Thu hút vốn FDI: Bất an vì chính sách thiếu nhất quán

Chính sách thu hút dự án FDI cần chuyển hướng những ngành công nghệ cao, tạo ra giá trị lớn. Ảnh: L.H.Việt.
Chính sách thu hút dự án FDI cần chuyển hướng những ngành công nghệ cao, tạo ra giá trị lớn. Ảnh: L.H.Việt.
TP - Tới đây, việc thu hút các dự án FDI cần theo hướng gắn với hiệu quả KT-XH từng địa phương, kiên quyết không chọn dự án sử dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường… Đó là quan điểm của GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Ưu đãi vượt khung vì lợi ích cục bộ?

Tại hội thảo “Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” hôm qua (7/12), GS Nguyễn Mại chia sẻ: “Hơn 30 năm nay, chúng tôi vẫn đi tìm câu trả lời, vì sao DN Mỹ vẫn dè dặt đầu tư vào Việt Nam so với các nước trong khu vực…Vì sao Mỹ chỉ đứng thứ 10 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ rót vốn Việt Nam? Bản thân tôi vẫn chưa có câu trả lời đích đáng”.

Theo GS Mại, Việt Nam đã có Luật đầu tư nước ngoài từ năm 1987, tuy nhiên, từ đó đến nay, những thay đổi về chính sách, pháp luật thiếu nhất quán, minh bạch đã gây tâm lý bất ổn cho nhà đầu tư. Ông lấy ví dụ: Chủ trương cấm xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ vào cuối thập niên 90 đã làm phá sản hàng chục DN FDI. “Trong khi, với mặt hàng rượu, bia, nước giải khát có lúc cho, lúc hạn chế DN FDI, vì có nhà lãnh đạo nghĩ rằng sản xuất các mặt hàng này có lợi nhuận cao nên ta tự làm lấy, trong khi thuế tiêu thụ đặc biệt “cứ 2 chai, thu 1 chai” của DN”- GS Mại nói.

Theo GS Mại, từ năm 2006, Chính phủ phân cấp cho các tỉnh, thành quản lý nhà nước đối với FDI, nhằm phát huy tính sáng tạo, chủ động của địa phương trong việc vận động và cấp phép đầu tư. Tuy nhiên, quá trình trải “thảm đỏ”, một số địa phương đã tự “đẻ” các quy định vượt quá thẩm quyền, miễn giảm thuế cho các dự án FDI nhiều hơn khung pháp lý cho phép, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương… Rõ ràng, lợi ích cục bộ đã trở thành lực cản lớn nhất cho quá trình phát triển.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội cho biết, dù lạc quan về triển vọng kinh doanh ở Việt Nam, tuy nhiên, các DN cũng quan ngại về những thay đổi trong chính sách, quy định gần đây không phù hợp với thông lệ quốc tế, khiến nhà đầu tư gặp nhiều rủi ro và trở ngại.

Ông Adam Sitkoff lấy ví dụ: Dự thảo Luật An ninh mạng rất đặc biệt, bởi ngoài các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, còn có cả việc kiểm soát thông tin trên Internet, dù điều này đã được quy định bởi các luật khác. Ngoài ra, trong dự thảo của luật cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như Facebook, Google… phải đặt máy chủ tại Việt Nam. “Điều này không những không giúp cải thiện tình hình an ninh mạng của Việt Nam, còn tạo gánh nặng cho DN nước ngoài”- ông Adam Sitkoff nói.

Đại diện AmCham cũng cho rằng, việc đề xuất tăng VAT từ 10 lên 12%, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước ngọt sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực với các DN FDI và cả người tiêu dùng. “Nhà đầu tư có thể do dự trước những quyết định mở rộng đầu tư vào Việt Nam, khi họ đã phải đối mặt với những thay đổi thường xuyên về chính sách hay về thuế suất”- đại diện AmCham phân tích.

“Nút thắt” bộ máy cồng kềnh

Theo GS Nguyễn Mại, chính sách FDI tới đây điều chỉnh phù hợp với tình hình mới. Ngoài các ngành nghề cần nhiều lao động ở khu vực còn kém phát triển, cần “hút” FDI vào ngành, sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như: Công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới, giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng... Đối với dự án FDI cần gắn với hiệu quả KT-XH từng vùng, địa phương, kiên quyết không lựa chọn dự án FDI sử dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường.

Dẫn kết quả khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân mới đây, GS Mại cho hay, tới 64% DN cho rằng thái độ, hành vi ứng xử của cán bộ cơ quan nhà nước là rào cản gây khó khăn cho DN; 36% DN cho rằng rào cản gây khó là sự thay đổi đột ngột và bất định về chính sách.

Bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế cho rằng: “Dù đã có cải thiện gần đây, nhưng bức xúc về môi trường kinh doanh của DN trong nước còn cao hơn so với DN nước ngoài”. Theo bà Lan, chính sách thiếu đồng bộ, nhất quán, tính thực thi kém, khiến nhiều DN thiên về chạy chọt, quan hệ hơn lo cải thiện năng lực cạnh tranh. Cùng đó, chi phí kinh doanh cao và có xu hướng tăng, từ chi phí tuân thủ, dịch vụ hành chính, dịch vụ công, hạ tầng; nhiều loại thuế, phí, quỹ… “Mỗi năm, tới 6-7 vạn DN ngừng hoạt động vì không còn khả năng hoạt động nữa, vì chi phí cao, không có lợi nhuận”- bà Lan nói.

Theo bà Lan, năm 2018, Chính phủ cần hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh (VCCI rà soát tới hơn 5.700 điều kiện kinh doanh của 243 ngành, nghề). Hoàn thành việc loại bỏ ít nhất 1/2 số mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu, chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm.

Bà Lan cho rằng, cần tiếp tục kết nối ít nhất 30 thủ tục qua cổng thông tin một cửa quốc gia (hiện có 11 bộ tham gia với 39/130 thủ tục đã kết nối là còn hạn chế). “Giảm thủ tục, bớt đi các cửa, DN đỡ phải chạy, phải lo, Nhà nước cũng bớt đi những bộ phận không cần thiết”- bà Lan nói. 

“DN rất sợ hồi tố về chính sách và đây là rủi ro rất lớn với DN. Có DN làm ăn bình thường, 5 năm nay nhập khẩu với thuế 0%, sau đó, chính sách thay đổi, tính thuế 5%, nên DN bị hồi tố tới 20 tỷ đồng tiền thuế, dù các năm DN đã  quyết toán hoạt động kinh doanh”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

MỚI - NÓNG