy định này nhằm khắc phục những hạn chế của chính sách không phải đóng học phí của học sinh, sinh viên sư phạm quy định tại Luật Giáo dục hiện hành.

Những "thủ khoa chăn lợn" có phải bồi hoàn học phí?

Tuy nhiên, không phải sinh viên sư phạm nào sau khi tốt nghiệp không làm đúng ngành cũng do chủ quan ý muốn cá nhân, có rất nhiều cử nhân sư phạm không được tuyển dụng, dẫn đến phải tìm một công việc trái ngành.

Đáng nói, những học sinh, sinh viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, nhưng đến khi tốt nghiệp, lại không đủ điều kiện xin việc đúng chuyên ngành, thì việc hoàn trả lại khoản kinh phí Nhà nước đã hỗ trợ cũng gặp những khó khăn nhất định.
Thủ khoa về quê chăn lợn có phải hoàn trả học phí? ảnh 1 Sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học, phải hoàn trả nếu không làm đúng ngành sau 2 năm tốt nghiệp. (Ảnh minh họa).
Điển hình như trường hợp của thủ khoa sư phạm Bùi Thị Hà (Hà Giang). Năm 2016, Hà trong top 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhưng sau khi ra trường, suốt cả năm mong ngóng, đợi chờ, thấp thỏm, hy vọng, cô vẫn không tìm ra cơ hội nào hiện thực ước mơ. Cô thủ khoa từng chia sẻ, khi mới ra trường, cầm tấm bằng đại học trên tay, cô muốn được đi làm, được tận hiến cho quê hương Hà Giang. Nhưng quê hương từ chối tấm lòng của cô, bằng chứng là nhiều lần Hà đi nộp hồ sơ nhưng đều được trả lời là chưa có chỉ tiêu biên chế. Còn nhớ, bức tâm thư Hà gửi Chủ tịch tỉnh có đoạn: "Bỗng dưng cháu lại cảm thấy tiếc. Cháu tiếc cho sự nỗ lực, cố gắng của bản thân suốt 16 năm học vừa qua; cháu tiếc công mẹ cháu, người mẹ đã phải nhặt từng mớ rau, bán từng vác mía, nuôi từng con lợn, chắt chiu, dành dụm từng đồng, từng hào để cho con cái được bước vào đại học. Cháu tiếc số tiền học phí, học bổng mà Nhà nước và một số đơn vị, tổ chức đã bỏ ra, ủng hộ, giúp đỡ cháu…".
Thủ khoa về quê chăn lợn có phải hoàn trả học phí? ảnh 2 Câu chuyện thủ khoa sư phạm thất nghiệp từ năm 2016, biết trách ai bây giờ?
Thời điểm đó, Hà cũng từng chia sẻ rằng: "Em mong ước được đi dạy lắm. Em thực sự mong muốn được góp chút công sức và nhiệt huyết của mình để cống hiến cho quê hương đất nước. Đúng là trước đó, em có trò chuyện cùng bác Giám đốc sở GD&ĐT Hà Giang, bác hỏi em có chấp nhận đi làm xa không, em đã trả lời luôn là kể cả đi làm xa cũng được. Thế nhưng, câu trả lời vẫn là em phải chờ… có đợt tuyển dụng. Trong thời gian chờ đợi em ở nhà phụ giúp mẹ việc đồng áng và nuôi lợn. Thỉnh thoảng em cũng lôi sách vở ra đọc lại cho nhớ kiến thức và sẵn sàng cho tâm thế được đi dạy. Thế nhưng cho đến giờ em vẫn chờ đợi trong vô vọng. Có lẽ hai từ "biên chế" em khó mà với được". Sau đó, trước đợt tuyển biên chế của tỉnh, Hà cho biết: "Mấy hôm nay, em nhận được rất nhiều lời mời từ các cơ sở giáo dục ở Hà Nội nhưng chủ yếu là trường tư. Nếu lần này, tỉnh Hà Giang vẫn không "trọng dụng" em thì em sẽ xuống Hà Nội làm giáo viên hợp đồng dù em không muốn điều này". Thời điểm hiện tại, khi PV báo Người Đưa Tin phỏng vấn, Hà từ chối trả lời với lý do "động chạm tới nhiều vấn đề của tỉnh nhà". Được biết, cô thủ khoa sư phạm vẫn đang ở Hà Giang. Có thể khẳng định đây không phải là cử nhân sư phạm duy nhất thất nghiệp. Một số lượng không nhỏ những sinh viên sư phạm sau khi ra trường vẫn loay hoay tìm đường đến bục giảng. Một câu chuyện khác, Nguyễn Việt Hùng (SN 1994, cử nhân sư phạm Hóa học, đại học Sư phạm Hà Nội), sau khi ra trường cũng chật vật không tìm được việc đúng chuyên ngành. Gia đình khó khăn, anh không thể mất quá nhiều thời gian chờ đợi công việc, tìm kiếm một vị trí trên bục giảng, mà vì gánh vác gia đình, anh đã phải đi tìm một công việc khác: giao đồ ăn nhanh cho các nhà hàng. Tương tự, những cử nhân sư phạm vẫn muốn được gắn bó và cống hiến với sự nghiệp "trồng người" nhưng lại chưa được tuyển dụng, liệu có phải bồi hoàn học phí?
Thừa giáo viên khiến nhiều cử nhân thất nghiệp
TS. Lê Thống Nhất, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Trường học lớn Việt Nam đã từng nhận định: "Sư phạm là ngành mà dự báo về lượng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm trong tương lai sẽ lên con số hàng vạn. Chưa nói đến nơi thừa, nơi thiếu, môn thừa, môn thiếu…, các nhà hoạch định chính sách về đào tạo cần giải quyết bài toán này". Hiện nay, tình trạng thừa - thiếu giáo viên phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước, mà nguyên nhân là do thiếu dự báo về số lượng học sinh trước các năm học; đồng thời, chỉ tiêu tuyển dụng không sát thực tế, nhiều nơi nhiều năm không có chỉ tiêu tuyển dụng vì nhiều lý do. Đó là còn chưa kể, tình trạng dôi dư giáo viên ở các cấp học sẽ còn gia tăng sau khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Như vậy, bước đầu, bộ GD&ĐT cùng các địa phương có thể giải quyết bằng việc luân chuyển giáo viên từ địa phương này sang địa phương khác, từ huyện này sang huyện khác, thậm chí từ tỉnh này sang tỉnh khác, điều chuyển kịp thời, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, việc bám sát thực tế để điều chỉnh đầu vào của ngành sư phạm cũng là vấn đề rất quan trọng, đào tạo phải bám sát thị trường, bám sát nhu cầu của xã hội. Nếu chỉ lo đầu vào không tính đến đầu ra cho các sinh viên, có thể xem là thiếu trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với sinh viên, với chính ngành giáo dục của các cơ sở đào tạo sư phạm, và tất nhiên, tỷ lệ lớn sinh viên ra trường không có việc làm đúng chuyên môn đào tạo.

Ngày 14/6 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, thông qua Luật Giáo dục, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, với những điểm mới đáng chú ý so với quy định Luật Giáo dục hiện hành.

Để bảo đảm các nội dung của Luật Giáo dục được triển khai thực hiện có hiệu quả, bộ GD&ĐT đang phối hợp với bộ Tư pháp, văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Giáo dục; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để phù hợp với nội dung của Luật…

Theo Theo người đưa tin
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.