Thư California: Lòng trắc ẩn - kháng thể tinh thần

Tác giả tại đồi Mornon Rock (nơi vắng người) trong ngày Quốc khánh Mỹ 4/7/2020
Tác giả tại đồi Mornon Rock (nơi vắng người) trong ngày Quốc khánh Mỹ 4/7/2020
TP - “Hãy nhân từ, vì tất cả những người bạn gặp đều đang trong một cuộc đấu cam go hơn” (Nhà triết học cổ đại Plato).

NHỮNG KỲ TÍCH QUANH TA

Sáng thứ Bảy 30/5/2020, tên lửa đẩy Falcon 9 phóng thành công tàu Crew Dragon đưa hai nhà du hành vũ trụ Mỹ Bob Behnken và Doug Hurley lên Trạm vũ trụ  quốc tế. Phát minh của SpaceX (một công ty tư nhân do tỷ phú Elon Musk- người Mỹ nhập cư làm chủ) đã giúp NASA tiết kiệm nhiều tỷ đô la: tầng trên tên lửa đẩy này không nổ tung trên quỹ đạo trái đất như trước mà chỉ 9 phút đã quay về ngoài khơi Florida và sẽ được tái sử dụng. Sau gần một thập kỷ, Mỹ mới lại đưa các nhà du hành vũ trụ lên không gian với giá rẻ hơn hẳn so với việc lâu nay thuê chỗ trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga.

Từ tòa chung cư tôi ở có thể nhìn thấy những hòn đảo nhỏ cùa các trạm lọc dầu Long Beach mang tên bốn phi hành gia hy sinh thập niên 1960: Grissom, White, Chaffee và Freeman. Bãi biển thời cấm túc thật im ắng, đường phố vắng, vì mới có các cuộc biểu tình của người da màu. Các cửa tiệm đóng ván ép kín mít. Bỗng tiếng violon réo rắt vang lên làm không khí trở nên rộn rã. Cô gái thanh mảnh tóc vàng cuối tuần nào cũng đứng ban công nhà mình diễn phục vụ láng giềng. Nhà nhà ngồi quanh TV, chuyển kênh tạm ngưng xem các tin tức căng thẳng để ngắm cảnh tên lửa phun đuôi khói sáng rực. Thấy phấn chấn và vơi đi phiền muộn.

Không dễ làm phi hành gia chuyên nghiệp; những người có tiền mua vé lên Mặt trăng hay Sao Hỏa thì khác, SpaceX đang triển khai kế hoạch này trong tương lai. Tuyển chọn nghặt nghèo, học hành vất vả, tập luyện bay lượn hàng ngàn giờ trước khi tốt nghiệp, lương trung bình không quá cao (65 ngàn đến 165 ngàn USD một năm). Rồi phải chịu xa gia đình ròng rã nhiều tháng, chưa kể hiểm nguy đến sức khỏe, tính mạng. Ngoài tài năng sức lực, nếu không đam mê dấn thân vì nhân loại thì khó theo nghề. Hồi đầu tháng Tám có tin các anh đã trở về Trái đất an toàn sau hơn hai tháng bôn ba ngoài không gian. Ngồi trong lồng kính lơ lửng không trung được ngắm cảnh vũ trụ đẹp đẽ thật nhưng chắc khá ngột ngạt cô quạnh. Mình ngồi nhà hạn chế ra đường nào có thấm gì. Trái đất cũng là quả cầu lơ lửng nhưng quanh ta có triệu triệu người.

NGUỒN ÐỘNG LỰC TINH THẦN

Dẫu thế triệu triệu người hiện vẫn tiếp tục sống trong cùng cảnh bó buộc. Nếu không có động lực tinh thần vì nghĩa vụ khoa học cao cả như các phi hành gia, thì những hạn chế trong đời sống hiện tại còn khó chịu đựng hơn. Thư trước tôi kể bài báo của Yuval Noah Harari về phép thử trách nhiệm công dân trong đại dịch. Sau mấy tháng dịch chưa dứt và vắc xin chưa có, thì chuyện lắng xuống ở một tầng thử thách khác: Lòng trắc ẩn với tha nhân.

Trưa nay tôi ghé tiệm gà rán bình dân, chợt nghe cãi cọ ầm ĩ. Một ông khách đói bụng thản nhiên bốc tiền lẻ trong lọ tiền típ, dùng tiền đó mua gà rán. Cô bán hàng không thấy nhưng bà chủ phát hiện gọi cảnh sát. Cảnh sát bắt nghi phạm, dẫn vào kiểm tra camera, lời qua tiếng lại xong ai đi đường nấy. Ông ăn cắp được thả và được tặng thêm salad kèm nước soda. Cô chủ trẻ măng tươi cười dù than thở: “Dạo này hàng họ ế lắm, không được bày bàn trong tiệm. Khách ăn phải ngồi ngoài sân hoặc “to go”, nhưng thôi ông ấy đói, tha cho ông ấy”. Tôi xách túi đồ ăn ra xe, mùi thơm sực nức, nhón tay thử một miếng thấy ngon lạ. Không cần tin tức trên đài về tiền trợ cấp hay vắc xin, nguồn động lực tinh thần thường đến từ những chuyện vui nho nhỏ như vậy.

Thư California: Lòng trắc ẩn - kháng thể tinh thần ảnh 1 Phạm Hồng Linh và tác phẩm “Lạc lối trong nan cói” thiết kế bằng công cụ lập trình máy tính (coding). Tổng hòa của nghệ thuật, công nghệ và văn hóa- đó là nền tảng phát triển trong tương lai gần

Từ chỗ chỉ biết nghe ngóng sức khỏe bản thân, khó chịu khi bị hạn chế đi lại, phải đeo khẩu trang nơi công cộng, không được ăn tiệm hay xem hát, quanh quẩn với những quyền lợi riêng hay những vấn đề chính trị xã hội có vẻ thiết thân, nay dân Mỹ dần biết nhìn nhận và thấu hiểu nỗi đau của người khác. Bệnh tật chết chóc có lẽ không đáng sợ bằng sự vô cảm. Dần dần ai cũng ít nhiều nhận ra điều làm mình lo lắng không phải sức khỏe hay tiền bạc, mà là sự nguội lạnh tình người. Biết đâu nhờ đại dịch, người Mỹ lại bớt ích kỷ, quan tâm giúp đỡ người khác nhiều hơn.

Không chỉ cảm thương mà cần hành động.“Rất muốn giúp chị khiêng món đồ nặng này nhưng tôi không thể”- người đàn ông phân trần với hàng xóm. “Vợ tôi ốm yếu nên tôi phải cách ly nghiêm ngặt vì bà ấy có thể nhiễm bệnh”. Lý do có vẻ chính đáng lắm. Nhưng nếu không thể làm bất cứ điều gì cho người khác, tâm hồn ta sẽ xói mòn vì buồn chán, hờ hững, hoài nghi. Muốn có một tinh thần khỏe mạnh, chắc chắn phải tìm cách “làm gì”.

TÌM SỰ CẢM THÔNG QUA VĂN CHƯƠNG NGHỆ THUẬT

Văn nghệ sĩ hành động bằng sáng tác. Mấy tháng trước cựu biên tập thơ của tờ New Yorker cũng là cựu Chủ tịch Hội nhà thơ Hoa Kỳ Alice Quinn gửi thư hỏi các nhà thơ xem họ có viết gì trong thời gian này không, và được 150 nhà thơ hồi đáp. Góc nghệ thuật lãng mạn Mỹ thật phong phú không ngờ. Alice Quinn biên tập một tuyển thơ nhan đề “Cùng nhau trong biến cố lạ lùng”. Chất chứa tâm trạng nhưng không tuyệt vọng chán nản; lo lắng nhưng không ảo não, hơn thế còn khích lệ lòng nhân từ.

“Hãy tắt đèn và tắt nhạc, đóng cửa và đi ra đường/Hãy cất tiếng và bừng nở như những đóa hoa/Trong vườn địa đàng/Hãy cảm ơn linh hồn bạn/Đang bay bổng/Hãy cảm ơn mặt đất/Vì những tiếng vọng và sự đồng cảm/Xua tan sợ hãi quá khứ/Xin đừng lạc hướng/Trái tim sẽ chỉ đường/Để giúp những kẻ yếu đau, lo âu nhưng hy vọng". (Nathalie Handal)

Nhà nghiên cứu lịch sử văn chương Mỹ Stephen Greenblatt- cựu sinh viên Đại học Yale từng viết nhiều bài chỉ ra: bản năng sinh tồn của con người gắn liền với lòng yêu thiên nhiên và đồng loại. Ông trích dẫn thơ của triết gia nhân văn cổ đại Lucretius, tác giả cuốn “Bản chất sự vật”, về sự hòa hợp và thả lỏng của con người vào thiên nhiên và hoàn cảnh.

Lucretius cho rằng nghệ thuật nuôi dưỡng tâm hồn, giúp họ vượt qua thử thách của số phận. Cùng với Greenblatt, nhiều giáo sư văn học nay dành thời gian dạy trực tuyến để giới thiệu với sinh viên những tác phẩm kinh điển về các đại dịch trong lịch sử, coi đó là những tiên đề nhân văn cho các tư tưởng sáng tác đương đại.

Sinh viên Mỹ nay có thời gian sống chậm để đọc “Nhật ký những năm dịch hạch” của Daniel Defoe, “Dịch hạch” của Albert Camus, “Tình yêu thời thổ tả” của Marquez. Không ngờ một tác phẩm kinh điển của Marquez về phép loại suy giữa tình yêu, lòng đam mê và dịch bệnh từng đọc thời trẻ ở Việt Nam vẫn rất ăn khách ở Mỹ thời gian này. Giới trẻ ở đây thuộc bài thơ “Con quạ” của Edgar Allan Poe, và cũng thích truyện ngắn “Mặt nạ cái chết đỏ” của ông. Những hình ảnh rùng rợn trong truyện ngắn của Poe hàm chứa thông điệp mạnh mẽ về công bằng xã hội. Một tác phẩm nữa tuy không nổi tiếng nhưng rất được ưa chuộng ở đây: “Ngựa còi người ốm” của Katherine Anne Porter. Tác giả truyện ngắn từng sống sót qua dịch cúm Tây Ban Nha 1918-1919. Những hình ảnh về dịch cúm này thường được trưng bày trong các bảo tàng nhỏ ở thành phố cảng Long Beach của tôi.

Ở vùng Đông Bắc Mỹ - nơi chịu nhiều ảnh hưởng của dịch, các nghệ sĩ trẻ có dịp trưng bày tác phẩm trong các triển lãm trực tuyến như Area Code Artfair. Nghệ sĩ thiết kế trẻ Phạm Hồng Linh, sống và làm việc ở Boston, đã dùng thời gian rảnh cách ly ở nhà để thiết kế bằng công cụ lập trình máy tính (coding) loạt tranh và video nghệ thuật mô phỏng chiếc chiếu cói đa sắc của làng dệt chiếu Cẩm Nê, Đà Nẵng. Các tác phẩm của cô thể hiện tình cảm và hoài niệm sâu đậm về quê hương Việt Nam. Cô sẽ dùng tiền bán tranh gửi đến các nghệ nhân dệt chiếu Cẩm Nê, ước mong nghề truyền thống đang dần mai một này sẽ tái sinh, và chiếc chiếu cói mãi gắn bó với bữa ăn giấc ngủ của người Việt.

VẮC XIN CHO TÂM HỒN

Trên truyền thông toàn cầu bây giờ là hình ảnh một nước Mỹ sôi động các hoạt động y tế chính trị xã hội, đặc biệt tăng nhiệt trước mùa bầu cử. Người ta theo dõi từng ngày quá trình thử nghiệm và điều chế vắc xin phòng SARS-CoV-2 và các biến thể của nó. Bao giờ thì có vắc xin, loại nào tốt loại nào không, thử nghiệm trên vài ngàn người có đủ không, trong thời gian bao lâu thì an toàn? Nếu có vắc xin hữu hiệu rồi thì có nên tiêm hay không?

Cũng như thế là các tranh luận không kém phần gay gắt về việc đóng hay mở cửa, nên hay không nên xóa bỏ những bức tượng có thể có liên quan đến kỳ thị chủng tộc; rồi trợ cấp thất nghiệp bao nhiêu là đủ, các qui định giãn cách và đeo khẩu trang nên được thực thi ở đâu.

Nước Mỹ trong mắt tôi thực ra không nóng bỏng như trên sóng ảo, nước Mỹ có chút mệt mỏi buồn bực đấy nhưng vẫn ngày ngày làm nên kỳ tích, và hiền hòa nhân ái hơn nhiều. Nếu có những liều vắc xin giúp tạo ra kháng thể chống virus, nền kinh tế có kháng thể chống suy thoái, người dân có kháng thể chống bạo lực để tự do đi lại ăn chơi thì cuộc sống sẽ bình ổn.

Song còn cần gì hơn thế chăng?

Cần chứ. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần những liều vắc xin cho tâm hồn lành mạnh, bình an. Để tạo nên những chất kháng thể kỳ diệu, hay tác dụng phụ tích cực của mùa COVID-19 kéo dài: Lòng trắc ẩn với tha nhân. Thiếu nó thì cả thế giới này gay go, đâu chỉ nước Mỹ.

Thư California: Lòng trắc ẩn - kháng thể tinh thần ảnh 2 Hai thanh niên ở tổ chức “Tình thương vượt qua rào cản” chuyên đi lắp bồn rửa di động cho người vô gia cư ở Atlanta, Georgia

Mùa hè năm nay có lẽ sẽ ghi lại dấu ấn đặc biệt cho giới trẻ ở Mỹ. Những bài học quá khứ hay những hoạt động cộng đồng hiện tại đem lại trải nghiệm mới cho họ về tình thương và sự cảm thông, rằng giúp người chính là giúp chính mình trong những thời kỳ đặc biệt.

Nếu có những liều vắc xin giúp tạo ra kháng thể chống virus, nền kinh tế có kháng thể chống suy thoái, người dân có kháng thể chống bạo lực để tự do đi lại ăn chơi, thì cuộc sống sẽ bình ổn. Và một liều vắc xin tinh thần nữa.

MỚI - NÓNG