> Thủ khoa có bước lên thảm đỏ?
Tuyên dương thủ khoa tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hà. |
Trần Thị Thơm (SN 1989), tốt nghiệp ngành Triết, ĐH Sư phạm Hà Nội với điểm số 8,8/10, là một trong 107 thủ khoa xuất sắc được TP Hà Nội vinh danh năm 2012 nhưng lại đang đối diện với nguy cơ thất nghiệp ở Thủ đô. Thơm bị khuyết tật bẩm sinh từ nhỏ ở chân, nhưng không xem đó là chướng ngại trong việc học cũng như tìm kiếm việc làm.
“Tôi đã cố gắng học và giành kết quả tốt với bí quyết đơn giản hoá mọi việc. Nhưng trong chuyện xin việc, muốn đơn giản hoá mà cũng khó”, Thơm nói.
Cô đang nộp đơn dự tuyển vào một số trường cấp ba tại Hà Nội, nhưng hy vọng trúng tuyển rất mong manh. Ngoại hình là một điểm yếu, trong khi môn Triết đang rất ít nơi cần nên Thơm tỏ ra hoang mang.
Thơm tính nếu không xin được việc ở Hà Nội sẽ vào Lâm Đồng tìm cơ hội việc làm. “Gia đình ở Nam Định, nhưng tôi có người nhà ở Lâm Đồng, nếu có việc làm ổn định, tôi sẽ định cư lâu dài ở đó”, Thơm cho biết. Hiện tân thủ khoa đang ở trọ một mình và đi dạy thêm để tồn tại ở Thủ đô.
Ngay từ năm thứ tư ĐH, Hoàng Quý Ly (ĐH Thăng Long) đã xác định cố gắng học có tấm bằng tốt để ra trường dễ xin việc. Tốt nghiệp thủ khoa ngành công tác xã hội, Ly bị hụt hẫng vì thực tế không như mình nghĩ.
“Trong tay chỉ có tấm bằng, ngoài ra chẳng có gì để khẳng định khả năng của mình nên xin việc vẫn là một khó khăn lớn. Tôi mất thời gian dài để tìm hiểu nơi tuyển dụng”, Ly cho biết.
Gửi hồ sơ đi nhiều nơi, hiện Ly đang chờ kết quả khi ứng tuyển vào phường Yết Kiêu (Q. Hà Đông- Hà Nội). Theo Ly, điểm yếu chung của nhiều bạn thủ khoa là chỉ lo học tốt chuyên môn mà chưa trau dồi các kỹ năng khác cũng như khả năng tin học, ngoại ngữ.
“Tôi từng muốn làm việc trái ngành, thích làm marketing, quảng cáo, truyền thông..., nhưng họ đòi hỏi ngoại ngữ và trình độ tin học cao, tôi không đáp ứng được. Muốn làm việc đúng ngành học thì khó tìm, vì ngành này ít tuyển dụng”, Ly nói.
Hiện Ly chưa có việc làm ổn định, cô vẫn đang tìm kiếm công việc đúng chuyên môn để nuôi dưỡng đam mê.
Học giỏi, nhưng thiếu kỹ năng
Vũ Thùy Linh, tốt nghiệp thủ khoa ngành kinh tế chính trị, ĐH kinh tế Quốc dân cũng muốn đi làm, nhưng chưa tìm được công việc phù hợp. Linh cho biết, mặc dù thủ khoa được ưu tiên nhưng xin việc vẫn khó khăn như thường.
Câu chuyện việc làm được các bạn thủ khoa bàn tán sôi nổi trong dịp Hà Nội gặp gỡ thủ khoa vừa qua. “Nhiều người nói bằng giỏi cũng khó xin việc, mới đầu tôi không tin nhưng nay thấy điều đó có lý. Xin việc cần rất nhiều yếu tố, không chỉ là bằng cấp. Tình hình kinh tế khó khăn, cơ hội việc làm ít, nhất là ngành kinh tế chính trị lại càng khó nên tôi phải kiên nhẫn. Hiện tôi vẫn lạc quan và sẽ học lên cao học”, Linh cho biết.
Không xin được việc làm, nhiều bạn thủ khoa chọn giải pháp tiếp tục học như Linh.
May mắn hơn một số thủ khoa, Nguyễn Hồng Nhung (SN 1990) thủ khoa xuất sắc ngành Du lịch- ĐH Mở Hà Nội có cơ hội được giữ lại trường làm giảng viên.
Nhung có kinh nghiệm 4 năm vừa học vừa làm cộng tác viên chương trình 360 độ thể thao của Đài truyền hình Việt Nam nên tự tin trong tìm kiếm việc làm.
Nhung nói: Tôi biết nhiều bạn tốt nghiệp loại giỏi ở trường ĐH có thương hiệu, nhưng vẫn khó khăn trong xin việc. Theo tôi, hiện tại, các đơn vị tuyển dụng đòi hỏi ứng viên có nhiều kỹ năng mềm. Kiến thức xã hội và kỹ năng giao tiếp rất quan trọng, nhiều bạn không tìm được việc làm vì giao tiếp trong vòng phỏng vấn không đạt.
Theo Nhung, để tốt nghiệp bằng giỏi và không khó khăn trong xin việc làm, ngay từ khi còn học ở giảng đường các bạn nên tham gia nhiều hoạt động xã hội, tích luỹ kỹ năng mềm đồng thời kiến thức xã hội sẽ bổ trợ cho việc học hiệu quả.
Nhung chia sẻ: “Nếu có kiến thức chuyên môn tốt, kỹ năng xã hội ổn và ngoại ngữ tốt, bạn sẽ tự tin ở môi trường nào bạn cũng xin được việc”.
Trong tọa đàm Chính sách thu hút nhân tài được thành Đoàn Hà Nội tổ chức gần đây, bà Nguyễn Thị Vinh, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội khẳng định thành phố rất quan tâm đến việc thu hút, bồi dưỡng nhân tài, thủ khoa được hưởng nhiều đãi ngộ như được tuyển thẳng vào các cơ quan Nhà nước, tạo điều kiện học tiếp, hỗ trợ kinh phí đào tạo, đi học nước ngoài... Tuy nhiên, thủ khoa bày tỏ lo lắng vì sao với chính sách ưu đãi như vậy mà 3 năm qua, chỉ có khoảng 10% thủ khoa tốt nghiệp làm việc trong các cơ quan Nhà nước? |