Thông tin CPI tăng cao: Chỉ là cảnh báo?

TP - Tại buổi họp báo tối 1-4-2010 do Văn phòng Chính phủ tổ chức, một quan chức Bộ Kế hoạch&Đầu tư cho rằng thông tin về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay có thể ở mức 8-9% chỉ là thông tin mang tính cảnh báo, chưa xảy ra trên thực tế. Có đúng vậy không?

Tăng lượng tiền lưu thông là một nguyên nhân chính của tăng CPI  (Ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh

Ông hoàn toàn đúng nếu nói về chỉ số CPI của cả năm, tức là chỉ số đó vào ngày 31-12-2010 so với một năm trước đó, vì thời điểm đó chưa xảy ra.

Nhưng người ta sống suốt 365 ngày một năm và quan tâm đến sức mua của đồng tiền, đến giá cả hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng chứ không chỉ vào ngày cuối năm. Họ cũng chẳng mấy quan tâm đến các con số thống kê rắm rối.

Để phân tích chúng ta cần đến những con số thống kê khô khan ấy.

Tháng 9, mùa thu năm ngoái

Tăng lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế là một nguyên nhân chính của tăng chỉ số giá tiêu dùng. Mức tăng tín dụng có thể được dùng như một chỉ báo của mức tăng lượng tiền trong nền kinh tế.

Gói kích thích kinh tế bắt đầu từ đầu năm 2009 và tốc độ tăng tín dụng đã gia tăng nhanh (từ mức tăng khoảng 25% vào tháng 3-2009 lên gần 50% vào cuối năm) và tốc độ tăng tín dụng chỉ chậm lại khi gói bù lãi suất hết hiệu lực (tháng 12-2009, tháng 1-2010, xem hàng cuối của bảng dưới).

Chỉ số CPI của Việt Nam hằng tháng (so với cùng kỳ năm trước) theo Tổng cục Thống kê, và tốc độ gia tăng tín dụng hằng tháng so với tháng trước theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, diễn biến như bảng biểu.

Tác động lạm phát của gia tăng tín dụng, theo một chuyên gia, có độ trễ từ 5 đến 7 tháng. Tín dụng tăng nhanh từ tháng 2-2007 (ở mức khoảng 27% so với năm trước) lên mức khoảng 57% vào tháng 12-2007 và giữ nguyên mức đó cho đến tháng 4-2008. Sau đó, do chính sách siết chặt tiền tệ, tăng trưởng tín dụng giảm mạnh xuống mức 27-28% vào cuối năm 2008 đầu 2009, rồi lại gia tăng mạnh từ mức khoảng 24% vào tháng 3-2009 lên gần 50% vào cuối năm 2009.

Tốc độ tăng tín dụng hằng tháng (so với tháng trước) có thể thấy ở dòng cuối của bảng trên. Với độ trễ 5-7 tháng, biến động tăng trưởng tín dụng tương quan mạnh với biến động lạm phát (CPI tăng nhanh từ cuối 2007 lên đỉnh gần 30% vào tháng 8-2008, rồi giảm liên tục cho đến tháng 8-2009, và lại tiếp tục tăng từ đó đến nay. Phần từ tháng 1-2009 đến nay có thể thấy ở hàng 3 bảng trên).

Từ bảng trên, có thể thấy chỉ số CPI (so với cùng kỳ năm trước) giảm nhanh do khủng hoảng kinh tế và do chính sách thắt chặt tài chính tiền tệ của Chính phủ. Thế nhưng, nó lại bắt đầu tăng từ tháng 9-2009.

Nhiều người, trong đó có người viết bài này, lúc đó, cảnh báo nguy cơ lạm phát tăng nhanh trở lại do tác động của gói kích thích kinh tế và sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Chính phủ cũng nhận ra nguy cơ ấy cùng những bất ổn kinh tế vĩ mô khác kéo dài nhiều năm trời và đã đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và chống lạm phát lên hàng đầu.

Dự báo hay đã hiện hữu?

Diễn biến của lạm phát từ tháng 9-2009 đến tháng 3-2010 chứng tỏ những cảnh báo như vậy không những có cơ sở mà đáng tiếc đã xảy ra.

Như thế, từ tháng 2-2010, mức lạm phát đã vượt con số 8-9% mà quan chức nhắc đến và hoàn toàn không chỉ là thông tin cảnh báo, chưa xảy ra trong thực tế như khẳng định.

Các bà nội trợ, các doanh nghiệp và người tiêu dùng nói chung có thể cảm nhận được lạm phát hằng ngày. Họ chẳng cần ai cảnh báo, họ biết rõ hơn các nhà thống kê vì nó đụng đến túi tiền, đến cái ăn, cái mặc và thu nhập của họ.

Nếu tương quan giữa tăng trưởng tín dụng và CPI vẫn có hiệu lực, có thể thấy, lạm phát sẽ còn tăng đều đều ít nhất cho đến tháng 6-2010. Đấy là chưa nói đến tác động tăng giá các mặt hàng trên thị trường thế giới.

Nói cách khác, theo suy luận như trên, rất có khả năng lạm phát trong các tháng của quý 2 năm nay tiếp tục tăng và có thể cả sáu tháng cuối năm nữa nếu không có các biện pháp chống lạm phát quyết liệt.

Lưu ý rằng lạm phát ở mức 5% đã được coi là cao, cho nên có thể thấy “CPI tăng cao” không chỉ là “thông tin mang tính cảnh báo” mà là một thực tế.

May là Chính phủ đã nhận ra thực tế và nguy cơ này, về lạm phát cũng như về các bất ổn kinh tế vĩ mô khác (thâm hụt cán cân thương mại, thâm hụt ngân sách, hiệu quả đầu tư thấp, v.v), và đã bàn nhiều về vấn đề này trong phiên họp thường kỳ tháng 3 họp từ 30-3 đến 1-4 vừa qua và đưa ra nhiều biện pháp để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiên quyết chống lạm phát.