Thu hồi đất đừng để thiệt cho dân

TP - Ngày 13/11, trao đổi về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), nhấn mạnh: Luật phải quy định bảo vệ được quyền sở hữu của dân, nhất là quyền tài sản về đất đai.

Thu hồi đất đừng để thiệt cho dân ảnh 1 Đại biểuTrần Ngọc Vinh (Hải Phòng).

Vấn đề ông quan tâm nhất trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này là gì, thưa ông?

Vấn đề tôi quan tâm chính là quản lý, sở hữu đất đai, bất động sản thế nào để giảm bớt khiếu kiện của dân. Báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu có đến 80% số vụ khiếu kiện kéo dài liên quan đến lĩnh vực đất đai. Chúng ta đã có Luật Đất đai (sửa đổi) và đạo luật này đã được sửa đến 3 lần mới được thông qua, chứng tỏ tầm quan trọng của quản lý đất đai như thế nào.

Bộ TN&MT đã tiếp thu kiến nghị của đại biểu QH, tham mưu Chính phủ ban hành một số nghị định liên quan, nhưng thực tiễn vẫn còn một số điều cần phải bàn về sở hữu. Làm sao thực thi pháp luật không để xảy ra tình trạng có lợi cho nhà quản lý mà thiệt hại cho dân. Phải sửa luật thế nào để phù hợp với bản chất của chế độ ta, đó là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Nghĩa là cái gì có lợi cho dân thì làm. Đấy cũng là thể hiện tinh thần của Hiến pháp mới về quyền con người được bảo vệ bằng pháp luật, trong đó có vấn đề quyền tài sản về đất đai.

Từ thực tiễn địa phương, nơi xảy ra vụ án thu hồi đất đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng), pháp luật dân sự nói chung và pháp luật đất đai nói riêng cần quy định thế nào để bảo vệ quyền lợi của dân về đất đai?

Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, đặc biệt các văn bản dưới luật, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người hiểu và chấp hành đúng pháp luật đất đai. Các cơ quan chuyên trách phải thường xuyên đào tạo, tập huấn quản lý nhà nước về đất đai cho cán bộ thực thi cấp cơ sở. Luật Đất đai rất đồ sộ và khá mới, nếu những người thực thi không nắm rõ tinh thần của luật sẽ dẫn đến hiểu sai, làm sai. Có khi quy định một đằng vì hiểu sai, làm sai dẫn đến tình trạng khiếu kiện. Chính quyền địa phương, đặc biệt là những điểm nóng về đất đai nơi phải tuyên truyền thật tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đất đai để người dân hiểu. Cái gì vượt thẩm quyền phải đề xuất, báo cáo lên cấp cao hơn chỉ đạo ngay.

Vấn đề nóng mà các ĐB quan tâm là quyền sở hữu về đất đai, quan điểm của ông ra sao?

Bộ luật Dân sự sửa đổi lần này cần tập trung những vấn đề rất lớn liên quan sát sườn lợi ích của người dân, tổ chức, không chỉ điều chỉnh về mặt sở hữu mà còn điều chỉnh quan hệ giữa tổ chức, cá nhân về mặt dân sự. Mục đích là bảo vệ quyền con người, quyền sở hữu tài sản hợp pháp, chính đáng. Luật sửa đổi theo hướng chuyên môn hóa, tức là chỉ quy định chung về nguyên tắc, còn sở hữu thuộc lĩnh vực sẽ do luật chuyên ngành quy định. Ví như vấn đề đất đai, nhà ở thì Luật Đất đai, Luật Nhà ở sẽ cụ thể hóa. Điểm mới là làm rõ hơn vấn đề về sở hữu. Chẳng hạn, khi người dân mua đất xây nhà, họ có quyền sở hữu nhà, nhưng đất không được sở hữu, mà sử dụng theo đúng tinh thần của Hiến pháp (đất đai thuộc sở hữu toàn dân) cần quy định rõ hơn.

Như ông nói Bộ luật Dân sự là luật nguồn, luật chuyên ngành dựa vào đó quy định chi tiết. Nhưng hiện nay  các luật chuyên ngành (như Luật Đất đai) đã thông qua, việc sửa luật này chẳng khác gì xây nhà từ nóc?

Đúng vậy, điều này các đại biểu đã phát hiện ra. Đáng ra, bộ luật này phải tiến hành sửa đổi, bổ sung trước sau đó mới tiến hành sửa đổi, bổ sung, hoặc xây mới các đạo luật chuyên ngành.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.