Thu hồi và hỗ trợ

TP - Gần đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, nói Hà Nội có khoảng 2,5 triệu xe máy “quá đát” (sản xuất trước năm 2000) và cần phải có biện pháp thu hồi.

Chủ trương này rất dễ hiểu là sẽ nhận được sự đồng thuận của đa số cư dân thành phố, bởi không khí của Hà Nội đã bị ô nhiễm ở mức báo động đỏ. Trong khi đó, xe máy “quá đát” được cho là một trong những nguyên nhân chính. Xóa bỏ xe máy cũ, thêm nữa, cũng phần nào khiến thành phố trông tinh tươm hơn chút.

Đây là chủ trương đúng và sẽ được người dân ủng hộ. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, chính quyền dựa vào đâu để thu xe máy của người dân, bởi chưa có luật nào quy định. Ngay cả cụm từ “xe máy quá đát” thực ra cũng không chuẩn. “Đát” ở đây nghĩa là sao? Ngay cả ô tô, những loại xe con 4 chỗ, 5 chỗ, 7 chỗ… đều không có hạn sử dụng, miễn là người chủ đảm bảo các yêu cầu đăng kiểm, trong đó có các yêu cầu về độ an toàn hay khí thải. Thậm chí, có nhiều xe máy, ô tô được sản xuất trước năm 2000 nhưng vẫn bảo đảm mọi yêu cầu về khí thải, trong khi nhiều xe xuất xưởng sau năm 2000 vẫn có thể là vật phát sinh khí thải độc hại. Vì thế, nên gọi là xe máy cũ nát, xe không đảm bảo yêu cầu môi trường thì chính xác hơn.

Tất nhiên, chủ trương nào cũng có lực cản và những điều cần cân nhắc, mặt trái của vấn đề. Người đi xe cũ nát thường là dân nghèo đô thị hay người ngoại tỉnh vào Hà Nội, nên khi cấm lưu hành những chiếc xe này sẽ ảnh hưởng đến miếng cơm, manh áo của một số gia đình, mà hầu hết là gia đình nghèo. Vì vậy, nếu có thể được, song song với việc thu hồi hay cấm lưu hành xe cũ nát, thành phố cũng nên cân nhắc các biện pháp hỗ trợ người dân chuyển đổi xe. TPHCM cùng đã thành công trong việc cấm xe ba gác, xe tự chế và một trong các yếu tố làm nên thành công là chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện.

Vì quyền lợi của đại đa số, bảo vệ bầu không khí trong lành của thành phố là điều cần được ưu tiên và không vì vài lực cản mà không thi hành. Nhưng bởi ảnh hưởng đến một bộ phận người dân, lại là người nghèo, các chính sách thiết kế ra cũng cần hướng đến những biện pháp nhân văn. 

Và nói gì thì nói, người dân được làm những gì luật không cấm còn chính quyền chỉ được làm những việc luật quy định. Muốn thực thi việc thu hồi xe máy cũ nát thì điều đầu tiên là phải làm rõ các căn cứ pháp luật.  Như vậy mới tạo ra sự đồng thuận từ phía người dân.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.