Thu hút nhân tài cần sự chân thành

Thu hút nhân tài cần sự chân thành
Đãi ngộ bằng tiền có phải là cách duy nhất thu hút trí thức? Giới trí thức, người làm khoa học cần gì ở lãnh đạo và cơ quan quản lý?...

> Thiếu kỹ năng, khó có việc

>Bí kíp của những sinh viên thành đạt?

Những khúc mắc này đã được mổ xẻ trong chương trình Cùng chúng tôi đối thoại chủ đề “Thu hút nhân tài dễ hay khó” do Trung tâm Truyền hình VN tại TP Cần Thơ tổ chức ngày 7-4.

Khách mời gồm ông Trương Minh Chiến (phó bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu), GS.TS Bùi Chí Bửu (viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam) và “nhân chứng” của chính sách thu hút nhân tài là thạc sĩ Lê Thanh Tâm (cán bộ văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang).

Ông Trương Minh Chiến (phải): “Chúng tôi cam kết các bạn trẻ, nhà khoa học về tỉnh làm việc sẽ được đón tiếp với tinh thần vì Bạc Liêu phát triển” - Ảnh: Chí Quốc
Ông Trương Minh Chiến (phải): “Chúng tôi cam kết các bạn trẻ, nhà khoa học về tỉnh làm việc sẽ được đón tiếp với tinh thần vì Bạc Liêu phát triển” - Ảnh: Chí Quốc.

Sinh viên về tỉnh: đếm đầu ngón tay

GS.TS Bùi Chí Bửu cho biết so với các vùng khác của cả nước thì ĐBSCL có tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo cao nhất (chiếm 84%), hiện chỉ có 64 sinh viên/10.000 dân, vì vậy đặt ra một thách thức lớn cho vùng này về nguồn nhân lực.

"Lãnh đạo phải quan tâm một cách chân thành, không ban ơn và phải biết rõ thành tích của người được gọi về, theo đó chú trọng tài năng thực tế hơn là tài năng học tập của người đó"

GS.TS BÙI CHÍ BỬU
(viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam)

Thế nhưng theo GS.TS Bửu, có thời điểm ông dạy ở Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM thì trong số 150-200 sinh viên ngành công nghệ sinh học chỉ có 5-10 sinh viên về tỉnh làm việc khi ra trường. Ông lý giải vì sao sinh viên ra trường phần lớn ở lại TP.HCM công tác là “vì trên đó môi trường làm việc phong phú”. Rồi ông nói thêm: “Các cơ quan (Nhà nước - PV) biên chế cứng nhắc. Chưa kể việc kiểm soát lý lịch cũng quá gắt nên họ đầu quân cho doanh nghiệp thôi”.

Chia sẻ vấn đề này, thạc sĩ Lê Thanh Tâm (chuyên ngành công nghệ thông tin) kể câu chuyện ông quyết định bỏ công việc tốt ở TP.HCM về Hậu Giang làm việc tại văn phòng UBND tỉnh từ năm 2005, nhiều bạn bè đã không tán thành vì họ “lo lắng cho tôi, ở thành phố tôi sẽ làm việc tốt, phát huy được chuyên môn, còn về tỉnh thì sẽ mai một”. “Thế nhưng quyết định là ở tôi và đến giờ tôi chưa hối hận về điều đó” - ông Tâm nói.

Không chỉ ĐBSCL, ngay tại TP.HCM việc giữ nhân tài cũng khó mà GS.TS Bùi Chí Bửu cho rằng “viện nghiên cứu của tôi cũng chảy máu chất xám lớn”. Nguyên nhân, theo ông Bửu, “có học trò nói em muốn ở lại với thầy lắm nhưng lương thấp quá em phải đi, thầy ơi”.

Thu hút đã khó, giữ còn khó hơn

GS.TS Bùi Chí Bửu nêu “thu hút nhân tài đã khó, giữ còn khó hơn”. Ông cho biết đã có trường hợp ở một thành phố của miền Trung khi thu hút nhân tài về địa phương nhưng sau đó bố trí về cơ sở thì ít được quan tâm, người tại đơn vị làm việc ganh tị đã khiến người được thu hút về địa phương đó “vỡ mộng”.

Một yêu cầu khác được ông đưa ra trong việc hút người tài là phải xác định đúng chuyên môn của họ để bố trí đúng chuyên ngành, “không thể để một anh tiến sĩ sinh học mà bắt làm quản lý kế hoạch được”.

GS.TS Bửu cũng nêu những giải pháp khác như “lãnh đạo phải quan tâm một cách chân thành, không ban ơn và phải biết rõ thành tích của người được gọi về, theo đó chú trọng tài năng thực tế hơn là tài năng học tập của người đó”.

Thạc sĩ Lê Thanh Tâm cũng chia sẻ câu chuyện thực tế của mình là ông được may mắn bố trí đúng sở trường nên đã có những tham mưu hiệu quả về phát triển hệ thống thông tin của tỉnh Hậu Giang. Thế nhưng, theo ông, vẫn còn một số vướng mắc ở tỉnh là “bạn bè tôi vẫn còn phàn nàn môi trường làm việc chưa tốt, làm việc chưa đúng chuyên môn nên chán, không hứng thú làm việc”.

Ông tiếp tục: “Đây là khó khăn lớn hiện nay. Nó không chỉ phụ thuộc chính sách của tỉnh mà còn phụ thuộc lãnh đạo từng đơn vị. Họ về rồi mà không biết việc làm là gì thì họ sẽ lặng lẽ ra đi thôi”. Ông Tâm cũng cho rằng điều quan trọng thứ hai mà người trí thức quan tâm khi về địa phương là “họ phải được thăng tiến trong quá trình làm việc”, vì vậy rất cần sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh.

Chia sẻ quan điểm thu hút và giữ chân nhân tài như trên, ông Trương Minh Chiến cho biết ngoài chính sách đãi ngộ như hỗ trợ giáo sư 500 triệu đồng, chuyên gia giỏi 1 tỉ đồng cùng nhà ở công vụ, khi về tỉnh làm việc tỉnh cũng đã tổ chức tôn vinh, khen thưởng người được thu hút về theo năm hoặc theo ngày truyền thống. Đây là điểm được giới trí thức đánh giá tốt, họ thấy lãnh đạo quan tâm đặc biệt nên giúp họ yên tâm.

Làm sao để giữ họ làm việc lâu dài, ông Chiến nêu: như ở Bạc Liêu, lãnh đạo tỉnh ý thức được vấn đề này nên những người có học hàm học vị, được đào tạo bài bản là phải sử dụng đúng khi được bố trí, phân công. “Thậm chí chúng tôi còn tính đến khi thu hút về rồi mà “lỡ đường gãy gánh” thì phải làm sao, lúc đó phải làm thế nào để họ đi mà giữ ấn tượng tốt đẹp về tỉnh” - ông Chiến nói.

Bạc Liêu sẵn sàng đón nhận người giỏi

Đồng tình với việc “cần quan tâm chân thành, không ban ơn”, ông Chiến nói thêm: “Chúng tôi cam kết với tất cả các bạn trẻ và người làm khoa học là đến Bạc Liêu chúng tôi sẵn sàng đón nhận với tấm lòng vì Bạc Liêu phát triển”. Theo ông Chiến, hiện tỉnh này đã thu hút được 10 tiến sĩ, 224 thạc sĩ, 17 bác sĩ chuyên khoa 2 và 191 bác sĩ chuyên khoa 1.

Theo Chí Quốc
Tuổi trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
DaLAB, Bùi Trường Linh hòa giọng cùng hàng nghìn sinh viên tại Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival
DaLAB, Bùi Trường Linh hòa giọng cùng hàng nghìn sinh viên tại Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival
TPO - Nối tiếp những chương trình biểu diễn thành công trước đó, buổi diễn cuối cùng của Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival khép lại với sự xuất hiện của nhóm nhạc Da LAB và ca sĩ Bùi Trường Linh. Hàng nghìn khán giả của chương trình say sưa hát theo, hòa giọng với những bản tình ca của Da LAB và Bùi Trường Linh.