Thu hồi 3 lô đất liên quan đến Vũ 'nhôm' trong tháng 7

Đà Nẵng đang gặp vướng mắc trong thu hồi dự án có nguồn gốc đất công liên quan đến vụ án Phạm Công Danh và Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: Nguyễn Thành
Đà Nẵng đang gặp vướng mắc trong thu hồi dự án có nguồn gốc đất công liên quan đến vụ án Phạm Công Danh và Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: Nguyễn Thành
TPO - Liên quan đến việc thi hành án trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (còn gọi Vũ “nhôm”), cơ quan chức năng dự kiến sẽ thu hồi 3 lô đất ở Đà Nẵng trong tháng 7.

Ngày 7/7, kỳ họp thứ 15, HĐND TP Đà Nẵng khoá IX tiếp tục với phiên thảo luận các vấn đề nổi bật trên địa bàn. Việc thu hồi các dự án, khu đất liên quan đến các vụ án Phạm Công Danh, Phan Văn Anh Vũ (còn gọi Vũ “nhôm”) thu hút sự quan tâm của các đại biểu.

Đại biểu Huỳnh Minh Chức cho rằng, TP Đà Nẵng nên thành lập ban chỉ đạo, mời các chuyên gia, nhà tư vấn giỏi luật để nghiên cứu phương án khả thi nhất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thi hành án dự án sân vận động Chi Lăng (trong vụ án Phạm Công Danh).

“Chủ trương chung từ Trung ương đã đồng ý tháo gỡ. Nhưng phần việc nào của Đà Nẵng thì thành phố phải chủ động vì đây là nguồn lực rất lớn, phải khơi thông để phát triển”, ông Chức nói.

Ông Trần Phước Thu, Cục trưởng Cục thi hành án TP Đà Nẵng, cho biết: Trong dự án sân vận động Chi Lăng theo ủy quyền thi hành án của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, số tiền cần thi hành án là 4.000 tỷ đồng tiền gốc. Tuy nhiên đến thời điểm này, số tiền đã là 8.000 tỷ đồng. "Đây là vụ việc hết sức phức tạp và khó khăn", ông Thu nêu.

Cụ thể, đây là tài sản tình trạng pháp lý chưa rõ ràng, dù bản án đã tuyên kê biên để thi hành án. Khu đất này đã được UBND TP Đà Nẵng trước đây phân thành 14 lô. Trong đó, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh 10 lô, còn 4 lô chưa cấp giấy chứng nhận và chưa được giải tỏa. Việc đền bù cho các hộ dân bàn giao mặt bằng cho các công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh đến nay vẫn chưa hoàn thành. Các hộ dân và các trụ sở doanh nghiệp vẫn còn nguyên. Các thủ tục giao đất chưa đảm bảo về mặt pháp lý theo quy định. Các bản án tiếp tục kê biên tài sản nhưng không triệu tập những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

"Mục đích ban đầu dự án là đầu tư xây dựng khu phức hợp thương mại, nếu xé lẻ ra phá nát quy hoạch chung của thành phố. Do đó không thể xử lý thi hành án được", ông Thu cho biết. 

Theo Cục trưởng Cục thi hành án TP Đà Nẵng, thành phố đã báo cáo lên cấp Trung ương việc giữ lại sân vân động Chi Lăng theo nguyên vọng của nhân dân. Thủ tướng Chính phủ đã giao ngành tư pháp nghiên cứu tháo gỡ khó khăn. Các đoàn công tác của Trung ương đã trực tiếp về kiểm tra và thấy thực tế những vướng mắc đối với sân vận động Chi Lăng. “Các đoàn cũng có kết luận việc thi hành án đối với sân Chi Lăng là hết sức khó khăn”, ông Thu nói.

Về phía ngân hàng, ông Thu cho biết: Ngân hàng muốn đối trừ một số tiền của vụ án Hứa Thị Phấn ở TP Hồ Chí Minh để tiếp tục đầu tư xây dựng dự án như ban đầu, không xé lẻ dự án. Tuy nhiên, khả năng này trên thực tế cũng khó.

“Cục Thi hành án TP Đà Nẵng đã đề nghị giám đốc thẩm lại bản án đối với phần sân Chi Lăng vì không thể thi hành, không thể đấu giá. Tuy nhiên, phía TAND Tối cao chưa có phản hồi”, ông Thu cho hay.

Trong tháng 7 sẽ thu hồi 3 lô đất liên quan đến Phan Văn Anh Vũ

Liên quan đến việc thi hành án trong vụ án Phan Văn Anh Vũ, ông Thu cho biết: Hiện nay Cục thi hành án mới nhận được một phần của bản án, giao UBND TP Đà Nẵng thu hồi 4 khu đất.

Đối với lô đất 16 Bạch Đằng, hiện nay Cục đã giao chi cục Thi hành án quận Hải Châu tiến hành thi hành án. Tuy nhiên số 16 Bạch Đằng là khu đất trống không giống như trong bản án đã tuyên. Tại số 319 Lê Duẩn, Chi cục thi hành án quận Thanh Khê đang làm việc với các ngành chức năng để giao đất, nhưng gia đình Phan Văn Anh Vũ có đơn khiếu nại. Căn cứ quy định Cục Thi hành án sẽ giải quyết các vấn đề liên quan. Dự kiến 2 lô đất này sẽ được thu hồi trong tháng 7 này.

Đối với dự án 15.000m2 vệt ven biển ở quận Ngũ Hành Sơn, hiện nay dự án này ranh giới chưa rõ ràng. Thế nên Chi cục thi hành án quận Ngũ Hành Sơn đang phối hợp với cơ quan chức năng để xác định rõ ranh giới, hiện trạng trên đất để tiến hành thu hồi. Dự án này cũng dự kiến thi hành trong tháng 7 này.

Riêng đối với khu đất 3.264m2 trên đường Ngô Quyền, ông Thu cho hay: Xác minh trên thực tế, công trình trường Mẫu giáo ABC hiện đang tọa lạc trên khu đất; trường hoạt động bình thường, có khoảng 200 học sinh đang học, số lượng cán bộ, giáo viên của trường khoảng 40 người. Với quyết định của bản án tuyên chỉ giao quyền sử dụng đất mà không đề cập đến việc giải quyết đối với tài sản trên đất, dẫn đến việc không thể tổ chức thi hành án giao đất trên thực tế cho UBND TP Đà Nẵng được. Hiện nay, Cục thi hành án đã đề nghị giám đốc thẩm lại vụ án.

Trong phiên họp buổi chiều cùng ngày, đại biểu Trần Tuấn Lợi nêu ý kiến liên quan đến dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước. Trong vụ án Phan Văn Anh Vũ, TAND cấp cao tại TP Hà Nội phán quyết tại bản án số 158 ngày 12/5/2020, giao UBND TP Đà Nẵng thu hồi 29ha đất tại dự án này.

Theo ông Lợi, hiện nay tổng dư nợ của Cty Đa Phước (chủ đầu tư dự án) tại 2 ngân hàng lớn là 1.500 tỷ đồng. Đây là khoản vay mà Cty Đa Phước vay để đầu tư vào dự án, có thế chấp bằng quyền sử dụng đất 29ha đất kể trên.

“Khi quyền sử dụng đất 29ha này bị thu hồi, Cty Đa Phước sẽ phá sản, lập tức khoản nợ ngân hàng sẽ là nợ xấu, không thể thu hồi, gây ra hệ quả thiệt hại cho ngân hàng và cũng là gây thiệt hại cho nhà nước”, ông Lợi nêu ý kiến.

Đồng thời ông Lợi cũng cho hay, ngoài việc vay vốn ngân hàng, chủ đầu tư dự án này cũng đã ký kết, vay vốn, liên doanh với hàng chục đối tác để đầu tư số tiền rất lớn xây dựng hạ tầng, đường sá tại dự án. Nếu bị thu hồi, toàn bộ số tiền của đối tác sẽ bị mất, kéo theo sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp.

“Trong bản án, tòa không đề cập đến tài sản mà hàng chục nhà đầu tư trên diện tích 29ha. Cơ quan chức năng TP Đà Nẵng cần có tiếng nói với cơ quan có thẩm quyền ở Trung uơng để đảm bảo phán quyết của tòa được thực thi và đảm bảo quyền lợi của công dân, nhà đầu tư”, ông Lợi nói.

Ông Trần Phước Thu, Cục trưởng Cục thi hành án TP Đà Nẵng, cho biết: Đối với Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước, đến này Cục thi hành án TP Đà Nẵng chưa nhận được ủy thác thi hành án từ TAND tối cao. Do vậy, đối với việc xử lý liên quan đến dự án Đa Phước chưa có thẩm quyền giải quyết.

“Tôi đã làm việc với Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ dự án Đa Phước này chuyển cho Cục Thi hành án TP Đà Nẵng để thi hành. Chưa có ủy thác thi hành nên chưa thể biết khó khăn, thuận lợi, vướng mắc nào ở dự án này nên chưa báo cáo trước HĐND TP được”, ông Thu.

Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND Đà Nẵng cho rằng, cử tri có ý kiến rất nhiều và Bí thư Thành ủy đã có quan điểm rất rõ. Thi hành án trong thực tế có nhiều vướng mắc. Không thực thi được thì không có nguồn lực để thành phố phát triển. Ông Trung đề nghị, các cơ quan chức năng TP cần nghiên cứu hồ sơ kỹ càng, để khi có ủy thác thi hành án, sẽ kịp thời kiến nghị các vướng mắc liên quan đến dự án này. 

MỚI - NÓNG