Thú chơi máy ảnh cổ

Thú chơi máy ảnh cổ
Một người chơi máy ảnh cổ ở Hà Nội đã thốt lên ở diễn đàn máy cổ trên Internet: “TPHCM là một mỏ máy cổ. Em phải vào đó để khai mỏ thôi”(!).

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có nhiều người chơi máy ảnh cổ. Nhà sưu tập Huỳnh Ngọc Dân ở quận Phú Nhuận đã được ghi nhận là kỷ lục gia có nhiều máy ảnh cổ nhất Việt Nam hiện nay.

Hiện Huỳnh Ngọc Dân có hơn 400 chiếc máy ảnh cổ, phần nhiều đều là máy quý hiếm, “có tiền cũng không dễ gì mua được”. 

Chiếc Leica C của anh, theo giá in trong cuốn sách Price guide to antique & classic là 45.000 USD. Chiếc Leica 250 Reporter cũng có giá 8.000 – 12.000 USD. Còn chiếc Leica seri A giá niêm yết 20.000 USD.

Ngoài dòng máy Leica anh còn sở hữu nhiều máy cổ của các hãng máy danh tiếng khác như Rolleiflex, Hassellblad, Nikon, Canon… Anh còn dành riêng một gian phòng trong ngôi nhà của mình để trưng bày hàng chục máy ảnh cổ hàng trăm năm tuổi. Có chiếc máy ảnh vỏ ống kính được đúc thủ công bằng đồng.   

Nguyễn Ngọc Long ở gần công viên Đầm Sen là một tay săn máy cổ có thâm niên hàng chục năm. Người công nhân điện nước dáng vẻ bề ngoài khá lam lũ này hiện có gần … 500 chiếc máy ảnh.

Trong số đó, khoảng một nửa là máy vẫn chụp tốt. Long sở hữu những chiếc máy ảnh làm bằng giấy carton từ năm 1912, máy Zeiss Ikon sản xuất những năm 1920, máy Agus thân nhựa sản xuất năm 1925…

Long có một chiếc máy cổ hộp gỗ Korona III Victor sản xuất năm 1926, bộ phận điều chỉnh tốc độ cửa trập thiết kế như cái giảm xóc của xe máy ngày nay!

Nguyễn Chí Quốc ở đường Lê Quang Định (quận Phú Nhuận, sinh năm 1976 nhưng đã có trên trăm chiếc máy cổ. Những chiếc máy Exa 1, Contaflex, Olympus – pen, Leica IIC… cũng “ngốn” khá nhiều tiền của tay chơi trẻ này.

Gia đình tiệm ảnh Đức Lộc (quận 1) là gia đình chơi máy cổ tiếng tăm từ xưa. Gia đình đang trưng bày một chiếc máy cổ hộp gỗ thường gọi là “máy chữ A” do cụ Viên Tô Ký người Việt Nam sáng chế. 

Cái giá của thú vui

Anh Phương, một tay sửa chữa máy cổ có tiếng và là người hiểu biết về giới chơi máy cổ, nói: “Thị trường máy cổ tồn tại gần như trong bóng tối vì ít người thích phô trương nhưng nó rất khốc liệt. Cái máy ảnh hôm nay là của anh, mai có thể là của tôi.

Trong thị trường máy cổ có những tay chuyên gia “độ máy”, làm hàng giả. Nhiều máy cổ thực chất chỉ “cổ” ở vỏ, còn ruột máy đã được chế, máy bị thay thế một số linh kiện.

Anh Phương nói: “Những chiếc máy Kiev hồi đầu thế kỷ 20 được sản xuất theo kiểu dáng máy Leica bằng cách độ lại chữ, số, chế các linh kiện, biến máy Kiev thành “máy Leica” rồi thét giá cao lên mấy lần!”.

Mỗi hãng máy ảnh thường sản xuất nhiều dòng, mỗi dòng máy lại có nhiều sê ri. Cùng một dòng máy nhưng khác sê ri thì thời điểm sản xuất có thể cách xa nhau đáng kể. Những năm trước chưa có Internet, thông tin về máy cổ rất ít.

Anh Huỳnh Ngọc Dân nói: “Chuyện mua đắt bán rẻ là chuyện thường đối với dân chơi máy. Ngay cả những tay chơi máy tiếng tăm cũng bị nốc ao như thường, chỉ vì thiếu thông tin”. 

Việc mua bán máy cổ thường chỉ là mua bán trao tay giữa các nhà sưu tập, mua bán với người bán hàng xách tay từ nước ngoài về.

Người sưu tầm thường mua vào nhiều hơn bán ra. Đối với họ, những chiếc máy ảnh cổ đem đến nhiều niềm vui, nhiều hứng thú. Nguyễn Ngọc Long nói: “Gặp những chiếc máy ưng ý, nhiều khi phải vay tiền bố mẹ, vay tiền anh chị em để mua cho được”.

Anh Phương, thợ sửa máy cổ, kể: “Tôi có người bạn chơi máy cổ, nó thường nói: Tôi yêu máy cổ như yêu người phụ nữ”.

Huỳnh Ngọc Dân tâm sự: “Khi tôi vào bảo tàng máy ảnh cổ ở Mỹ để xem, tôi mới phát hiện ra máy của họ ít hơn máy của mình mà người ta kéo đến xem rất nhiều!”.

Huỳnh Ngọc Dân cho biết, cuối năm nay anh sẽ sang Mỹ định cư nhưng ước mơ của anh là một ngày nào đó TPHCM sẽ xây dựng được một bảo tàng máy ảnh, quy tụ những chiếc máy ảnh quý hiếm mà người thành phố này sưu tầm và lưu giữ được.

Chắc chắn bảo tàng sẽ thu hút nhiều du khách đồng thời nhờ đó mà ngăn chặn nạn “chảy máu máy cổ”. Anh cho biết, nhiều tay săn máy ảnh cổ từ nước ngoài thường có mặt ở Việt Nam để lùng mua máy cổ quý hiếm.

Theo Nguyễn Anh
SGGP

MỚI - NÓNG