"Khủng long" ở Hồ Tây
Với diện tích lớn nên Hồ Tây (Hà Nội) khi xưa là kho thủy sản lớn của người dân quanh hồ. Hồ Tây nổi tiếng với loài cá chép mình đỏ, mình trắng; cá trắm mình đen như mực; tôm hồng; ốc; ba ba,... cho thịt thơm, ngon và bổ.
Trong đó, trắm đen được biết đến là loài cá có nặng cân nhất từ trước đến nay ở Hồ Tây. Do đó, loài cá này còn được nhiều người hài hước gọi là “khủng long Hồ Tây".
Trong nhiều năm qua, đã có nhiều con trắm đen với cân nặng tới vài chục kg được các "cần thủ" câu được ở Hồ Tây. Đầu tháng 7/2009, giới câu cá rúng động khi một “cần thủ” ở Hoàn Kiếm câu được một con trắm đen ở Hồ Tây nặng tới 37,2kg. Con cá có chiều dài 1,34m, vảy to và cứng như thép. Trên các diễn đàn câu cá, người ta đều khẳng định đây là con trắm đen lớn nhất câu được ở Việt Nam. Tuy nhiên, so với quá khứ của Hồ Tây thì con trắm đen này chỉ là hạng “tép riu”.
Ông Phan Ngọc Kim, Giám đốc Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản (Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Hồ Tây) kể trên VTC News, năm 1992, tại trụ sở xí nghiệp của ông đã trưng bày một tiêu bản cá trắm đen nặng tới 46kg. Song, qua nhiều lần chuyển trụ sở, giờ không rõ tiêu bản cá này biến đâu mất.
Còn theo ông Nguyễn Viết Bân, người phụ trách mảng khai thác cá Hồ Tây, tiêu bản cá trắm đen Hồ Tây trưng bày năm 1992 cũng chưa là gì cả, vì những năm đó, trắm đen Hồ Tây đã cạn kiệt rồi.
Tính từ năm 1988 trở về trước, năm nào Công ty Khai thác Hồ Tây cũng khai thác được chừng 10 tấn cá trắm đen, loại từ... 40kg trở lên. Có những năm khai thác được tới 15 tấn “khủng long”. Nếu tính cả những con trắm đen cỡ vài kg trở lên, mỗi năm Công ty bắt được từ lòng hồ lên cỡ chừng năm bảy chục tấn.
Những con cá trắm đen lớn như thế này từng có rất nhiều ở Hồ Tây.
Con “quái vật” khủng nhất tóm được ở Hồ Tây vào năm 1988, là một con trắm đen lớn chưa từng có, nặng tới 90kg. Lúc trục con “quái vật” lên bờ, có nhiều ý kiến tranh luận khá gay gắt. Một số chị em góp ý nên thả xuống hồ vì nghĩ nó là con “trắm ma”, “quái vật” đã... thành tinh. Cuối cùng, con “quái vật” bị xẻ thịt, chia đều cho cán bộ công nhân viên của công ty để... ăn Tết.
Bây giờ, thi thoảng các cần thủ cũng vẫn có thể đánh bắt được cá to mấy chục kilôgam nhưng số lượng cá “khủng” như thế không còn nhiều. Theo ông Bân, việc khai thác nguồn thức ăn của trắm đen là ốc quá mức, rồi tình trạng ô nhiễm, đã khiến trắm đen gần như sắp tuyệt chủng ở Hồ Tây.
Thót tim những 'quái vật' Hồ Tây
Ngoài những con trắm đen "khủng long", có khá nhiều lời đồn đoán, thêu dệt về những "sinh vật lạ", từ "thủy quái" Hồ Tây, "ốc ma" Hồ Tây,... khiến nhiều người thót tim.
Mấy năm trước, nhiều người tẩy chay ốc Hồ Tây, vốn nổi tiếng bởi sự thơm ngon, ngọt đặm vị riêng của ẩm thực Hà Nội, vì những bàn tán về những con ốc có hình thù khác lạ không có nắp, không lớp vảy cứng thò cái miệng ù ụ thịt ra ngoài. Và người ta gọi chúng là những con ốc ma, ốc quái dị hay thậm chí là “quái vật" Hồ Tây.
Nhận xét về loài ốc không nắp này, ông Phan Ngọc Kim cho rằng, có thể có sự biến thái do môi trường nước Hồ Tây thay đổi. Còn kỹ sư Nguyễn Viết Bân cho hay, loài ốc đặc dị ở Hồ Tây thực ra vẫn có nắp, chỉ là nắp của nó rất mỏng, trong suốt, như một lớp màng, nên phải dùng kính lúp soi mới thấy được.
Cá chép "ma" hồ Tây.
Cùng thời điểm trên, có rất nhiều con cá với hình thù và màu sắc khác lạ cũng xuất hiện. Những con cá không có vảy, hoặc vảy của chúng biến hình, đổi màu một cách đặc biệt. Thay vì là màu đen, trên vảy chúng sẽ xuất hiện những màu sắc sặc sỡ khác và thậm chí là bung nở như những bông hoa.
Người dân Hà thành từng náo loạn trước con cá chép không vảy hay chỉ có một vài đốm vảy tại hồ Tây. Những con cá chép màu mè loang lổ trông kỳ dị, khiến nhiều người phải sợ hãi cho rằng ở Hồ Tây xuất hiện cá chép ma nên không ai dám ăn. Tuy nhiên, các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu và xác định rằng đây là loài chép lai giữa chép Việt Nam và chép Hungary.
"Quái ngư" toàn thân màu trắng, mõm dày giống cá heo ở hồ Tây.
Mới đây, vào tháng 9/2015, anh Trần Lĩnh Huế (28 tuổi, phố Quán Thánh, quận Ba Đình) đi tập thể dục ở ven Hồ Tây thì thấy thợ câu câu được một con cá toàn thân màu trắng, mõm dày giống cá heo thấy đẹp mắt nên anh đã mua về nhà với giá 500.000 đồng, con cá có trọng lượng 3kg.
Khi anh Huế thả "quái ngư" này vào bể cá thì nó rất hung dữ, đuổi cắn những con cá khác. Anh Huế đem gửi ở nhà bạn nhưng cũng không được. Anh Huế đã đem con cá lạ này phóng sinh về Hồ Tây.
TS Kim Văn Vạn, Phó trưởng khoa Thủy sản, Học viên Nông nghiệp Việt Nam cho biết trên báo Người đưa tin: "Con cá màu trắng, đầu giống cá heo được một câu thủ ở Hồ Tây câu được mà mọi người gọi là "quái ngư" có tên gọi là cá Tai tượng hay còn được gọi là cá Thần tài. Loài cá này chung dòng họ với cá rô phi, màu sắc của loài cá này phụ thuộc vào môi trường sống theo xu hướng tạo cảnh".