Thu gom rác... loay hoay với phân loại

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chỉ còn 1 tháng nữa, việc xử phạt người dân không phân loại rác sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa có ý thức về việc phân loại rác. Ngoài ra, việc thu gom rác đã phân loại cũng là vấn đề chưa có giải pháp.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường - thay thế Nghị định 155/2016 và Nghị định 55/2021.

Theo đó, từ ngày 25/8 tới, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Chung cư 282 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân) chỉ có một thùng rác chung cho mỗi tầng

Thu gom rác... loay hoay với phân loại ảnh 1

Chung cư 282 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân) chỉ có một thùng rác chung cho mỗi tầng

Câu chuyện xử phạt nếu không phân loại rác thải sinh hoạt đang là chủ đề "nóng" ở các diễn đàn của các chung cư trên địa bàn Hà Nội.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tại các chung cư trên địa bàn quận Thanh Xuân đa số vẫn thực hiện thu gom rác theo phương pháp truyền thống, cũng chưa có đơn vị nào được tuyên truyền về phân loại rác từ nguồn.

Ông Trần Thanh Hiếu (tầng 12, chung cư 282 Nguyễn Huy Tưởng) cho biết, hiện chung cư chưa có thông báo nào về việc phân loại rác. Tất cả rác vẫn được người dân đổ tại khu vực chứa rác của mỗi tầng, cuối ngày sẽ chuyển xuống tầng 1 để xe rác chuyển đi. Về việc phân loại rác theo nghị định mới, ông Hiếu ủng hộ việc này và khẳng định: "Nếu có thùng rác riêng, gia đình sẽ phân loại rác, chấp hành quy định này để bảo vệ môi trường".

Tại quận Hai Bà Trưng, các chung cư như Imperia Sky Garden, Times City... khu đổ rác mỗi tầng đều được bố trí 2 thùng rác màu vàng và màu xanh để chứa rác vô cơ và hữu cơ. Tuy nhiên, do ý thức của người dân, cùng việc tuyên truyền về các loại rác chưa đầy đủ nên nhiều người dân vẫn vứt rác lẫn lộn. Ông Ninh Linh Long (tầng 3, chung cư Imperia Sky Garden) cho biết, mặc dù có 2 thùng rác nhưng vào khoảng chiều, tối khi rác thùng xanh đầy, người dân vẫn vứt các loại rác sang thùng vàng. "Do đó việc phân loại rác không mang lại hiệu quả", ông Long khẳng định.

Chưa có hướng dẫn

Lãnh đạo Cty CP Môi trường đô thị Gia Lâm cho biết, phân loại rác từ nguồn mang lại nhiều ý nghĩa, không chỉ thúc đẩy hoạt động của các ngành công nghiệp tái chế, mà còn làm giảm thiểu đáng kể lượng rác thải ra môi trường. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị thu gom rác thực hiện. Vị này đặt ra 2 vấn đề cần giải quyết, thứ nhất là chi phí thu gom sẽ tăng cao. Nếu trước đây thu rác 1 lần thì nay phải tăng lên vì phải gom rác hữu cơ, rác vô cơ riêng. Bên cạnh đó là công tác hậu phân loại, hiện toàn bộ rác thải vẫn chuyển lên bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) và bãi rác Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây). "Vậy rác vô cơ sẽ được vận chuyển đi đâu hay vẫn đưa lên 2 bãi rác trên. Hiện tại vẫn chưa có phương án cụ thể", vị này chia sẻ.

Đại diện Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết thêm, hiện nay chỉ có 1 số ít các chung cư của Tập đoàn Vingroup ở quận Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm... thực hiện phân loại rác từ nguồn. Rác tái chế sẽ được thu gom riêng nhưng số lượng không nhiều. Theo đơn vị này, đến nay vẫn chưa có quy định rõ là đơn vị nào sẽ xử phạt. Chưa có hướng dẫn cụ thể để triển khai nên việc phân loại rác vẫn chưa có tiến triển tích cực.

Được biết, Hà Nội từng là địa phương đi đầu của cả nước triển khai thí điểm phân loại rác giai đoạn 2006 - 2009 do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và đã thu được những thành công ngoài mong đợi. Tuy nhiên, sau khi kết thúc thời gian thí điểm, việc phân loại rác tại các phường ở Hà Nội lại gặp khó khăn nên không thể tiếp tục.

GS.TS Đặng Kim Chi (Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) nhận định: Hà Nội từng thí điểm phân loại rác thải từ đầu nguồn. Tuy nhiên, hiệu quả không cao do người dân có thể phân loại rác thải từ đầu nguồn, nhưng nhân viên thu gom rác lại sử dụng một xe thu gom duy nhất, sau đó tập kết tại điểm cố định. Từ đây các loại rác lại được cùng đổ một chỗ và đưa về nơi tập kết. "Quy trình từ phân loại đến xử lý cần được thực hiện chuẩn chỉ, nghiêm túc thì việc phân loại rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn mới có giá trị thiết thực", vị chuyên gia nói.

MỚI - NÓNG