Vị lãnh đạo này thông tin, ban đầu xác nhận có 10 trường hợp, nhưng sau đó xác định có 9 trường hợp sử dụng bằng cấp 3 và chứng chỉ giả. 1 trường hợp có sai sót là do lỗi đơn vị cấp bằng là Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cấp cho trường hợp B.V.Đ (SN 1984, công tác ở Bệnh viện Lao phổi - PV).
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có khởi tố vụ án đề điều tra vụ việc hay không, một cán bộ Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Việc xác định khởi tố hay không còn phụ thuộc nhiều vấn đề, trong đó phải xác định được đường dây mua bán bằng giả, hoặc đã thực hiện hành vi lừa đảo gây hậu quả nghiêm trọng hay chưa…”. Đồng thời, vị này cũng đề nghị phóng viên liên hệ với Sở Y tế Đắk Lắk để được cung cấp danh tính, cũng như nơi công tác của những người này theo đúng thẩm quyền.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk đã từ chối cung cấp danh tính, cũng như đơn vị công tác của 9 trường hợp nêu trên. “Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã buộc thôi việc cả 9 trường hợp này. Đối với 4 trường hợp sử dụng chứng chỉ không hợp pháp, Sở cũng đang kiến nghị UBND tỉnh xem xét lại, vì họ có học thật, nhưng nơi đào tạo chưa được cấp phép cấp chứng chỉ đào tạo về Ngoại ngữ và Tin học” - ông Nay Phi La nói.
Liên quan đến vụ nguyên Chủ tịch xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông sử dụng bằng cấp giả, vừa qua Công an tỉnh Đắk Nông ra quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam để điều tra về hành vi: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” quy định tại điều 341 BLHS năm 2015.